Thứ Ba, 5 tháng 7, 2016

Ngày này năm ấy - hè năm 1974

Khoá chúng tôi có lẽ là khoá học duy nhất của trường Tổng hợp Hà nội học 4,5 năm. Giai đoạn 1969-1974 có lẽ là giai đoạn chiến tranh ở 2 miền khốc liệt nhất
Chiến tranh leo thang miền Bắc, Hà nội Hải phòng, hầu hết các thành phố, nhựng nơi trọng điểm đếu đã bị ném bom. Trên tuyến đường Trường sơn và chiến trường - cuộc chiến cực kỳ gay cấn.
Rất nhiều thanh niên, thầy và bạn đã để lại giảng đường đằng sau, mặc áo lính, cầm vũ khí ra chiến trường. Những đường 9 Nam lào, thành cổ Quảng trị ... Dù cho cả nước dốc sức, nhưng đã biết bao người con nằm lại, đem tuổi thanh xuân ra đổi lấy cuộc sống cho đất nước...
Chúng tôi, nhưng sinh viên không nhập ngũ vào chiến trường, trong hoàn cảnh đất nước khó khăn, vẫn được cấp 18 đồng học bổng. Bữa ăn dù rất ít thịt, cá, cơm toàn độn mì, bobo, rau úa - nhưng cuộc sống vẫn là bình yên và vẫn đủ sắc mầu...
Chúng tôi bảo vệ luận văn tháng 3 năm 1974, các chuyên đề như chất rắn hay hạt nhân có lẽ đế tài rất cao siêu - tôi không dám so sánh chuyên đề cổ "truyền sóng" của chúng tôi với các chuyên đề mũi nhọn. Đề tài của tôi " khôi phục máy phát sóng thạch anh ", khi nghe anh kỹ sư ở nhà máy M3 giải thích thì tôi hiểu đó chỉ là đề tài cho bọn sinh viên chẳng mấy kiến thức và kinh nghiệm - tôi chẳng nhớ mấy, nhưng nhớ được tính chất của tinh thể thạch anh, và tôi mê từ hồi ấy những thỏi trong suốt, lóng lánh ...
Trình bày luận văn xong, sau khi đệ đơn 3 sẵn sàng lên phòng giáo vụ đưa vào hồ sơ - thì về nhà chờ quyết định.
Không biết các bạn thế nào, còn tôi thì hồ sơ cứ chuyển giao từ trường sang bộ đại học, rồi lại về trường. Loáng thoáng có tin tôi sẽ đi dậy ở Sư phạm Việt bắc, nhưng họ chê thì phải (hic)
Tôi quay lại trường - khoa bảo là không có chỉ tiêu - bởi nhiều lý do, một trong lý do là tôi hơi XANH (:-) )
Tuy không là biên chế của khoa, nhưng kỳ coi thi năm ấy nhà trường huy động bọn thất nghiệp - là bọn chưa nhận công tác -  chúng tôi đi vào miền Trung coi thi. Chẳng nhớ là 3 ngày hay 5 ngày , và  cũng háo hức ra phết
Đi tầu hoả cả đêm, Xuống ga lúc mờ sáng, khoa lý có những ai tôi cũng không nhớ rõ. Nhưng cái sự tò mò của con gái thì không thể bỏ qua những chuyện thóc mách. Mệt mỏi sau đêm ngủ chẳng trọn nhưng vẫn quan sát nơi đến. Nhìn đám người quen lạ, lố nhố , nhìn lờ mờ trên sân ga tôi vẫn nhận ra đôi người
Tôi lại nhớ chuyện một mối tình suốt 4 năm học của hai anh chị học trước tôi một năm, anh bạn trai ở lại trường - do cái duyên cái số chẳng hợp - chia tay và người yêu mới cũng lại là người cùng khoa...

Thành phố Vinh đổ nát vì bom đạn - chưa được xây dựng lại và bọn tôi vai balo, cắm cúi đi về Nghi lộc.
Chưa sáng trên những cánh đồng nứt nẻ vì khô hạn vẫn còn thấp thoáng bóng người nông dân, họ cấy hay làm đất tôi cũng không rõ. Hình như đang thu hoạch lạc. Chắc nông dân tranh thủ làm đêm.cho mát -chứ lúc đó đã ngừng bắn ở miền Bắc rối Mải miét đi, mồ hôi thấm lưng dính balo vào áo,
Mồ hôi bết trán - đôi giọt lăn xuống mội mặn mặn. Chi là đi bộ thôi, và ngày ấy mới độ hai mươi mà đã thấm mệt - thế mới hiểu cái khắc nghiệt của nắng nóng mùa hè miền Trung.
Chị Liễu và tôi được phân công ở cùng nhà - không nhớ gì nhiều nhặn, nhưng vị nước chè xanh và lạc luộc của nhà chủ đãi khi đến tôi nhớ mãi, rất ngon. Cũng là do vừa đói vừa khát, nhưng đọng lại hơn cả là sự vồn vã xởi lởi của nhà chủ.
Trời nắng nóng như chảo rang, đất khô cằn hiếm nước. Việc tắm rửa là xa xỉ. Cơm ăn khi có món canh bầu xanh trong bào sợi để lại vị ngọt ngào đến tận mãi về sau ...
Nhưng khó khăn nhất với tôi, là tiếng nói vùng đó thì nói véo von như chim hót - tôi nghệt mặt ra nghe - may có chị Liễu giúp nên cũng trả lời được theo đúng ngữ cảnh :-)
Vùng đất quê xa xôi đó, chỉ qua một lần chưa có dịp quay lại - nhưng trong ký ức vẫn còn đậm đà vị của nước chè xanh, vị ngọt khoai lang và vị bùì bùi của lạc chiêm mới dỡ luộc...
Coi thi trong khu trường có tường gạch lởm nhởm chỗ lành chỗ vỡ bao quanh. Tôi chỉ là giám thị phụ - cứ nhớ mãi một chuyện được nhờ vả mà tôi đã không thể làm được...

Đến nay đã 42 năm trôi qua rồi - đọng lại trong ký ức đôi chút về năm ấy