Thứ Tư, 7 tháng 10, 2015

Nhớ Vũ Mạnh Hùng

Bài nhặt từ trang Bạn Trường Trỗi, cám ơn LTM đã gợi ý:
Sắp 49 ngày anh Vũ Mạnh Hùng về cõi, tôi xin giới thiệu bài viết của anh Nguyễn Thanh Đường là người bạn gần gũi "nhân vật" từ tuổi thơ cho đến tận... về hưu. HT

Tôi với ông Vũ Mạnh Hùng (K4 Trỗi) quen nhau từ nhỏ vì hai gia đình cùng quê Hải Dương, hai ông già  cùng hoạt động và gắn bó với nhau. Chúng tôi chênh nhau một tuổi, thủa nhỏ học cùng trường và đi học cùng nhau trên phố Phan Đình Phùng HN. Đầu những năm 60 nhà ông và nhà tôi đều chuyển đi nơi khác, thỉnh thoảng chỉ còn gặp nhau khi theo bố mẹ nhà này thăm nhà kia.
Chiến tranh phá hoại xảy ra vài năm bất ngờ 1966 tôi gặp ông khi lên học tại trường VHQĐ Nguyễn Văn Trỗi ở Đại từ Thái Nguyên và sống cùng trung đội. Sao chẳng bất ngờ vì đó là trường quân đội, định hướng là nhập ngũ chiến đấu sao lại xuất hiện một ông “què”.  Tuổi trẻ lại hầu hết quen nhau nên chẳng mất nhiều thời gian  Hùng cũng hòa vào với lớp: chơi bóng bàn, qua cầu, qua suối đi ăn, đi học chẳng kém ai, rồi cùng chạy lũ trong đêm Đại Từ khi suối dâng hàng mét trong đêm. Khác biệt với bạn bè chỉ là không phải tập quân sự, không phải vào rừng lấy củi, lấy gạo, gác đêm ở tuổi 14 của học sinh Hà nội. Ông Hùng “què” mặc áo lính suốt thời tuổi trẻ, mang tâm hồn lính,  nghị lực lính “cụ Hồ” từ đó và  nghiễm nhiên rất nhiều bạn lính. Ảnh: năm đầu đại học, sau những năm trường Trỗi(?)
Bất ngờ thứ hai, sau hơn chục năm ông đi làm chúng tôi đi bộ đội mỗi đứa mỗi phương nhưng năm nào cũng gặp nhau ngày phép; bỗng một hôm ông bảo với mấy thằng bạn: chỗ tôi đang cần một ông kỹ thuật ông nào về với tôi cho vui. Năm đó 1991, mấy thằng tụi này đều diện có số có mà quân hàm 2 vạch được 4 năm lận nên ừ hữ cho qua, riêng tôi thấy đó là cơ hội. Đại hội đảng bộ binh chủng chuẩn bị cho ĐH Đảng VII, tôi làm luôn “một cú” phát biểu thẳng thắn về nguy cơ với CNXH và sự cần đổi mới thế là hai ông tướng Tư lệnh, chính uỷ lần lượt “chiến” lại tại hội trường. Không ai bắt tay, đứng cạnh ngoài một ông bạn già (ông Hồ Đắc Thuyên con cụ Hồ Đắc Di) thì thầm ông không định lên quân hàm à. Tôi cười bảo góp ý  hoàn toàn xây dựng mà. nếu tổ chức ngán thì tôi có phương án B rồi. Với không khí và sự đồn thổi sau buổi họp, tôi làm đơn xin chuyển ngành và được ký nhanh nhất (có lẽ toàn quân). Tôi về làm việc cùng ông Hùng. Chín năm ở với ông cơ quan  đầy ắp tiếng cười dù một thời gian khó.
Năm 1999, bất ngờ hai thằng bị dựng chuyện “phá hoại hệ thống tin học”  (để sếp thay đổi nhân sự cơ quan cho dễ làm ăn).  Khi đó cơ quan chuyển sang địa điểm mới, việc mua sắm, lắp đặt hệ thống mới hai thằng đều không tham gia, đột nhiên thấy bảo nó hỏng và được loan báo rằng có phá hoại của những người có nghề. “Tổ chức” phán thì ghê rồi, mời cơ quan an ninh vào, được 2 ngày tôi nhận được cú điện xin gặp của một đồng chí trung tá an ninh thuộc đoàn điều tra. Mình đến thấy bắt tay rất nhiệt tình và giới thiệu cháu là con rể ông Quì, được giao xem xét tìm nguyên nhân hư hỏng hệ thống tin học đơn vị theo yêu cầu của cơ quan. Cháu đọc hồ sơ thấy có tên chú (đối tượng cơ quan nghi ngờ) cháu ngạc nhiên quá, tìm hiểu lại đúng chắc là chú, sau khi nghiên cứu, cháu khẳng định luôn với đoàn không có chuyện phá hoại mà đây là người ta có ý đồ đưa cơ quan điều tra vào thực hiện mục đích riêng. Mình nói gọi anh thôi, cám ơn đã tin cậy và  chia sẻ 4 người người ta dựng chuyện đều là người tử tế, một vợ lính chân chất, một con liệt sỹ- đại úy chuyển ngành, tôi và ông Hùng. Thật may, ông Quì sỹ quan thông tin thế hệ già, cùng đơn vị với mình 4 năm, rất quí và luôn tin mình bởi thấy một thằng con cán bộ hiền lành và cần mẫn. Tôi biết ông quí trọng và hay nói mình như một tấm gương cho lớp trẻ nên con cháu ông biết tôi. Bọn mình được minh oan bằng văn bản và tụi mình cho qua nhưng giải mối oan trong dư luận ngành thâm tâm tôi nghĩ ngay đó là nhờ Hùng già. Thủ trưởng mà có ác ý thì thôi rồi, ít nhất không có lửa sao có khói, vài vạn người cũng dăm bảy ngàn nghi kị. Nhưng gắn việc “phá hoại” cho mấy người trong đó có ông Hùng thì chẳng ai tin. Ông ấy có mười mấy năm công tác tại cơ quan, sống  nhân hậu, chân chất không bao giờ vụ lợi lại con nhà có truyền thống thanh liêm. Tôi sống có 4 năm mà đã được nhiều người tin cậy nữa là. Nhưng sau sự kiện đó mỗi đứa đi mỗi nơi.
Thi thoảng gặp nhau sau thăm hỏi là thấy sự trăn trở của bạn già về việc đi lại (hơn 10 năm ông chuyển một phần lương mình cho cậu xe ôm đưa đón ông hàng ngày). Lúc ấy ông ấy còn sung sức nhưng bạn Trỗi lại gàn: sức khỏe mày như vậy, giao thông, đường xá, luật lệ như vậy ông tự đi xe sao nổi. Nhưng có biết đâu khi đó ông vừa đi làm vừa tìm cách lập hội. Mặc dù có ông chú “ loại to”, bạn bè cũng khá nhưng nhiều năm khát vọng của ông không được thực hiện. Ông cứ hoặc xe ôm hoặc vợ chở chạy chọt sửa nhà, lập hội Người khuyết tật (NKT). Nhiều tổ chức phi chính phủ sẵn sàng giúp NKT nhưng CP chưa sẵn sàng vì phải nhìn trước ngó sau. Xin kinh phí, đầu tư có kèm dòng phục vụ NKT thì dễ duyệt nhưng tiền chảy về NKT thì thật khó, thật từ từ. Việc lập hội cũng vậy thời đó có người nghĩ nhỡ nó bị thương phế binh lợi dụng thi sao.
Nhưng rồi một ngày đẹp trời ông và những người bạn tâm huyết của của ông cũng có giấy phép lập hội NKT. Sức khỏe ông ấy bằng 1 phần 3 mình nhưng ông ấy làm bằng ba người khỏe mạnh. Vừa việc cơ quan, vừa chăm ông già gần trăm tuổi vừa lo cái hội mới ra đời từ địa điểm, kinh phí hoạt động đến con người, bộ máy. Vậy là đùng một cái ông chạy một chiếc xe ba bánh đến với chúng tôi. Vẫn nụ cười đôn hậu nhưng thêm vẻ mãn nguyện: tôi mua xe rồi, tiện lắm. Rồi ông xin thôi làm phó GĐ để tiện hoạt động cho vai chủ tịch hội NKT Hà nội, nhưng sau sự kiện tôi đã nói ở trên họ không chấp nhận. (ảnh Hội NKT HN)
Gần ông Hùng tôi học được ông ấy nhiều điều: yêu thương con người, tận tâm công việc, chân thành trong quan hệ song vẫn bất ngờ khi ông tâm sự: gần NKT mình học được họ nhiều lắm, họ rất khó khăn nhưng nhiều nghị lực, yêu cuộc sống, yêu bạn bè và ông ấy không tiếc sức cho hội của mình dù mấy lần bạn Trỗi chửi mày hãy thương lấy thân mày, yếu lắm lại viêm gan B nặng; nhưng như nước đổ lá khoai ông vẫn lên đường nhiều thứ bảy, chủ nhật đến với những người bạn mới của ông- NKT.
Ơn trời, ông ấy làm cả ba việc đề giỏi: việc cơ quan ổn, đồng nghiệp cơ quan quí trọng (vì cơ quan quí cái tâm cái đức của ông mà Hội NKT cũng nhờ được ít nhiều); chăm cha, ông già ông thọ trên trăm tuổi; Hội NKT từ trứng nước đã thành ”sao” trong các Hội NKT cả nước với đủ các chi hội tại khắp các quận, huyện có cả quan hệ quốc tế...
Rồi ông ấy nghỉ hưu, nghỉ chân chủ tịch Hội vì đã làm 2 khóa, già rồi để anh em trẻ nó làm, nó trưởng thành. Có thời gian hơn ông luôn có mặt những dịp bạn Trỗi gặp mặt. Gặp tại Huế ông cũng vào dù sân bay Huế không có phương tiện phục vụ NKT ông đi lại rất khó, nhưng gặp nhau khuôn mặt ông cười vui rạng rỡ. Những đám hiếu của các bạn bè bao giờ ông cũng đi, khó khăn đưa chân qua chiếc xe ba bánh, hai cái nạng đưa ông chậm rãi tiễn đưa bạn chân thành.
Đùng một cái ông ấy bảo: tôi xuyên Việt đây. Cả bọn trợn mắt: bằng gì? Bằng xe ba bánh. Với ai? Một mình. Nhà mày đồng ý không? Đồng ý. Ông muốn là được, gia đình biết tính ông- ông là người dấn thân và luôn được trời phù hộ. Vài anh bạn thận trọng: tôi đi cùng ông, nhưng ông bảo: xuyên Việt tôi xác định ít nhất 20 ngày vì đến đâu mệt thì nghỉ, sức tôi không đi liên tục được. Bạn bè rụng hết, ông một mình một “ngựa” lên đường. Ông tìm hiểu trên mạng, qua bạn bè để sắp lịch sẽ đi đâu, thăm gì, gặp ai mỗi chốn.
Các bạn cứ hình dung khỏe chân, khỏe tay như mình mà đi xe máy liên tục lại thăm thú...được mấy ngày thì oải. Khởi đầu ông Hùng đi đền Trần rồi chùa Bái Đính, chùa khá cao ông nhờ người cõng vào thăm, vái. Vào quê Bác Hồ nơi hàng triệu người ta, tây thăm viếng ông xúc động nhưng buồn vì một điểm như vậy không có lối đi lại cho NKT.
Ông phi xe qua đèo Hải Vân, ngồi trên đỉnh đèo thư thái hút thuốc đến khách du lịch Tây đi qua cũng phái cúi chào và bấm máy. Một mình nhưng ông thăm đủ “Các cô gái ngã ba Đồng lộc”, Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Thành cổ Quảng Trị ông thắp hương cho các liệt sỹ trong đó có những người bạn của minh. Ông đến nhiều danh lam như Lăng cô, Huế, Đà nẵng, Hội an,Thánh địa Mĩ Sơn, Bình định, Mũi né, Vũng tàu rồi Sài gòn trong vòng tay bè bạn. Nể trọng ông một trong những người bạn ở Đà nẵng đưa xe ông đi duy tu, thay lốp cho cuộc hành trình được an toàn.
Chi tiết thì nhiều và đẹp nhưng có chi tiết bất ngờ khiến những người như tôi day dứt. Khi đến Vũng Tàu ông ghé thăm thày Phạm Hồng Tuyến, giáo viên dạy nhạc của Trường Trỗi, nhạc sỹ đã sáng tác bài Trường ca Nguyễn Văn Trỗi. Ông Hùng trân trọng Người Thày đã để lại dấu ấn quan trọng khiến học sinh trường Trỗi gắn kết với nhau. Trò liệt chân ngồi xe bấm chuông thăm thày mà thày ốm, thày trò tán chuyện qua cửa vì vợ thày vắng nhà chưa về nên không có chìa khóa. Tôi không nghĩ đó là một điểm đến trong lịch trình dài của ông.
Tôi còn ân hận vì khi ông cùng mấy thằng bạn bay vào Côn Đảo- địa ngục trần gian nơi giam giữ nhiều anh hùng, liệt sỹ trong đó không ít phụ huynh bạn hữu của ông. Vì tôi đã đến Côn đảo mấy năm trước, tỏ ra thành thạo tôi bảo các ông nên nghỉ ở khách sạn Công đoàn -  tôi yêu giai cấp mà. Nghỉ được ngày bạn bè tôi bật khỏi Khách sạn đến nghỉ ở ở nhà nghỉ của công an vì không chịu được đời sống cao của giai cấp. Họ đi du lịch bình dân mà quên mất KS Công đoàn còn có tên khác là Resort Condao, thật chết vì tin bạn. (Ảnh: xem thêm bài của anh Tương Lai)
Trong chuyến xuyên Việt của mình, tại mỗi địa phương ông thăm bạn Trỗi, đồng nghiệp và không quên tới thăm các bạn NKT tại các tỉnh thành mà ông có dịp gặp gỡ, làm việc; nơi tiếp nhau thắm đượm tình người. (sơ đồ các chặng đi)
Xuyên Việt của ông thành công, chẳng còn lời ái ngại mà nhiều tuần bạn bè khi nói đến ông đều trầm trồ, thán phục: ôi bác Mai sỹ ( tên lính Trỗi vẫn gọi ông như vậy) tuyệt vời, hội “phượt”  nhà ta xách dép. Nhiều người chờ ký sự xuyên Việt của một NKT với những chia sẻ của ông về tình yêu đất nước, bạn bè. (xem thêm những lời kể của Anh hùng Xuyên Việt)
Bất ngờ cuối ông để lại cho anh em thì buồn, đó là sự ra đi của ông. Có lẽ sức  người có hạn mà những việc chính ông đã hoàn thành. Ông trọn đạo hiếu với người cha trăm tuổi, sửa xong cái nhà khang trang cho vợ con dù nhiều tháng ngày khó khăn, vất vả; cái hội NKT mà ông và bạn hữu tâm huyết dựng xây đã thành thương hiệu, là mái nhà thân yêu cho NKT Hà nội. Trời đưa ông đi. Ông phát bệnh và ra đi rất nhanh. Với các chỉ số bệnh tình, ông không muốn mọi người đến thăm nhìn thấy sự đau yếu của mình, ông lo dặn dò những việc phải làm khi ông đi. Đám tang ông nhiều người rơi nước mắt, không nhiều vòng hoa vì ý nguyện ông là vậy nhưng thấm đẫm tình người. Nhiều người khóc trước sự sẻ chia của những NKT đến với ông chân thành như người ruột thịt. Bài thơ tạm biệt Hội của anh VMH, "hai câu cuối do các cháu ở Hội thêm vào cho đỡ buồn", ảnh do gia đình gửi.
 Tưởng hiểu ông nhưng tôi vẫn bất ngờ khi biết theo ý nguyện của ông, gia đình đã chuyển hơn 200 triệu tiền phúng viếng, 2 chiếc xe ba bánh ông vẫn đi cho Hội NKT Hà nội hy vọng tạo được một quĩ khuyến khích NKT sáng tạo vượt khó, làm giàu.
Tôi nghĩ biết đâu sẽ còn một bất ngờ khác ông đem đến cho bạn bè. Nếu có chắc rằng đó là điều tốt đẹp cho mọi người, cho cuộc sống.

1 nhận xét:

  1. Nghĩ tới anh VMH sao cứ nghĩ ngay tới câu nói của Paven Coocsaghin "Đời người chỉ sống có một lần...".
    Câu này chắc lứa bọn mình ai cũng đã ghi trong Sổ tay văn học khi xưa.
    Đành là mỗi người mỗi số phận nhưng nghị lực, nhân cách, ý chí, tấm lòng như VMH mấy ai có được .
    Nhân 49 ngày anh đi xa, xin gửi tới VMH một nén nhang ấm áp tình bè bạn cùng khóa.

    Trả lờiXóa

huuthanh.ng@gmail.com, binhdannin@gmail.com, xuanvinhbui08@gmail.com, vphuong_h@hotmail.com, ngaugaunguyen@yahoo.com, thanhminhle2002@yahoo.com, ntdan2005@yahoo.com.vn, vutuyen1952@yahoo.com.vn, phongtran.vc5@gmail.com, dungnm20152@gmail.com, pvbenkhtn@gmail.com, pgsts969@gmail.com, thithamvtv2@gmail.com, minhnvhut@gmail.com, vmcthy@yahoo.com, pkchi.ndn@gmail.com, phutho.hoangngocthanh@gmail.com, dshien52@yahoo.com