Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

Tên các bạn trongt ảnh nhập ngũ 6.9.1971

Ảnh gia đình và bàn thờ Dũng

Đôi điều về bạn Dũng

ĐÔI ĐIỀU VỀ NGỪƠI BẠN ĐỒNG NIÊN K14 KHOA VẬT LÝ ĐẠI HỌC TỔNG HƠP HÀ NỘI VÀ ĐỒNG NGŨ (6.9.1971) ĐÃ MẤT (Bạn Hoàng chí Dũng) Bạn Hoàng chí Dũng quê gốc ở Vĩnh Linh Quảng Trị, học lớp B K14 Khoa Vật lý Đại Học Tổng hợp Hà Nội, học lên đến năm thứ 2, mặc dù bố bạn Dũng lúc đó là Bộ đội đang chiến đấu ở chiến trường, nhưng Bạn Dũng vẫn tình nguyện xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ. Đợt nhập ngũ ngày 6.9.1971 hầu hết sinh viên các trường đại học ở Hà Nội đều về sư đoàn 325 (Lớp B K14 khoa lý chúng tôi có 13 người). Về tuổi đời, số sinh viên nhập ngũ đợt 6.9.1971, đa phần sinh năm 1951, nên chúng tôi hay đùa là thuộc lớp người “mãi mãi tuổi 20”, vì lúc đó nếu chúng tôi có hy sinh trên chiến trường thì hầu hết là 20 tuổi, mà khi người ta đã mất thì sẽ trẻ mãi với tuổi của mình. Sau khi hết 3 tháng huấn luyện tân binh, chúng tôi được điều động về các đơn vị trong toàn quân: phòng không, thiết giáp, thông tin, biên phòng...nhưng hầu hết ở lại bộ binh và vào chiến đấu ở chiến trường Quảng trị (Bạn Dũng là một trong số các bạn ở lại bộ binh). Sau giải phóng miền Nam 1975, đại đa số sinh viên nhập ngũ còn sống trở lại trường tiếp tục học tập (Bạn Dũng là một trong số các bạn SV trở về trường cũ). Tổt nghiệp Tổng hợp Lý, Dũng về dạy ở Đại Học Nông nghiệp Hà Nội, và xây dựng gia đình. Vợ Dũng chính là người ở thôn Dục Tú -Đông Anh Hà Nội (nơi lớp B K14 sơ tán năm 1969 khi mới nhập học), có lẽ đây là mối tình đẹp và thủy chung của anh sinh viên khoa lý chúng tôi với cô thôn nữ nơi sơ tán thời chiến tranh, bởi vì khi chúng tôi nhập ngũ về đa số là: “Gác lại mọi mối tình ở phía sau...” . Sau một thời gian công tác do yêu cầu của gia đình, Dũng chuyển về công tác tại Sở KH-CN-MT Thành phố Đà Nẵng cho đến khi nghỉ hưu. Hiện nay gia đình Dũng ở tại số nhà 36 Phố Huỳnh Mẫn Đạt - TP Đà Nẵng. Dũng có con gái đầu là Hoàng Thị Hải Yến, đã có gia đình và hiện đang sống tại Khu Đô thị Việt Hưng - Gia Lâm Hà Nội (số điện thoại: 0978822203); con trai là Hoàng chí Tâm (số điện thoại: 0995.866388) đã xây dựng gia đình và có một cháu trai, hiện đang sống cùng với mẹ. Sơ qua về gia cảnh bạn Dũng như vậy, để các bạn biết được, điều tôi muốn nói nhiều hơn là những suy nghĩ về tình bạn bè, tình đồng chí. Quả thật, từ cuối năm 1971 sau khi chia tay, chúng tôi rất ít thông tin về nhau, vì ngày xưa làm gì có mạng, có di động như bây giờ đâu, lá thư gửi cho nhau có khi cả năm mới tới nơi, thậm chí khi thư tới nơi thì bạn đã hy sinh rồi, chiến tranh là như vậy mà. Sau chiến tranh, mỗi người mỗi hoàn cảnh; thời bao cấp với bao nỗi lo toan để tồn tại, nên cũng ít thông tin cho nhau. Thật sự bạn bè K14 ở khu vực Hà Nội gặp nhau được nhiều hơn từ những năm đầu 90, còn các bạn ở xa như Dũng rất ít thông tin về nhau. Vì vậy, khi Dũng bị bệnh nặng ra bệnh viện 108 điều trị bạn bè cũng không ai biết. Theo như Hằng (vợ Dũng) kể lại, Dũng bị ung thư phổi, điều trị tại BV108 Hà Nội không có kết quả, gia đình quyết định đưa về Đà Nẵng và mất ở Đà Nẵng vào ngày 20/12/2014 (tức ngày 29/10 / AL), hiện an táng tại nghĩ trang Thành phố Đà Nẵng. Chắc các bạn còn nhớ, hôm gặp mặt lớp đầu năm (4/2015), có người nói bạn Dũng đã mất, nhưng không ai rõ cụ thể thể nào? gia đình ở đâu?. Khi nghe tin đó tôi thực sự buồn, vì tôi và Dũng thời chưa đi bộ đội cũng có nhiều kỷ niệm, và định bụng nếu có dịp vào Đà Nẵng nhất định sẽ tìm đến thắp cho bạn nén hương. Cũng may cho tôi lần này vào Đà Nẵng nhờ bạn Phong (Phong + Trò) tìm được số điện thoại của em ruột Dũng, qua đó tôi mới biết được địa chỉ của nhà Dũng. Tôi đến nhà gặp được vợ Dũng, và nói “Thay mặt các bạn K14 thắp hương cho Dũng và xin chụp ảnh bàn thờ của Dũng” , đồng thời trao cho gia đình bức ảnh 13 anh em chúng tôi mới nhập ngũ 1 tháng tại Sở Thượng -Thanh Trì - Hà Nội trước khi lên Yên Thế để huấn luyện (Ảnh do Vinh tải trên mạng về , tôi bổ sung cho đầy đủ tên các bạn và in tại Đà Nẵng). Thấy bạn cũ đến thắp hương cho chồng, vợ Dũng chỉ khóc và rất buồn vì trước khi mất, Dũng không dặn dò gì? gia đình và cũng không kể nhiều về bạn bè thời đại học và nhập ngũ. Tôi cũng thấy buồn và chẳng biết nói gì hơn là mong gia đình thông cảm cho anh em chúng tôi rất ít thông tin về nhau. Ra về đạt được tâm nguyện thắp cho bạn được nén hương sau hơn 10 tháng đã mất, nhưng trong lòng thực sự buồn phiền và cảm thấy cuộc đời mỗi con người chúng ta thật ngắn ngủi, không ai nói trước được bất cứ điều gì? Đôi điều về người bạn đồng niên, đồng ngũ đã mất như vậy, cầu mong bạn nơi suối vàng thanh thản và cảm thông cho những người còn sống.

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Lan man : Cũ - Mới / Xoá - Giữ


Hôm qua được nửa ngày nghỉ bù – cái tính ham vui bạn bè, lại có điện thoại có thể tám giữa hai nửa bán cầu – thế là tận dụng, Điện thoại đường xa mà chất lượng rất khá, chỉ có một đôi lần tự dưng mất hút - do cái lồng Faraday, rồi có lúc lại thầm thì - không phải do tai điếc - chắc là do "sóng mang bị biến điệu - hì hì " (tôi vốn học truyền sóng, nhưng chữ thầy trả thầy từ rất là lâu rồi - giờ chỉ toàn nói nhăng cho vui). Sau vài lần chuyển đổi mạng rồi thì cũng yên "Ai bảo có nhiều - nhiều khổ thế đấy - hic " - và chủ đề thì cứ thoắt đông thoắt tây, ..

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015

Ảnh các bạn bộ đội trên DopePicz

Lang thang trên NET thấy lại chiếc ảnh của các bạn cùng khóa trên một trang Web lạ hơ lạ hoắc - DopePicz, lại rinh về :-). (Ảnh này Hữu Thành đã đăng trong bài "Những người bạn còn - mất ")

 


Đường dẫn là Đường dẫn
Hay gõ trong tìm kiếm của google " k14dhthhn", kết qủa sẽ chỉ ra đường dẫn này trong danh sách


Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2015

Tin thêm về "sổ hưu"

Là nói đùa vậy, bạn mình bây giờ ai chả có "sổ hưu", nhưng mà là nói tiếp chuyện "sở hữu" đã nói trước.
Ngay bài "nạp sở hữu miễn phí" để kích bạn vào mạng giao lưu, thì LTM đã thông báo có một máy "kỷ niệm về hưu" mua bằng tiền "đời công chức", nay sẵn sàng biếu tặng để thực hiện. Vậy là hiện thực.
Nhưng chờ mãi, máy cho thì có mà người nhận lại... không. Rồi một anh bạn Trỗi của tôi trong SG, người đã từng được nhận "sở hữu", gọi điện nói "kiếm cho một cái máy để thằng Tấn Mỹ nó khỏi phải ra quán net". Tấn Mỹ cũng là một bạn Trỗi mà tôi vừa gặp trong chuyến Quảng Ngãi tháng 6. 
Vậy là "đề xuất" được LTM duyệt, hôm qua tôi đã rinh máy về nhà.
Khám sơ thì "con" máy này hơi cổ một tí, gần 10 năm. Màn hình tỉ lệ 4:3, CPU PentiumM, RAM 512MB, ổ cứng 60GB, hệ điều hành nguyên bản Windows XP, là những thông số xác định cổ thật chứ không giả :-)
Nhưng mà hỏng chính để bị "loại ngũ" là cơ khí, bản lề không giữ màn hình tự đứng, mà cứ ngã ngửa ra sau, hoặc úp lại phía trước. Tôi đã khắc phục bằng cách dán hai băng keo kiểu "dây văng" hai bên để có một vị trí ngửa ra khả dĩ nhất, như trong ảnh.
Máy đã được tôi cài đặt lại hoàn toàn, đảm bảo xóa sạch dấu vết của chủ cũ. Bây giờ nó chạy hệ điều hành Linux Ubuntu 12.04, đủ mới và đủ yếu(?) với máy cũ.
Tóm lại là vẫn cần ấn F2 khi khởi động để cho qua "cái gì bên trong" (có thể là máy không lắp pin vì pin hỏng lâu rồi), thì máy làm việc, phục vụ vào mạng bình thường; với cái bàn phím không tin cậy lắm có thể vì lâu không dùng nên thỉnh thoảng dở chứng mất chữ, có thể khắc phục bằng bàn phím ngoài.
Xin báo với các bạn là như thế để... vui chung :-D

Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

Tản mạn :Nice, đôi điều nơi tôi đang sống



Người cùng thời – cùng khóa, cùng thành phố, cùng quê hương ..., nhưng mỗi chúng ta đều có cuộc đời rất khác nhau, từ những chuyện thường ngày trong nhà, ngoài ngõ, từ nơi ăn chốn ở, việc làm đến những quan hệ khác.
Hà nội là thành phố gắn bó với tuổi thơ của tôi, nhưng quen thuộc với các bạn và gần với các bạn hơn tôi nhiều.
Nice – thành phố nơi tôi đang sống và làm việc, cũng gần gũi nhưng ít gắn bó. Đây là đất nước người.
                                                (Điạ Trung Hải - sớm 06/09 - nhìn từ Nice)

(Thêm một chiếc lá bay sân chùa – chia sẻ với các bạn đôi điều )
                                     (đường bờ biển sớm 06/09)

Nice - theo từ Hy lạp cổ đại " người làm nên chiến thắng " - qui donne la victoire .

Cho dù đời sống đã xuống cấp rất nhiều theo xu hướng chung cuả kinh tế Pháp – thì cũng phải khách quan mà thừa nhận rằng – Nice là một thành phố đẹp, thoáng đãng. Có biển Điạ Trung Hải gần như 300 ngày trong năm phản chiếu mầu xanh tuyệt đẹp của trời xanh, nước mặn, sâu và rất trong, bãi biển thường là đá cuội, muốn có bãi tắm bằng cát thì thành phố phải kè biển rồi mua cát đổ xuống. Thành phố tựa lưng vào Alpes, dẫy núi có những đỉnh tuyết trắng suốt 4 mùa.
Dân Nice rất ít gốc Pháp, người Nice gốc gác chủ yếu chung gốc Địa Trung hải với các nước lân cận, như Ý, Tây ban nha, và rất nhiều từ phía bên kia bờ Bắc phi đến, nên tính cách khá ồn ào – tính cách của dân vùng xứ nóng, xã giao và ít trầm lắng hơn dân vùng khác – (có lẽ là do du lịch nhiều)
Theo thời gian, người Pháp gốc Pháp dần rút về sau núi và vùng đồng quê. Thành phố - khu nhà biệt thư dành cho nhà giàu như St Jean Cap Ferrat thì người giầu mới nổi ở Nga chiếm chổ dần. Thu nhập bình quân của người Pháp theo thống kê của INSEE là khoảng 1800 Euros/tháng. Từ sau khi đổi tiền thành Euros - mức sống cứ dần dần tự nhiên giảm đi, do giá cả cứ lặng lẽ âm thầm tăng và thuế tăng rất nhanh…Và thất nghiệp cũng mỗi năm một tăng, người vô gia cư tăng cùng với người “lưu động“ (Digan - Rom) - từ ngày biên giới mở thì họ cứ tự nhiên vào. Cái nạn người “lưu động” này làm các thành phố như Nice, St Laurent du Var, Menton … tốn rất nhiều tiền.  Vì để trục xuất mỗi người, thành phố trả cho họ khoảng 750 Euros, nhưng chỉ 6 tháng sau họ lại trở lại – qủa là một NẠN.

Một ví dụ khác về chi tiêu khá mạnh tay để đảm bảo vệ sinh môi trường -  Nice có 4,5 km đường bờ biển, vào mùa du lịch - để giữ sạch cho bãi biển, mỗi sáng có ít nhất 15 nhân viên của Cty vệ sinh môi trường bắt đâu làm từ rất sớm; trên bãi biển có rất nhiều thùng đựng rác - và trong ngày họ đến thay vài ba lần. Cần mẫn, tôi không hiểu mức lương là bao - chắc hơn lương thất nghiệp - lương thất nghiệp của Pháp là 9,50 Euros/giờ .
Hàng tuần, xe rửa đường phố vỉa hè đi phun nước rửa từ vỉa hè xuống lòng đường, Hàng sáng công nhân vệ sinh đi hốt rác, lá lảu, chai bia, vỏ hộp, đầu thuốc lá ... Họ hốt vào xe chứ không tấp xuống cống, hay vào các góc đường khuất ... Thế mà dù ở cạnh biển, cạnh sông, hệ thống cống ngầm được quy hoạch tốt, nhưng tháng 11/2014 - rất nhiều phố của Nice cũng bị ngập úng trong vòng 2 giờ, nước bắt đầu dâng sau khi mưa 20 phút và tới khi tạnh (có khi đây là hiện tượng trong vấn đề thay đổi khí hậu toàn cầu -:))
Tôi không biết cụ thể nhiều về chính sách, nhưng chỉ biết rằng mỗi năm - thuế thu nhập tăng. Theo đó thuế ở, thuế nhà tăng, tỷ lệ tuỳ theo từng khu vực - nhưng dường như không ai có thể trốn được và thành phố sử dụng khá khá vào việc đảm bảo vệ sinh và an toàn
Và dịp Noel - những năm gần đây, thành phố giảm rất nhiều những đèn hoa công cộng, chỉ còn các cửa hàng tư nhân thì đấy là tiền của tư nhân, còn quốc khánh thì gần như không có trang hoàng gì cả....Nghĩa là họ rất tính toán và khá tằn tiện

Bên cạnh đó còn vấn đề tôn giáo – Pháp vốn theo đạo Thiên chúa, nhưng bởi “Tự do, Bình đẳng, Bác ái “ nên càng ngày càng có nhiều vấn đề nan giải. ...

Giờ thì chuyển chủ đề chút  - cái ảnh sau đây là tôi đứng từ cửa sổ phòng làm việc chụp xuống sân bên trái toà nhà của công ty.

                                                        ( từ cửa sổ phòng làm việc)
Ở đây, nơi tôi làm gần như không có người nước ngoài.
Phong cách sống – nhìn thoáng đôi khi cũng nhận ra xuất xứ của họ (hic) Đôi lúc nhớ đến những truyện ngắn của các nhà văn viết về những người lính lê dương sang xâm chiếm Việt nam ngày xưa – thì thấy đó cũng như là điều tự nhiên. Cũng có những người đi lính vì lý tưởng, cũng có những bác sĩ, nhà văn, nhà kỹ thuật  - có không ít người rất nhân văn. Nhưng lính đánh nhau hồi ấy chủ yếu người thất nghiệp hay đầu trộm đuội cướp đi lính hay bị đi lính – để có tiền nuôi gia đình. Trong số họ - có những người tốt, cũng hiền lương nhưng hoàn cảnh xô đầy, và cũng có không ít lưu manh. Mà lưu manh thì ở đâu, mầu da gì, chủng loại nào cũng là lưu manh …

Thế hệ già, có thể có những bảo thủ nhưng hình như họ vẫn còn giữ được nếp văn minh – có vẻ càng ngày thì sự văn minh ấy nó cũng giảm đi ở thế hệ trẻ. Chúng ích kỷ hơn, cực đoan hơn – và đôi khi tự tin thái quá thành ra thiếu lễ độ và trở nên ngạo mạn, Khá nhiều lần ở sân bay hay hiệu ăn - tôi lại nhận thấy nhiều người Pháp hay khoa trương, “nổ “ như pháo , già cũng như trẻ -:)
Trong đời sống và trong việc làm câu "thùng rỗng kêu to" ở đâu cũng đúng - nhiều khi mệt đầu về sự ồn ào đó quá :-( ,  rồi lại thấy "...không được việc, lại hay nỏ mồm " nữa (nửa câu này là lấy từ câu các cụ ta ngày xưa khinh phái nữ, nhưng thời hiện đại này tôi ghép vào cho cả 3 giới :-) :-)
Nhưng họ là họ, mình là mình – tôn trọng nhau - cuộc sống bình bình an an – đơn giản vậy thôi


Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

Vì sức khỏe là số 1

      Đọc mấy dòng chia sẻ cảm xúc sau khi gặp lại bạn cũ nhân dịp ra HN dự lễ tang anh Vũ Mạnh Hùng  của bạn Đinh Sĩ Hiền mình thực sự ấn tượng và  tán đồng  với mấy chữ cuối “Vì sức khỏe là số 1”.
     Cái điều luôn được nhắc nhở có vẻ như một khẩu hiệu đối với những người cao tuổi  nhưng dường như hay bị “quên” nhất trong nhiều thứ hay bị quên khác xảy ra hàng ngày.
    Cứ thử ngẫm một chút, giờ đây mỗi khi anh chị em. bạn bè  thân thiết gặp nhau , đồng hành cùng nụ cười và cái bắt tay ban đầu bao giờ cũng là câu “có khỏe không” - mặc dù biết rằng gặp lại được nhau cũng đã là một phần của câu trả lời rồi. Câu chuyện của chúng ta mỗi lúc tiếp sau sẽ mở ra : có thể lại là những ký ức xưa được nhắc đi nhắc lại, những hoàn cảnh hiện tại của từng người : chuyện công việc, chuyện cha mẹ già, chuyện vợ chồng, con cháu….nhưng rồi loanh quanh lại quay lại với chuyện sức khỏe của mỗi người, ai cũng luôn nhắc nhở ai phải giữ gìn sức khỏe vì “sức khỏe là số 1”, rồi chia tay nhau cũng vẫn là câu “giữ gìn sức khỏe nhé”…, có vẻ như “sức khỏe” mới chính là người bạn thân thiết nhất của ta.