Thứ Tư, 16 tháng 6, 2010

Gửi người về xứ Thanh

(Đây là ăn theo đấy, học theo kiểu ca dao chút, nói cho vui)

Hẹn nhau một chuyến về Thanh
Thăm người quen cũ, thăm thành vua Lê
"Ai về nhớ rủ ta về"
Lời theo gió, lời bay đi mất rồi
...
Ai đi Lam kinh,
thăm vùng đất tổ.
Ai về Núi Chuá,
ai đến Phú lâm
...

Trong xanh sông Ngọc uốn vòng ?
Tiên Loan Kiều - bắc qua sông – có còn ?
Chân qua giếng cổ bồn chồn
Đài sen hương ngát, gió vờn lá xanh…

Gửi một lời về xứ Thanh
Hạ này đã lỗi, thôi đành mùa sau !

Thứ Sáu, 11 tháng 6, 2010

Truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sỹ Hoàng Kim Giao

(Về một cử nhân Vật lý ĐHTH Hà Nội)

QĐND - Thứ Sáu, 28/05/2010, 17:15 (GMT+7)
Sáng 28-5, tại Hà Nội, Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự (Bộ Quốc phòng) đã tổ chức trọng thể Lễ truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho liệt sỹ Thiếu uý Hoàng Kim Giao. Dự lễ có cán bộ, chiến sỹ của Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự, đại diện thân nhân gia đình đình liệt sỹ và các cựu chiến binh trước đây đã từng chiến đấu, công tác với liệt sỹ Hoàng Kim Giao.
Thay mặt cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị, Đại tá Phạm Trọng Hiền, Chính ủy Viện Điện tử-Viễn thông (đơn vị của liệt sỹ Hoàng Kim Giao công tác) đã nêu bật những thành tích, chiến công xuất sắc và đức hy sinh quên mình vì đồng đội của liệt sỹ Hoàng Kim Giao trong cuộc đối đầu với các loại bom thế hệ mới của đế quốc Mỹ. Không quản ngại gian khổ, với trách nhiệm của một nhà khoa học, Thiếu úy Hoàng Kim Giao đã trực tiếp phá 32 quả bom nổ chậm, tháo ngòi nổ của 40 quả bom từ trường phục vụ công tác nghiên cứu. Ngoài ra, để giúp quân và dân ta đối phó có hiệu quả với bom đạn “thông minh” của đế quốc Mỹ, anh và các đồng đội còn có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu tháo và thu đầu nổ MK-42 của bom từ trường MK36, lập bảng tính khung dây cung cấp cho các đơn vị, viết tài liệu về bom chống tăng MK20, bom vướng nổ hình cầu, góp phần xứng đáng vào chiến thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Thiếu uý Hoàng Kim Giao đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, đợt I năm 1996 về đóng góp giải pháp khoa học công nghệ vào công trình phá thuỷ lôi từ tính, bom từ trường bảo đảm giao thông giai đoạn 1967-1972 cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.


Ghi chú: Hoàng Kim Giao (sinh 1941) học ĐHTH Hà Nội trước k14 có lẽ tới 10 khoá? Khi quay trở lại trường trong một việc gì đó thì thầy Nguyễn Hữu Chí, khi biết tôi về công tác tại Viện Kỹ thuật Quân sự, có nói về Hoàng Kim Giao như một tấm gương học tập rất tốt ở trường. Khi đó thầy biết HKG đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ, 1968.
Xem thêm Truyền thống trường ĐHTH Hà Nội

Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2010

Nguyễn Hữu Thỏa, "chân dung và sự nghiệp"

Hôm qua chúng tôi làm một chuyến về Lam Sơn. Trước là thăm Nguyễn Hữu Thỏa, sau là thăm di tích lịch sử Lam Kinh. Lam Kinh là kinh thành đất Lam Sơn, cái tên người sau mới đặt ra. Chứ thời của nó được gọi là Tây Kinh để phân biệt với Đông Kinh (Hà Nội nay).
Hữu Thỏa sau khi ra trường về dạy ở Trung cấp Xây dựng, rồi sau về công tác ở nhà máy đường Lam Sơn. Thời đổi mới Hữu Thỏa lần lần chuyển ra ngoài gây dựng sự nghiệp. Bây giờ là đại lý cho Unilever.
Tôi gọi "ông chủ Thỏa" theo kiểu Tầu, đùa cho vui, cũng là mừng cho bạn gây dựng được một sự nghiệp nho nhỏ vươn trên mức thông thường. Chỗ tường vàng dành cho biển hiệu Công ty TNHH Thương mại Thọ Thanh, mang tên hai cậu trai nhà.
Cậu lớn tên Thọ đã vào làm kỹ thuật viên của Nhà máy Đường Lam Sơn, cậu thứ hai đang học Kinh tế Quốc dân tại HN. Chuyến trước Hữu Thỏa ra HN có việc với hãng kết hợp tìm lót ổ cho cậu này. Một đứa "lên rừng" một đứa "ở biển", theo đúng chiến thuật của tổ xưa.
Ăn một bữa với Hữu Thỏa và con trai, chúng tôi chia tay để đi thăm Lam Kinh.
Giờ mới thấy mình hơi thất lễ, ào đến ào đi, nhiều khi không phải với cách bạn bè mấy chục năm gặp lại, thăm nhà,...

Chủ Nhật, 30 tháng 5, 2010

Tháng năm xa


(Tớ thì chẳng có dịp đi chơi cùng bạn cũ K14, thi thoảng viết vài dòng thôi.)
Tháng năm

Nắng chói chang.
Phượng đỏ rực đường,
Ve kêu ra rả.
Tháng năm,
Mưa, mưa rơi tầm tã.
Trời vẫn oi nồng, nóng như nung.

Tháng năm, đến rồi qua
Như bao năm cũ
Vẫn mầu hoa cháy lửa
Vẫn mầu tím bâng khuâng
Cánh bằng lăng mỏng manh - dưới nắng tươi hồng
Người đi xa
Vương vấn...

Chủ Nhật, 23 tháng 5, 2010

Bạn nào?

(bấm chuột vào ảnh để xem ảnh lớn)
Lâu lắm không có dịp gặp bạn, có lẽ dăm bẩy năm rồi.
Hôm nay hẹn với bạn một chuyến thăm nhà vườn. Ngôi nhà nắm trong một cánh rừng thông của lâm trường. Ai không biết sẽ nghĩ chủ nhà này có tên trong danh sách "lâm viên", chức vụ gác rừng?
Nhà có đôi uyên ương vui sống bên hồ hoa súng và cá kiếm vàng
dưới giàn phong lan.
Về vườn là một dịp khoe với bạn
và thư giãn.

Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2010

Bóng đá


Sắp đến Giải bóng đá thế giới 2010, tìm thấy cái hình (2008) này, họ chú thích là " Cú đá vào đầu rất kinh khủng". Nhìn thấy ảnh chụp đẹp, nhưng qủa là thể thao thế này thì chả "plaît" chút nào

Thứ Bảy, 1 tháng 5, 2010

Truyện ngắn : Hồi ức của một binh nhì - Nguyễn Thế Tường

(Nhân kỷ niệm ngày 30 tháng tư )

Hồi ấy, nghĩa là cách đây tròn hai mươi năm, tôi, hai mươi tuổi cùng các "chiến hữu" của tôi đang huấn luyện ở vùng trung du Vĩnh Phú, cách thị xã Vĩnh Yên 7 km về phía núi Tam Đảo.
Chúng tôi thuộc số quân trung đoàn 207 xe tăng thiết giáp. Mới nghe đến đây thôi, hẳn có bạn thắc mắc sao đã gọi là "xe tăng" lại còn "thiết giáp"? Xin thưa đó là hai danh từ khác nhau để gọi hai loại xe khác nhau. Xin cung cấp với các bạn một định nghĩa rút gọn của xe tăng: "Là một loại xe chiến đấu chạy bằng xích có tháp pháo quay tròn 360 độ". Thế nghĩa là nó khác với thiết giáp là có pháo, lại không giống với pháo tự hành là pháo của nó có thể quay 360 độ trên xe.
Câu chuyện của chúng tôi hai mươi năm trước trên vùng đồi trung du Vĩnh Phú có liên quan đến cái "tháp pháo quay tròn 360 độ" ấy. Thế là chúng tôi thuộc trung đoàn 207. Tiểu đoàn và đại đội mấy thì không nhớ nữa. Đơn vị huấn luyện mà lính đến rồi đi không mấy gắn bó - chỉ nhớ rằng tham mưu trưởng trung đoàn là ông Phùng Minh, một đại úy có phong độ rất "hắc xì dầu". Và ngay tại đây, trong mùa hè nóng bỏng năm 1972 khi tiếng nổ của đại pháo ở cổ thành Quảng Trị đang âm âm vọng về réo gọi, thì chúng tôi, trên những ngọn đồi trung du đầy bóng bạch đàn đã làm nên những chuyện tày đình, để lại những kỷ niệm "ác liệt" không kém gì trận mạc.
Chúng tôi đóng quân trong làng, tất nhiên rồi "quân với dân như cá với nước", cá mà rời nước thì có mà ngáp. Nhưng có một điều thuộc về quân lệnh là cấm léng phéng với con gái chủ nhà. Vả lại, chúng tôi học lái suốt ngày, về đến nhà là mệt lử, đêm phải gác xe. Bãi xe lại là xe tăng, tất nhiên không thể để trong làng mà ở trên đồi. Đơn vị tôi chọn được một địa điểm rất hay. Số là, quả đồi bạch đàn ấy trước đó đã có một hàng rào kẽm gai. Hôm tìm địa điểm, ông đại đội phó bảo thằng Bá Hùng đi trinh sát. Trở về, hắn thì thầm với bọn tôi rằng bên kia hàng rào có rất nhiều "ami xinh tươi" mặc quân phục. "Mẹ kiếp! đóng bãi xe ở đấy thôi chớ đi đâu nữa". Sau đó, chúng tôi làm mặt lạnh kéo tới gặp đại đội phó, giơ tay chào theo kiểu quân sự và báo cáo rằng, đây là một địa điểm đóng quân mang tính chất chiến lược, chiến thuật, rằng có thể tiến công phòng thủ đều tiện lợi v.v... và v.v... Khi đại đội phó hỏi: Bên kia hàng rào là đơn vị nào thì thằng Hùng báo cáo mập mờ rằng: đó là đơn vị chiến thuật, kỷ luật nghiêm, có thể là hậu phương vững chắc cho đơn vị ta. Chao ôi! Chúng tôi đâu có biết rằng bên hàng rào kẽm gai kia là cả một thế giới riêng, một đơn vị cơ yếu đặc nhiệm của Bộ Quốc phòng có vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến tranh của cả nước và những bóng "ami mặc quân phục" kia chính là những chiến sĩ báo vụ cơ yếu được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt.Có lẽ đây là một trong ít lần ông đại đội phó được cái đám "giặc đầu bò" là chúng tôi đối xử nghiêm túc và kính cẩn, nên ông có phần cảm động mà chấp nhận đóng bãi xe ngay trên nửa quả đồi tai ương ấy. Và với quyết định đó, ban chỉ huy đại đội bắt đầu phải chịu đựng và trả giá cho những trò ba trợ của tụi tôi. Có lẽ cái lam sơn chướng khí của đất tổ Hùng Vương được tích lũy từ thời khai thiên lập địa đến năm 1972 đã xì hơi nhập vào chúng tôi mà sinh ra các chuyện nghịch ngợm ấy chăng....

Đọc tiếp

Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

Ảnh họp lớp cách đây 3 năm

Có vài bức hình chụp họp lớp ở bánh Tôm hồ Tây cách đây vài năm (vào Tết đầu năm 2007)



Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2010

Năm thứ 2 -1970-1971: Phòng nữ ở ký túc xá Thượng đình

Hết năm thứ nhất, cả k14 chuyển về Hà nội, ở Thượng đình
Nhà ở trong khu ký túc, các phòng khá giống nhau cửa sổ nhìn xuống khoảng đất trống giữa hai nhà ở của sinh viên, giường sắt hai tầng, và chỉ có thế.


Bọn nữ K14 được bốn phòng ở tầng hai - lớp B có hai phòng - một ở đầu nhà và một ở phía rẽ bên kia cầu thang gần cái nhà tắm bỏ trống (vì nước không lên nổi ).
Phòng đầu nhà, (tớ kể về phòng này - vì thời gian đó tớ sống ở đấy) có bốn cái giường tầng, kê sát hai bên tường - cửa sổ nhìn sang bên hành lang khoa Địa (hình như cũng có nhiều chuyện hay hay giữa những cái hành lang thì phải, nhưng để dành lúc khác).
Bốn giường dành cho tám người, nhưng thực ra chỉ có sáu - từ cửa vào lần lượt là Chiến - Thuỷ, chị Muà - tớ, phía bên kia là Minh - Hồng. Góc đối diện với cửa vào lỉnh kỉnh bát đũa, dụng cụ lấy cơm là cái chậu men mầu hơi nâu, cái âu hoa để đựng canh, rồi ít nhất là chục cái chậu - để tắm giặt, đựng xà phòng, ngâm quần áo ...Hừm , gìờ nghĩ mãi, không biết cái dây phơi quần áo chăng theo chiều nào ...
Nói túm lại, là khá gọn và sạch, nên cái phòng chưa đầy 24 mét vuông vẫn còn khoảng trống ở giữa khá rộng rãi.


Ngày hai buổi đi học trên lớp, cơm hai bữa theo hiệu kẻng xuống lấy ở nhà ăn. Mà chẳng cần nghe kẻng, vì cứ đến gần giờ ăn, cái đồng hồ bụng của bọn con trai nó réo, chúng khua bát đũa roeng roeng ngoài hành lang rồi. Cơm ăn gần như không đổi bữa – nhưng dù thế thì vẫn thấy ngon miệng và đời vẫn tươi. Những hôm không có giờ, mấy đứa con gái góp tiền đi ra chơ Xanh ( gọi là chợ Xanh vì nó có cái nhà sơn xanh) – hay Ngã tư khổ để mua bánh sừng bò, bánh mì - thế đã là sang rồi, sinh viên nghèo mà. Rồi ngồi tán gẫu, đọc truyện hay ngủ, ai chăm thì cứ tự nhiên học.

Những lúc ôn thi, cả phòng gần như im ắng - gần như thôi, bởi thi thoảng ai đó lại thở dài đánh sượt một cái vì đủ thứ lý do, ca thán chung chung (chung chung thôi, vì còn gái hay giữ ý và kín đáo) về điều gì đó không hài lòng hay chị Muà lại ngâm vài câu thơ tuỳ theo tâm trạng. Thôi thì từ thơ cách mạng

" Gần nhau đây mà xa biết bao nhiêu
Giữa hai đứa mênh mông là biển rộng ..."- ngụ ý trách ai đó,
rồi
"Tóc em như suối chảy ngang lưng
Suối chảy quanh co suối ngập ngừng..." - chắc đang mơ mộng,
và cả câu này nữa
"Mực Cửu long xuôi dòng chảy xiết
Bút Trường sơn anh viết cho em " (hôm nhận được phong thư ai đó viết trên phong bì )
..v..v..
(Hehe - không hiểu lúc ý lớn hay nhóc nhỉ, mà hoạt hoạt là ?)

Nói thế thôi, nhưng nói chung là học, đọc cái gì đó hay ngồi im "tư duy "- ngắm .... Im lặng đến mức nghe rõ cả tiếng đi lại ngoài cửa (Chẳng hiểu là do tập trung hay do đầu óc để bên ngoài?).

Tớ còn nhớ, Thuỷ (lúc trêu nhau còn gọi là Thuỷ Sơn) ngườì Thái bình chăm học lắm. Hắn có mái tóc đẹp, người bé nhỏ, nhưng tóc đen và dài rất mượt. Chúng tớ ở tầng trên. Bàn học - hoặc bằng cái hòm bằng gỗ hoặc valise cá nhân kê ở đầu giường. Cùng tầng nên mỗi lần tớ xoay người lại là đối diện – cách nhau chiều dài cái giường - với Thuỷ. Có hôm, ngổi học một lúc vừa chán vừa mỏi, tớ quay lại thấy tay Thuỷ vẫn đưa bút đều đều, và cái đầu thì gật gù, hỏi « Thuỷ , "tư duy" đấy à ? » - một lần, hai lần, ba lần - Hắn choàng dậy, cười và bảo « Ừ, tao đang mơ mơ rồi, mày ạ »...

Hìhì - chẳng hiểu hắn còn nhớ không ?

Thứ Năm, 15 tháng 4, 2010

Quan họ k14 - những ai nhỉ ?

Hôm họp lớp vừa rồi, ai nói nhỉ, rằng « khoá mình có ba cô gái quan họ ». Tớ chỉ nhớ mỗi chị Muà, còn hai bạn nữa, ai làm ơn nhắc cho tớ với.
Tớ có tấm hình chụp liền chị quan họ Bắc ninh - chị Mùa với một "liền" anh Nam định (*), tớ gửi lên nhé



Tớ vốn mê dân ca, nên khi nghe nhắc đến các bạn quê vùng quan họ, thì ước ngay là « giá một lần nào đó được nghe những người bạn gái vùng Nội duệ cầu Lim ấy hát một trong những làn điệu quan họ thắm thiết...nhỉ ? ».
Từ bé đến giờ tớ đã đi hôi Lim nhiều lần, nhưng có mỗi một lần cách đây gần 30 chục năm là vào đến trong hội, còn những năm gần đây, cũng đến hẹn, rục rịch, đi, nhưng không lên đến hôi. Lần nào cũng thế, lúc về đến nhà, lại tự nhủ « năm sau đến hẹn lại lên », nhưng chẳng biết là bao giờ mới lên đến nơi .
Cái sự lỡ chừng hội mấy lần chẳng qua là cứ loanh quanh từ Từ sơn vào Phù chẩn - làng chị Mùa, thăm anh chị ấy. Đi lạc, lần nào cũng nhầm đường, vòng đi quàng lại, đường mới đường cũ loạn xạ, rồi từ nhà ra đến bếp là hết cả chiều...
Năm trước nữa lên thăm anh chồng chị ấy ốm, ốm thập tử nhất sinh, nhưng ơn Trời - cũng qua khỏi. Còn năm rồi, tớ không đi được, chẳng hiểu hai ông bà ra sao, chắc lên chức «hầu tước» (mượn bản quyền của Bình Dân nhé – hìhì) rồi, cả Hầu ngoại lẫn Hầu nội, nên bận rộn chẳng nhớ gì đến bạn bè cũ nữa cả.
Tớ thì đành chờ « Đến hẹn lại lên » vậy


(*) - thêm cái chú thích rằng thì là mà "liền" anh Nam định không phải liền anh Quan họ nhà chị Mùa

Thứ Hai, 12 tháng 4, 2010

Tự nấu ăn

Năm thứ nhất ở Dục tú, lớp tôi có bếp nấu ăn tập thể - gọi thế vì đó chỉ là nơi ở của cấp dưỡng và thủ kho, công với cái lán bếp bên dưới có cái bệ xây, khoét hai cái lò than đặt hai cái chảo gang to.
Một chảo là để nấu cơm, còn chảo kia, dùng để nấu canh là chủ yếu. Rau lấy trên khoa, ở Đình tràng - chổ ông Thuộc
Rau muống, rau cải, bó to tướng , cột bằng rơm, khi về đến bếp sinh viên thường đã bị dập và úa vàng. Mùa đông có su hào – hết su hào tươi, đến su hào muối. Mà su hào tươi cũng chẳng mấy khi thấy cái lá xanh nữa.
Bữa ăn thường có hai món ăn, canh và một món ăn mặn - đôi khi là đậu phụ kho với vài miếng thịt mỏng tang, gió thổi bay, trắng nhợt thêm chút lá hành .
Tôi nhớ ngày đó, canh rau nấu với ít bột nấu ( nghe đồn là của Balan( ?) viện trợ ), thêm một chút thức ăn mặn, với cơm độn mì nâu nâu – ăn ngon ra phết..
Trong tuần thì bác Tủ, bác cấp dưỡng nấu ăn, còn chủ nhật thì các tổ sinh viên thay nhau xuống nắm than và tự nấu ăn lấy.

Xuống bếp,
Cái khoản nắm than , bẩn chút nhưng dễ.
Sợ nhất là hôm nào lò tắt, phải nhóm cho cái lò cháy đượm lại, Đầu tiên là chẻ củi, gầy các thanh củi xuống đáy lò. Đông tác này cần sự khéo léo vô cùng, vì nếu sơ ý, các thanh củi sụp thì lại lọ mọ xếp lại .. , đặt các viên than quả cam quả hồng lên ( lẽ ra là than quả bàng, nhưng do tay người nắm to nhỏ khác nhau), rồi nổi lửa . Khói um , khói mù mịt, mắt cay xè – may là có cái quạt của Bờm - nên ra sức mà quạt, cho đến khi than đỏ .. Ui Zời ơi, giờ nhớ lại vẫn còn thấy toát mồ hôi, tóc thì bết xuống trán, tay áo vặn soắn , quần vo ống thấp ống cao ...những hôm nắng ráo còn đỡ, chứ mưa thì đúng là nhớp nháp đến khổ.

Trong lúc đó thì một nhóm nhặt rau. A không phải nhặt mà là chuẩn bị rau và gạo.
Rau - (trừ su hào) dùng dao cắt chỗ cuống gần dây rơm buộc rồi xổ cả mớ ra, giũ một phát cho lá vàng rơi xuống, sau đó tung vào rổ, nhặt lại coi có cỏ hay lá lẫn vào ...Su hào thì đơn giản hơn, gọt vỏ, sau đó cắt vát, dầy mỏng tuỳ tay, tuỳ hứng, đừng có cắt đôi , ba là được
Còn vo gạo thế nào nhỉ ? Quên mất rồi ( Ai nhớ không ?)
Hai cái chảo to đùng, lúc khuấy rau, đảo cơm phải dùng cái xẻng cán dài gần mét, và đứng lên cái bậc...
Cả bọn túm tụm, lau nhau ...
Thế mà sau vài tiếng, cũng có được cái chảo cơm chín nồng nồng mùi mì với chảo canh rau đỏ quạch sôi lăn tăn .


Hehe, giờ nghĩ lại, tự khen « giỏi », đúng là « không có việc gì khó » thật
!

Thứ Bảy, 10 tháng 4, 2010

Những người bạn - còn, mất...

Việt Thắng đưa tôi mấy tấm ảnh chụp khi đến thăm các bạn đi bộ đội năm 1972. Những tấm ảnh thật quý. Có những bạn đã hi sinh.
Ai có thể kể hết tên các bạn này? Và nói về họ?








Anh Trọng Dân "điểm danh": (phải sang)
Hàng ngồi: Nguyễn Tiến Thuần, Nguyễn Minh Cương, Chí Dũng, Đinh Quang Việt, Nguyễn Trọng Dân, Doãn Thế Sận, Nghiêm Viết Nhã
Hàng đứng: Lâm, Bá Hùng, Thẩm Mạnh Tiến, Hà Minh, Nguyễn Văn Thống, Lê Minh Thái.




Còn đây là các bạn chụp chung với các bạn còn ở lại học.

Có ai quen ai không ?

Tớ tìm được một chiếc ảnh chụp một nhóm nữ cùng phòng tầng hai ở Thượợng đình. Tớ đưa lên.
Có ai quen ai không ?


Thứ Tư, 7 tháng 4, 2010

Nguyễn Hữu Thỏa, Thanh Hóa

Mạnh Dũng vừa gọi điện, nói là đang ngồi với anh Thỏa (Thanh Hóa) là bạn học ĐHTH. Tôi nhớ là Nguyễn Hữu Thỏa, mắt hơi... bé (không mở to, nhấp nháy). M.Dũng định rủ tôi trưa nay ngồi ăn ở đâu đó với a. Thỏa. Nếu không bận vụ khác tôi sẽ tham gia.
Trong danh sách k14 ĐHTH chưa có a. Thỏa. Tôi đưa điện thoại của a. Thỏa lên để anh em biết mà liên hệ: 037-360-5146 (Hàng GPhone xách theo người).

Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2010

Có ai còn nhớ không ?

Năm 1969 - 1970,

Năm thứ nhất, ngồi học trong cái gọi là giảng đường lợp bằng lá, vách trát bằng bùn rơm, mà chỉ trát có một nửa độ cao. Cho đến giờ tớ mới có thời gian ngẫm nghĩ – sao lại trát một nửa vách, chứ ngày đó chẳng nghĩ gì, cứ vào là ngồi - ngồi trên cái băng giảng đường đại học – bàn là các tấm xẻ ra từ thân cây xà cừ thì phải, rộng chừng 30 cm, đặt trên hai cái cột cao chừng 90 cm trên nền đất - đôi khi chung chiêng. Và ghế là một nữa cây phi lao xẻ ra theo chiều dọc, bào sơ qua, cũng gắn trên hai cái chân là hai cái cọc thấp hơn, rất là dã chiến. Mà có sao đâu, miễn là ngồi được, nghe được thầy giảng và ghi ghi chép chép vào cuốn vở giấy đen sạn – đen và sạn đến mức khi viết ngòi bút cào vào nghe sàn sạt ...
Cái giảng đường đã được các anh chị khoá trên dựng từ trước và chúng tôi sung sướng tiếp quản nó - sửa sang, quét dọn chút bên trong, tươm tất gọi là để mưa không đến đầu, và nắng cũng không đến đầu (Nói rứa bởi chưng khi nắng, mưa tạt ngang thì hắt vào cả mặt và cả cuốn vở trước mặt).
Khi nắng ráo thì còn đỡ, đường vào lớp toàn đường đất khô, nhưng lúc trời mưa thì đúng là «lên bờ xuống ruộng» - mà ruộng đây là ruộng thật, bờ thật – vì cái giảng đường nằm ngoài rìa làng, trên một khoảng đất trồng khoai lang mà xã cho trường mượn. ( cũng chính vì gần ruộng, nên có vụ, các bác con trai trêu một cụ bà nông dân bị cụ ý hát về " phó tiến sĩ ..." gì gì đó rất dân gian, khá bài bản ...)
Cực nhất là khi vừa mưa vừa rét. Gió rét luà thẳng vào lớp, trời mùa đông đầy mây, mưa lây rây suốt ngày – sau 5 tiết sáng với cái dạ dầy lép kẹp, bụng sôi lục bục, nhìn nhau , mặt mũi bọn con trai xám ngoét, con gái còn đỡ ( là do trời cho cái tuổi đó má cứ hây hây hồng thôi ). Trời rét lắm, mà nhiều tên con trai vẫn chỉ phong phanh có hai chiếc áo mỏng ...
Có một hôm vào mùa đông, trong lớp tự dưng thấy có mùi khói cay cay ...

Giờ nhớ lại, tớ vẫn còn thấy sống mũi cay cay...

Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2010

Một số đồng hương Thanh hoá + Lâm + Dân +Phong + Ánh


Tớ thử đưa ảnh một số bạn mà tớ chụp được hôm họp mặt bánh tôm hồ Tây mới rồi (03/2010)
Tớ nhìn thấy Thành với Việt Thắng bên blog K4 - hehe - các bác vi vu ghê nhỉ ?
Mà sao chẳng thấy có cụ nào k14 mình vào cả, blog chi mà vắng như chùa bà Đanh thế ni?

Thứ Bảy, 13 tháng 3, 2010

Danh sách k14 Khoa Vật lý ĐHTH HN

Danh sách k14 Khoa Vật lý ĐHTH HN được đăng tại đây. Mời mọi người đóng góp thêm vào.
Bấm vào đường dẫn, bấm vào "chỉnh sửa trang này". Sau khi chỉnh sửa xong thì bấm vào /Tệp/Lưu và đóng.

Gặp lại giữa mùa Đông

(Tặng các bạn - khoa Vật lý)
Bao năm rồi, ta gặp lại nhau
Tóc ngả mầu tro, nếp nhăn mờ vầng trán
Nét mặt mầu da, sương gió in năm tháng
Chỉ nụ cười, ánh mắt vẫn như xưa.

Mặt nước hồ Tây, nhạt nhoà trong mưa
Gió buốt lạnh « ... Ờ, mùa đông năm ấy,
Hút gió giữa cánh đồng,
giảng đường trống, rét làm sao rét vậy.
Co ro ngồi bên nhau, muốn xích lại gần hơn.
Bàn tay run, ghi bài trên trang vở sạn đen
Bụng đói sôi, mong sao giờ chóng hết ... »
« Lâu lắm rồi, sao tất cả vẫn còn rõ nét
Đã rất xa... mà như mới đâu đây... »
Như vẫn thấy má ai hồng,
mái tóc dài tha thướt mầu mây
Cứ thoảng gần, thoảng xa cho lòng người bối rối
Ánh mắt cười,
lấp lánh ánh sao trời
đêm hành quân xuyên rừng xa ngái
Lúm đồng tiền rơi, xoáy nước suối muà thu ...

Tuổi mười tám bao hy vọng, ước mơ
Bao người ngã xuống trên chiến trường đạn bom khi ấy ...
Người ở lại giữa dòng đời xô đẩy
Vẫn dành trọn sắc hoa đỏ cho nhau...

Chủ Nhật, 7 tháng 3, 2010

k14 Đại học Tổng hợp HN gặp mặt hàng năm

Hôm nay k14 Đại học Tổng hợp HN gặp mặt hàng năm. Việc lập ra một trang tin để trao đổi với nhau đã được nêu và nhất trí cứ mở ra. Hi vọng mọi người tham gia trên tinh thần kết nối bạn cũ, duy trì tình thân để sống vui vẻ hơn.

Các bạn học k14 có địa chỉ thư điện tử, nếu muốn, đều được mời làm người viết bài cho trang tin này (dung lượng kỹ thuật tối đa 100 người). Khi nhận được thư mời trên thư điện tử, các bạn chỉ cần chấp thuận, làm theo hướng dẫn để trở thành người viết bài. Người viết bài có danh khoản (blogger account) có quyền sửa, xóa bài viết và lời góp của mình. Những người không có danh khoản chỉ có thể xem và góp lời nhưng không sửa, xóa được lời góp của mình.