Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

Chuyến du lịch Ninh Bình tháng 10/2016

Chuyến du lịch Hà Giang của bạn K14 rất thành công, tình thân ái bạn đồng học được tăng thêm, ai cũng vui mừng vì thời gian qua nhưng bạn bè vẫn thân tình như xưa.
Đó là lý do các bạn trong Ban LL (Trọng Dân và Thanh Liên) tích cực tổ chức chuyến Ninh Bình như thông báo dưới đây của Trọng Dân. Được biết chuyến này có hai bạn định cư ở nước ngoài tham gia là BX.Vinh và LT.Liên B.

Thông báo số 3 về chuyến đi Ninh bình của K14:
- Như thông báo đầu tiên đã gửi cho các bạn, Ban LL dự định tổ chức đi chơi NB theo hình thức tự tổ chức từ A đến Z.Và chi phí dự tính sẽ là 1,2 triệu / nguòi (sẽ tạm thu trước 1,0 triệu/ nguòi).
- Nhưng sau khi tìm hiểu kỹ và để chuyến đi du lịch được thành công - BLL đã quyết định sẽ hợp đồng trọn gói với một công ty du lịch, tổng kinh phí là 1,5tr/1nguời.
Chúng tôi xin Thông báo lại với toàn thể các bạn về chương trình có sự thay đổi như vậy.Rất mong các bạn Thông cảm và đăng ký laij cho Ban LL.
Thời hạn đăng ký cuối cùng là 7.00 giờ sáng ngày 21/10/2016.
Rất mong các bạn hồi âm để chốt danh sách vói Cty DL.
Xin cám ơn!

Thứ Ba, 5 tháng 7, 2016

Ngày này năm ấy - hè năm 1974

Khoá chúng tôi có lẽ là khoá học duy nhất của trường Tổng hợp Hà nội học 4,5 năm. Giai đoạn 1969-1974 có lẽ là giai đoạn chiến tranh ở 2 miền khốc liệt nhất
Chiến tranh leo thang miền Bắc, Hà nội Hải phòng, hầu hết các thành phố, nhựng nơi trọng điểm đếu đã bị ném bom. Trên tuyến đường Trường sơn và chiến trường - cuộc chiến cực kỳ gay cấn.
Rất nhiều thanh niên, thầy và bạn đã để lại giảng đường đằng sau, mặc áo lính, cầm vũ khí ra chiến trường. Những đường 9 Nam lào, thành cổ Quảng trị ... Dù cho cả nước dốc sức, nhưng đã biết bao người con nằm lại, đem tuổi thanh xuân ra đổi lấy cuộc sống cho đất nước...
Chúng tôi, nhưng sinh viên không nhập ngũ vào chiến trường, trong hoàn cảnh đất nước khó khăn, vẫn được cấp 18 đồng học bổng. Bữa ăn dù rất ít thịt, cá, cơm toàn độn mì, bobo, rau úa - nhưng cuộc sống vẫn là bình yên và vẫn đủ sắc mầu...
Chúng tôi bảo vệ luận văn tháng 3 năm 1974, các chuyên đề như chất rắn hay hạt nhân có lẽ đế tài rất cao siêu - tôi không dám so sánh chuyên đề cổ "truyền sóng" của chúng tôi với các chuyên đề mũi nhọn. Đề tài của tôi " khôi phục máy phát sóng thạch anh ", khi nghe anh kỹ sư ở nhà máy M3 giải thích thì tôi hiểu đó chỉ là đề tài cho bọn sinh viên chẳng mấy kiến thức và kinh nghiệm - tôi chẳng nhớ mấy, nhưng nhớ được tính chất của tinh thể thạch anh, và tôi mê từ hồi ấy những thỏi trong suốt, lóng lánh ...
Trình bày luận văn xong, sau khi đệ đơn 3 sẵn sàng lên phòng giáo vụ đưa vào hồ sơ - thì về nhà chờ quyết định.
Không biết các bạn thế nào, còn tôi thì hồ sơ cứ chuyển giao từ trường sang bộ đại học, rồi lại về trường. Loáng thoáng có tin tôi sẽ đi dậy ở Sư phạm Việt bắc, nhưng họ chê thì phải (hic)
Tôi quay lại trường - khoa bảo là không có chỉ tiêu - bởi nhiều lý do, một trong lý do là tôi hơi XANH (:-) )
Tuy không là biên chế của khoa, nhưng kỳ coi thi năm ấy nhà trường huy động bọn thất nghiệp - là bọn chưa nhận công tác -  chúng tôi đi vào miền Trung coi thi. Chẳng nhớ là 3 ngày hay 5 ngày , và  cũng háo hức ra phết
Đi tầu hoả cả đêm, Xuống ga lúc mờ sáng, khoa lý có những ai tôi cũng không nhớ rõ. Nhưng cái sự tò mò của con gái thì không thể bỏ qua những chuyện thóc mách. Mệt mỏi sau đêm ngủ chẳng trọn nhưng vẫn quan sát nơi đến. Nhìn đám người quen lạ, lố nhố , nhìn lờ mờ trên sân ga tôi vẫn nhận ra đôi người
Tôi lại nhớ chuyện một mối tình suốt 4 năm học của hai anh chị học trước tôi một năm, anh bạn trai ở lại trường - do cái duyên cái số chẳng hợp - chia tay và người yêu mới cũng lại là người cùng khoa...

Thành phố Vinh đổ nát vì bom đạn - chưa được xây dựng lại và bọn tôi vai balo, cắm cúi đi về Nghi lộc.
Chưa sáng trên những cánh đồng nứt nẻ vì khô hạn vẫn còn thấp thoáng bóng người nông dân, họ cấy hay làm đất tôi cũng không rõ. Hình như đang thu hoạch lạc. Chắc nông dân tranh thủ làm đêm.cho mát -chứ lúc đó đã ngừng bắn ở miền Bắc rối Mải miét đi, mồ hôi thấm lưng dính balo vào áo,
Mồ hôi bết trán - đôi giọt lăn xuống mội mặn mặn. Chi là đi bộ thôi, và ngày ấy mới độ hai mươi mà đã thấm mệt - thế mới hiểu cái khắc nghiệt của nắng nóng mùa hè miền Trung.
Chị Liễu và tôi được phân công ở cùng nhà - không nhớ gì nhiều nhặn, nhưng vị nước chè xanh và lạc luộc của nhà chủ đãi khi đến tôi nhớ mãi, rất ngon. Cũng là do vừa đói vừa khát, nhưng đọng lại hơn cả là sự vồn vã xởi lởi của nhà chủ.
Trời nắng nóng như chảo rang, đất khô cằn hiếm nước. Việc tắm rửa là xa xỉ. Cơm ăn khi có món canh bầu xanh trong bào sợi để lại vị ngọt ngào đến tận mãi về sau ...
Nhưng khó khăn nhất với tôi, là tiếng nói vùng đó thì nói véo von như chim hót - tôi nghệt mặt ra nghe - may có chị Liễu giúp nên cũng trả lời được theo đúng ngữ cảnh :-)
Vùng đất quê xa xôi đó, chỉ qua một lần chưa có dịp quay lại - nhưng trong ký ức vẫn còn đậm đà vị của nước chè xanh, vị ngọt khoai lang và vị bùì bùi của lạc chiêm mới dỡ luộc...
Coi thi trong khu trường có tường gạch lởm nhởm chỗ lành chỗ vỡ bao quanh. Tôi chỉ là giám thị phụ - cứ nhớ mãi một chuyện được nhờ vả mà tôi đã không thể làm được...

Đến nay đã 42 năm trôi qua rồi - đọng lại trong ký ức đôi chút về năm ấy

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

Gặp mặt nhân ngày thống nhất đất nước 30/4

Anh Vũ Thế Phiệt đề xuất nhân kỷ niệm ngày thống nhất 30/4, các bạn k14 ta nên có buổi gặp mặt; và Anh xung phong làm nhà tổ chức.
Anh Vũ Thế Phiệt có lời mời các bạn đến thăm Trường Đào Tạo Dịch Vụ Miền Bắc mới bắt đầu hoạt động.
Trưởng Ban LL, anh Dân Trong, đã thống nhất sẽ tổ chức từ 10 giờ ngày Chủ Nhật 24/4/2016, tại Trường ĐTDVMB 373 đường Lạc Long Quân, Cầu Giấy, HN.
Cũng là một dịp các bạn gặp gỡ hàn huyên đồng thời thăm cơ sở, "thẩm định dịch vụ nhà hàng" của Trường mà anh Vũ Thế Phiệt tham gia thành lập và rất mong được giới thiệu.

Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2016

Gặp mặt Xuân 2016

Như anh Trọng Dân, trưởng ban LL k14 nói, cuộc gặp này đông nhất từ trước tới nay(?), tôi ước chừng hơn 50 người tất cả; mà tính bạn học thì chắc cũng gần 50. Đếm người trong ảnh là ra thôi, trừ những người hoặc là khuất sau lá tre, hoặc vì lý do nào mà không kịp đứng vào khuôn hình (chuột vào hình để xem ảnh lớn).

Các bạn gái cũng tranh thủ chụp trước với nhau, thêm ông chủ nhà, a. Hòa, và "lãnh đạo".

Chuyến đi này định thời gian theo "lệ" mới là gặp mặt lớp hàng năm vào "Chủ Nhật đầu tiên của tháng 2 Âm Lịch", một sự lựa chọn hi vọng là dễ dàng hơn cho các cụ bạn luôn bận rộn với cháu chắt và dịp Tết luôn bị lôi kéo vào các cuộc hẹn hò cấp 1, cấp 2, cấp 3, đại học, khu tập thể, cơ quan đơn vị cũ,...
Địa điểm là "ngôi nhà chung khí công tâm linh" gần hồ Côn Sơn, một nơi mà người ta cho là "vượng khí" (năng lượng cao). Tại đây anh Hòa giới thiệu ngắn về "ngôi nhà" tâm huyết của mình với sự đóng góp của những người có hoặc vô danh.

Một số bạn thử hiệu năng "vật khí" là những cây hóa thạch mà anh Hòa dùng chữa bệnh cho mọi người.

Có nhiều người quan tâm tới những chuyện anh Hòa giới thiệu, nhưng mà thời gian không nhiều để tiếp tục, 3 giờ chiều rời "ngôi nhà" với lời anh Hòa mời các bạn ai có dịp đi ngang thì ghé vào chơi, các bạn nào cần chữa trị theo cách "năng lượng" xin mời liên hệ.
Với tôi, trong cuộc gặp này có những anh mà bây giờ mới... biết, do là lớp A B đã không cùng mà tổ bộ môn cũng không cùng nốt. Nhưng mà cũng có những anh/chị mình quên thật, dù là cùng lớp B, chỉ có thể nói là cái... duyên nó thế :-) Mọi người phóng to ảnh ra mà xem, hẳn cũng sẽ thấy... quên như tôi.

Thứ Hai, 7 tháng 3, 2016


                                                          Vui một tí nhân ngày 8/3
                                                 Thân gửi các bạn nữ K14 ĐHTHHN

 Hôm rồi tớ vớ được cuốn tạp chí “Quý Ông” ở hiệu làm tóc, chợt thấy hình một cháu gái xinh xinh, body hấp dẫn, cháu có cái tên là lạ :  Mi Lan – sinh năm 1990. Nói rõ vậy vì lại kèm theo “tít” bài viết : Cười với Mi Lan. Đọc kỹ hơn tẹo nữa lại thêm tò mò với nội dung bài viết, xin được copy 100% để các mẹ nhà ta xem quan điểm của cháu nó nhé :

Một trong những mẩu chuyện cười Mi lan thường kể có tên Định nghĩa về chồng :
          Một nhà nữ triết học thông thái khẳng định : Chồng là một dạng vật chất, nó không bao giờ bị mất đi, chỉ chuyển từ người này sang người khác.
          Nhà nữ vật lí học thì nói theo cách khác : Chồng chịu ảnh hưởng rất lớn của lực vạn vật hấp dẫn, khi xa thì hút,  khi gần thì đẩy.
          Cô nhân viên y tế thì lại có cảnh báo mang đậm tính nghề nghiệp : Chồng là loại vi khuẩn hay lờn thuốc, rất khó trị.
          Cô nhân viên ngân hàng thì than vãn trong não nề : Chồng là chuyên gia vay nóng, nhưng khả năng chi trả thì hỡi ôi, không bao giờ có.
          Chị nông dân thì thú nhận rất thật thà : Chồng là lúa giống, nếu ta không tranh thủ sạ hết ở ruộng mình, không khéo có nguy cơ bị chị hàng xóm mượn giống.

Vậy là bọn nữ lớp mình (Nhà nữ vật lí học mà) cũng là đối tượng được  kéo vào rồi. Chẳng biết các mẹ nghĩ sao chứ tớ, ngần này tuổi đầu với gần 40 năm sống với “bố cháu” mà chẳng dám  ví von gì. Thi thoảng có chuyện chi “bất đồng quan điểm” thì cũng …chiến tranh lạnh tí tẹo rồi… xuống thang cho …lành. Vậy mà cháu mình…liều.
Cơ mà tớ cũng phải xin lỗi các bạn nam trong lớp trước nhé, nếu có vui “chân” ghé vào blog thì cũng thứ lỗi cho tớ. Hôm nào đọc vu vơ ở đâu đó có lời hay ý đẹp viết về các bạn tớ nhất định sẽ post lên cho hòa.
Nhân ngày 8/3 chúc tất cả các bạn nữ trong lớp (tất nhiên có cả tớ) luôn khỏe mạnh, vui vẻ, tươi trẻ, hạnh phúc.




Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2016

                   Tết với mình, mình với Tết.

“Tết” chẳng biết có từ bao giờ, chắc chắn phải có trước khi mình ra đời  rất rất lâu, nhưng mình vẫn cứ muốn mạn phép  coi Tết là bạn, một người bạn vong niên, vô tư, hồn nhiên nhưng cực kì tốt bụng. Cứ 12 mùa trăng qua đi thì Tết lại về mặc thế giới có vô vàn biến động, mặc  thời tiết luôn đỏng đảnh như cô gái 18 và mặc cho bạn đã sẵn sàng tiếp đón Tết hay không . Mỗi lần Tết về lại làm mình nhớ lại biết bao kí ức, từ nồi bánh chưng của Bà Nội thời mình còn thơ bé, từ nồi măng (mỗi năm chỉ nấu một lần) của mẹ, từ hộp mứt nhẹ tênh thời bao cấp, từ tràng pháo ròn rã đêm 30 …, có  năm có chuyên không vui, chỉ muốn không có Tết, vậy  mà bạn vẫn cứ đến thăm và trong guồng quay hối hả để “lo” Tết cùng mọi người tự nhiên mọi chuyện buồn dễ qua đi, Tết kéo mình về với cuộc sống đời thường. Trẻ con thì yêu Tết theo kiểu của chúng, đó là những ngày được nghỉ học đi chơi , là những bộ quần áo mới, là những phong bao lì xì …, còn người lớn chúng ta Tết đến là mang đến những hy vọng tốt đẹp mới dẫu ai cũng biết được, mất là điều khó lường. Mình yêu Tết cũng vì lẽ đó, Tết như một dịp để cân bằng mọi sự ở đời.
Ngày trước mỗi khi Tết về, mình chuẩn bị sắm sửa , dọn dẹp để đón Tết như một thói quen đã có sẵn, bây giờ tuổi cũng đã kha khá cái việc đón Tết có vẻ như được trân trọng, cẩn thận hơn. Mâm cơm chiều 30 Tết gợi nhớ nhiều đến Ông Bà Cha Mẹ, sáng mồng Một ra lễ Chùa cũng chỉ cầu sức khỏe, an lành. Có lẽ, với mình, đó chính là điều Tết muốn mang đến.
            Tết Bính Thân sắp qua. Mọi người rồi ai lại vào việc nấy, nói như thời còn chiến tranh phá hoại - mọi sinh hoạt lại trở lại bình thường. Với riêng mình cũng… thế thôi (!), Tết qua thì mọi sự rõ là lại bình thường rồi, chỉ mong sao nhưng điều mình cầu mong trong ngày đầu năm trở thành hiện thực.

            Nhân dịp đầu năm , mình chúc tất cả các bạn trong lớp cùng gia đình luôn khỏe mạnh, vui tươi, an khang, thịnh vượng.

Thứ Ba, 9 tháng 2, 2016

Chúc Mừng Năm Mới - Bính Thân


 
       



Về nơi cũ, lá xạc xào nỗi nhớ
Mây lảng bảng bay, gió vô tình
Người xa xôi... chỉ có mình với mình
Dùng dằng,  bước chân ai lưu luyến ...
( Hic - lời khai bút đầu xuân. - đề chùa Bà Đanh)