Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

Lời chúc đầu mùa xuân

Vừa lập xuân, định nghỉ cuối tuần đi xa xa, ngó nghiêng trời đất vào xuân ra sao nhưng hôm nay tôi đi làm. Sáng chạy ra, chụp con đường gần nhà - con đường này cọ bốn mùa xanh, chỉ có những chùm quả của nó khi chín thì có mầu vàng rất đẹp, và chụp cây liễu mùa xuân trước một căn nhà, tôi ngạc nhiên vì cây liễu có mầu vàng óng, cả búp lẫn cành chứ không xanh - (từ bé đến giờ tôi cứ nghĩ liễu mùa xuân là xanh mướt cơ đấy - híc ).
 Ở đây tôi thấy họ tận dụng từng khoảnh đất trống để trồng cây xanh và hoa. họ giữ gìn bảo vệ những cây cổ thụ - dọc đoạn đường "nhanh " - tôi đi làm qua mỗi ngày - có một cây thuộc họ thông hay tùng bách gì đó (linh sam) rất cao - chen giữa tòa nhà 7 tầng và đường. Qua tháng năm nó vẫn còn đấy, ngạo nghễ - dù rằng sát cạnh đường xe chạy vun vút suốt ngày đêm và sát cạnh nhà ở, mỗi lần đi qua, tôi nghĩ vẩn vơ về số phận cây xanh cổ thụ ở Hà nội...Nơi này, họ định hoạch bảo vệ, làm phong phú thêm các khu rừng vừa tự nhiên vừa nhân tạo, cho dù là xây nhà cao tầng hay làm đường, cho dù là xây khu thương mại hay giải trí... . Và nữa - thành phố bao giờ cũng có những công viên. Thành phố Nice chỉ là thứ 5 trong nước Pháp; chạy dọc theo bờ biển và chống lưng là dẫy Alpes, có một dòng sông Var chảy qua, kém Hà nội là không có hồ trong thành phố, xử lý nước thải tốt nên gần hay xa thành phố tôi chưa thấy đâu đó như Kim ngưu hay Tô lịch, sông Lừ hoặc một góc hồ Tây của mình, thêm các đài phun nước hay tạo thác nước nhưng cố gắng giữ lại môi trường, cảnh trí tự nhiên chứ không bê tông hay xi măng hoá...

Gửi vào đây kèm lời chúc - chúc các bạn k14 lúc nào cũng tươi tắn, khoẻ mạnh và trẻ trung ...



Thứ Năm, 19 tháng 3, 2015

Tổng kết hết Tết

Nhờ bạn Th.Bắc k4 Trỗi với vợ bạn ấy là bạn phổ thông của bạn Thìn, bạn Thành Minh mà hôm nay gặp mặt bạn cũ, cả Trỗi cả ĐHTH HN khoa Lý (1969-1973)
V.Thắng, Từ Ngữ, Bình Dân, Thành Minh, Hương (vợ) Bắc (chồng)



Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

Thơ trong cuộc rượu với bè bạn ( Đỗ Trọng Khơi)

(Xin lỗi các bạn, có những bài tôi đăng vào trang k14 nhưng xin phép là sẽ thanh lọc nội dung  - vì nhận ra nó hơi riêng tư (hic) - cả nhà thông cảm. Thôi thì chép lại một bài thơ tôi đọc cách đây 2 chục năm tặng các bạn có những cuộc gặp gỡ bên ly rượu đầy vơi...)

Xin thưa dâng chén rượu này
Rót ào cả những tháng ngày cách xa
Rót vào cả khoảng bao la
Những khi ta sống riêng ta góc trời

Xin thưa, đây chén rượu đời
Nồng nàn hỡi, nồng nàn ơi, nói gi
Mà thịt da nói thầm thì
Mà con mắt ướt, mà mi khép làn

Chén này, đựng một không gian
Chén này chất nặng thời gian. Chén này
Ngọt buì cay đắng đã đầy
Uống mà ngẫm cuộc tỉnh say làm người

Mà xem đá đổ mồ hôi
Mà xem cỏ dại nhuôm trời xanh xanh
Xem sương khói có mong manh
Xem chim muông nó đan thành hàng bay

Mà cầm cho vững trên tay
Tình ngày tươi trẻ, tóc ngày già nua
Xin cái thiếu, trả cái thừa
E điều hơn, sợ điều thua trên đời

Xin thưa, rượu lại rót rồi
Chén này còn có bao lời bên trong
Nói mà hết được cõi lòng
Thì đời đã chẳng long đong phận đời

Mến thương là mến thương ơi
Xin thưa, còn nữa ...nụ cười trên môi
Cũng là báu vật của người
Uống vào lòng được thì tôi ...rót vào

Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2015

Gặp lại ngày xưa

Mình vẫn giữ thói quen mua báo Văn nghệ hàng tuần (tất nhiên là báo giấy) để thỏa mãn cái thú đọc truyện ngắn đã có từ lâu lắm, Giáp Tết cũng phóng xe mua bằng được tờ Văn nghệ số Tết hi vọng có cái để giải khuây mấy ngày Tết,, nhưng rồi hóa ra Tết lại bận hơn ngày thường nên mấy hôm rồi mới sà vào được, truyện đọc chưa hết mà lại 'bắt' được bài thơ hay, hợp với "tâm trạng" . Nhân sắp tới ngày K mình gặp gỡ đầu năm, mình chép ra đây với hi vọng có ai đó cùng đọc và cảm nhận :

Gặp lại ngày xưa

Bạn bè ơi
Rồi có một ngày
Chợt ngoái lại nhìn nhau trong suốt
Tuổi cớm chiều
Nói lời thẳng thớm
Những mến thương có chậm muộn bao giờ
Từng vui buồn lững thững rủ nhau đi

Năm tháng màu chi
May rủi mỏng dày
Giờ đã về đây quây quần inh ỏi
Thằng liến thoắng
Đứa cười im không nói
Hình như có hơi nhiều tiếng gọi
Phía vắng người thừa thãi nắng mưa

Nào mình rót cho nhau thêm chén nữa
Từ từ thôi nhớ nghẹn phải ngày xưa
Uống cay đắng mà thành ngọt lự
Cuối giọt buồn chót vót một thời xanh

Tác giả : Hoàng Trần Cương

Cái bắt tay


Cuộc sống của tôi chia làm hai phần không đều nhau - mỗi năm thời gian ở Hà nội chỉ bằng 1/12 của năm – những tháng còn lại là ở vùng Đông Nam nước Pháp.
Trong bài viết ngắn này, tôi không so sánh cuộc sống, phong tục, mà chỉ là sự quan sát những điều vặt vãnh xung quanh trong phạm vi hẹp của bản thân, đôi khi với sự hài hước rồi cho vào cái túm tôi xếp vào "cái nhìn về cuộc sống" rất "lẩu" của mình. Chẳng hạn cách chào nhau – chào gặp mặt và chào tạm biệt - của người tứ xứ mình sống ở Hà nội và người tứ xứ nơi tôi đang sống. Rất khác nhau, tập quán thôi – và tôi nhận ra một điều – dù là cúi đầu, bắt tay, hay ôm hôn – nhưng với người quan hệ khác nhau thì rất khác nhau. Có những ánh mắt lúc cúi đầu chào từ xa, hay cái bắt tay làm cho người ta cảm nhận được sự thân tình ...

Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2015

Đầu năm nhớ lại tên trường cũ


 Chẳng biết vì những duyên cớ gì mà hơn hai mươi  năm trước (1993) Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội của chúng ta  lại đổi tên thành Trường Đại học Quốc gia Hà nội (sau khi được sát nhập với Trường ĐHSP1 HN và Trường ĐHSP NN). Chắc cũng phải có những lập luận vô cùng chặt chẽ, những lí do vô cùng sắc bén và cả những hướng đi vô cùng hoành tráng cho tương lai nên mới có cái quyết định này.  Mình  chẳng dám khen- chê, bình luận gì vì tự ti “cóc ngồi đáy giếng” nhưng trong thâm tâm cứ thấy buồn buồn.
Thói quen nghĩ về trường mình là kèm theo đó có chút tự hào vì đó là ngôi trường duy nhất dạy về nghiên cứu cơ bản trong cả hai lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hôi. Những cái tên gọi giản dị : khoa Lí, khoa Toán, khoa Hóa, khoa Văn, khoa Sử……đồng hành cùng các tên tuổi của các nhà khoa học, nhà sư phạm  nổi tiếng trong nhiều  lĩnh vực  cho đến nay vẫn được bao thế hệ sinh viên  nhắc đến với tấm lòng biết ơn , cảm phục và trân trọng.  Mình có cảm giác  giờ đây cái khoa Vật lí của chúng mình (nằm chung số phận như  các khoa  khác của trường cũ) dường như bị bé đi một chút – mặc dù cơ sở vật chất chắc phải  hơn xưa rất  nhiều -  và hình như đã bị  lọt thỏm trong cái mô hình đồ sộ bao gồm các Trường trực thuộc , các Viện nghiên cứu khoa học thành viên, các  Khoa, các Trung tâm nghiên cứu đào tạo trực thuộc.
 Mình biết đây chỉ là cái cảm giác của riêng mình, nó mơ hồ và hình như cũng chẳng có cơ sở nào nhưng nghĩ về khoa cũ , trường xưa vẫn thấy lưu luyến, thấy có gì đó vững chãi để gửi trọn niềm tin, niềm tự hào vì đã từng là học sinh của Trường.  Không biết nghĩ thế  này là do mình “hoài cổ” hay là cũng tại cái Trường mới chưa tạo được ấn tượng cho riêng mình ???



Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

Hà nội xưa ...

Hà nội xưa - thành phố tuổi thơ

Những tháng năm vê trước
Cái thời lang thang vỉa hè ba sáu phố, lê mòn dép, guốc
Bắp ngô nướng chia nhau, thơm suốt chiều đông
Sáng s
áng chạy ra vườn Chi lăng nhặt búp đa hồng
Nghe râm ran tiếng ve đường Trần Phú
Nơi sau cơn mưa, hoa sấu dịu chua rơi đầy sân nhỏ
Thân cây xù xì, lá loáng nước - mướt xanh...

Hà nội xưa, thành phố của chúng mình
Một góc hồ Gươm rợp bằng lăng tím
Phượng đỏ rực mái trường, mỗi lần mùa thi đến
Vầng trăng Cổ ngư mờ ảo, sương buông

Nhớ Hà nội xưa giữa nhộn nhạo đời thường...

Đêm yên tĩnh trôi - vườn xanh gió lặng
Hà nội xưa - những con đường vắng
Hoa sữa cuối thu ngan ngát hương bay
Vườn Bách Thảo tháng ba hoa sưa lắc rắc rơi đầy
Loa kèn đầu hè – dịu dàng nở trắng
L
i mình qua, tán lá rung rinh rọi nắng
Sắc vàng, đón đông, bay theo gió – ưu tư...

Hà nội xưa - mái phố rêu phong dầu dãi nắng mưa …
Còn y nguyên vẹn tròn trong nỗi nhớ !

Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2015

Lời chúc cho các bạn gái và tôi nhân ngày 8 tháng 3


        @ Thành Minh và các bạn gái K14 khoa Vật lý ĐHTH Hà nội

                                                               (ảnh trên NET - hoa sưa Hà nội)
Lời xa, ta chúc bạn gái ta
Một ngày lễ với chan hoà niềm vui
Bình yên hạnh phúc cuộc đời
Giữa nắng mưa mãi rạng ngời sắc hoa !


Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2015

Gặp mặt đầu năm 2015

Ban Liên lạc kính mời các bạn K14 khoa Vật lý Đại học Tổng hợp Hà Nội tới dự cuộc gặp mặt Xuân 2015
vào 9:00 ngày 5/4/2015 (17/2 Âm lịch)
tại Nhà hàng Bánh Tôm, Hồ Tây.
TM Ban Liên lạc, Nguyễn Trọng Dân

Thứ Năm, 5 tháng 3, 2015

Lần đầu đến sông Cầu - hè 1970



Đợt lao đông đào mương đắp đê hè 1970

Lệnh của khoa, trước khi nghỉ hè tất cả học sinh đi đào mương, đắp đê.

Thế là chúng tôi – năm thứ nhất khoa Lý, khoa SInh, khoa Địa kéo nhau lên Quế võ. Các khoá khác của trường cũng đến, nhưng không cùng thời gian với chúng tôi. Hình như có xe tải chở đến nơi tập kết, sau đó thì đi về các làng mà ban liên lạc đã liên hệ trước. Tôi không nhớ tên làng xã, bởi lúc đó trong đầu chỉ còn mỗi dòng sông Cầu với các câu ca thật mượt mà ngự trị…

Tôi chỉ còn nhớ loáng thoáng - lớp tổ chức như bộ đội,  tôi ở tiểu đội nào, với ai cũng quên biến rồi, chỉ nhớ là có chị Mùa. Lớp tôi thành một đại đội, không nhớ đại đội trưởng và chính trị viên là ai ? Chắc là lớp trưởng và bí thư chi đoàn? Và cả mấy khoa thành một tiểu đòan, tiểu đoàn trưởng là một thầy giáo bên khoa Sinh vật. Thử nhớ xem tên thầy là gì nhưng chịu. Kệ đó đã, tên thầy là thuộc về thầy, nhưng với các bạn của tôi và tôi thì cái việc đắp đê, hoàn thành khối lượng được giao mới quan trọng.
Quả là đợt rèn luyện cho xứng với các thế hệ cha anh. Những điều tôi cảm nhận trong thời gian đó – không nhiều - ngoài cái nắng cháy da, cái nóng như trong chảo rang, những cơn khát dai dẳng, ... và sự chăm chỉ miệt mài của kiến :-)
 Khi học phổ thông đi sơ tán, cũng tập gánh gồng, cuốc đất, đánh luống khoai, làm bèo hoa dâu, đi gặt, đập lúa nhưng chỉ là đôi lần cả năm học, chứ không thế này. Thế này – có nghĩa là, cả ngày gánh, trừ hai lần nghỉ giải lao giữa giờ chừng 15 phút, lúc nghỉ ăn trưa và tối đi ngủ, hôm trước gánh, hôm sau gánh, tuần này gánh, tuần sau gánh, 4 tuần liền. Cả ngày cái đòn gánh dính trên vai, trừ lúc đứng chờ xúc đất vào xảo, mà có lần xuống đến nơi đã có các xảo đất đầy sẵn ở đấy rồi ...
Ngày đầu tiên còn hăng  hái, tối về ăn tối xong, tắm rửa - phải nói là nước giếng ở đây rất trong và mát - chỉ tội là hơi sâu, nên riêng cái vụ kéo nước tôi cũng phải tập, rồi leo lên giường, ngủ vùi. Sáng sáng, đang ngủ say, 5 giờ sáng đã bị còi goi dậy, rối rít đánh răng rửa mặt, chạy vôi ra nơi tập trung lấy khẩu phần bánh mì ăn sáng, rồi bước thấp bước cao, vừa gặm bánh vừa đi ra công trường. Con đường đi qua một làng khác, quen dần đi, nhưng cảm giác dài ngắn từng ngày khác nhau, tuỳ theo ngọc thể hôm đó ra sao. Cái làng dọc đường đi có một dãy ao sen – đi qua không khí rất mát lành.

Mỗi sáng, khi chúng tôi ra đến nơi thì mặt trời cũng đã mọc, cả bọn xúm xít chọn đồ nghề của mình – ai gánh thì chọn gánh, nghĩa là đòn gánh và 2 hoặc 4 cái xảo ( Qua đợt lao động tôi có thêm một kinh nghiêm là muốn gánh êm hơn, đỡ đau vai thì phải chọn đòn gánh to bản hơn, mảnh, dẻo; độ dài của dây quang phải tương ứng với độ cao của người...), ai đào thì chọn mai, xẻng, không có ai không chọn gì (hic). Ngày thứ hai của đợt lao động, khi đặt đòn gánh lên vai – lúc ấy tôi chỉ còn biết thầm kêu Trời – và nước mắt ứa ra. Chị Mùa bảo “Em đừng có sờ tay lên vai, sẽ bỏng rát hơn, lấy cái khăn lót vào …”- các bạn nhiều người dùng khăn che mặt tiện lau mồ hôi, còn tôi thì đã có nón lá che đầu, nhưng lau mồ hôi thì dùng tay áo gạt…  Hai cái vai sưng phồng, đỏ lựng…, dằn chiếc đòn gánh xuống, nghiến răng lại và bước đi, chắc là vài bước đầu hơi loạng choạng…Chúng tôi làm dưới nắng như đổ lửa, và cả dưới mưa – khi mưa to quá thì mới dừng . Ban đầu còn đi dép, sau đi chân trần - những vết rỗ ở gan bàn chân phải mấy tháng sau mới hết. Ai đã quen gánh gồng trên đường đất trơn khi trời mưa - hẳn sẽ biết rằng khi nền trơn thì phải bấm ngón chân xuống - còn tôi, ban đầu thì ngược lại, nên nhiều lần cứ trượt ngã ... Nhớ lại – cái bệnh thành tích thế mà tệ, cố gắng - cố gắng nữa, nhưng dù cố thế nào - lớp tôi vẫn đứng sau lớp B1A, khoa địa và sau cả khoa sinh vật nữa (híc híc)…

 Nắng, nắng tháng Bảy thật đáng sợ - bầu trời xanh cao thẳm, không một gợn mây, dòng sông Cầu vẫn lặng lờ, những khóm tre cũng đứng lặng – im ắng  trong không khí oi nồng …
Giữa sáng và chiều có cấp dưỡng mang nước ra, nóng ra mồ hôi nhiều nên khát nước lắm – có một lần tôi đã phải dùng nón múc nước ruộng gặt sau mùa, trong vắt  nhìn thấy cả những cây cỏ, chân rạ, và uống .. (Thế mà đến giờ chẳng sao ) . Nắng, nóng đến mức mặt mũi ửng đỏ, tóc cháy nắng hoe vàng - mồ hội ra khô đi đọng lại thành từng viền muối trắng bạt lưng áo…Những ngày lao động đó, tôi nhớ mãi hình ảnh Hồng Nga, vóc dáng mảnh mai, bé nhỏ với nụ cười dịu dàng 
sự chịu đựng vượt gian khổ của Nga thật đáng khâm phục…
Đau cứ đau, vẫn cứ cười đùa - vẫn ngóng sang nhóm hay tổ bên cạnh coi cái hố đất bên đó sâu hơn bên mình không – thi đua mà,
Nhiều lúc mệt lắm, nhưng chỉ cần nghe anh Ân nâng cái gánh với 4 xảo đất rồi hô “Đả đảo Lon non, Sirik Matắc …” là
tiếng cười lại rộ lên đây đó
, bởi điệu bộ của ông ấy - người gầy nhẳng, cao lêu đêu, xạm đen – hai cánh tay nâng cái đòn gánh lên như cử tạ, chứ chính trị thì tôi ít am hiểu, chỉ là đầu năm 1970 – báo chi đưa rất nhiều tin về cuộc đảo chính bên Campuchia, nên cũng nhớ vài cái tên…

Nắng và nóng, đôi ngày kèm theo mưa dông chiều tối. Một hôm trên đường về thì cơn  dông đùng đùng kéo đến, qua ao sen của làng bên, nhóm các bạn  Cử, Nhã .. lội xuống hái trộm, vì trong cơn dông, không có người canh - và cũng dễ  tránh cán bộ lớp, biết như thế là ăn trộm, vi phạm tài sản của dân - các vị cán bộ lớp mà biết thì lại kiểm điểm có khi hết đêm cho mà xem.  Nhìn trước sau, rồi cũng trót lọt cả và tôi vui lắm vì có phần là một bông sen chưa nở hẳn, nhưng rất không may là dù chỉ đứng trên bờ ao tôi ngấm mưa lạnh . Đêm đó tôi lăn đùng ra sốt - nóng hầm hập ...
Khi chuẩn bị cho chuyến đi, mẹ và chị gái cũng gói cho vài viên thuốc cảm và đôi viên kháng sinh với vitamin C. Nước thì nhà chủ có sẵn, chị Mùa đi làm cả ngày, lúc trưa về qua, đặt tay lên trán tôi xem đỡ sốt chưa, ngồi một lúc rồi lại đi làm tiếp. Một mình chập chờn nửa thức nửa ngủ trong cơn sốt, may có chị chủ nhà - nửa buổi sáng đã nấu cháo cho ăn. (
Suốt nửa thế kỷ tôi không quên cử chỉ nhân nghĩa này, từ nơi xa xôi tôi muốn gửi lời cảm ơn cất giữ trong lòng từ bấy nay tới chị chủ nhà trẻ ấy ). Ăn cháo xong, uống thuốc rồi lại trằn trọc vì cơn sốt chưa hạ. … Bất chợt một giọng ru con từ nhà bên cạnh vọng lại – chắc là đứa bé trưa hè nóng không ngủ được, quấy và có lẽ mẹ nó đã ru nó.  Tôi cũng bồng bềnh theo điệu ru của người mẹ trẻ, giấc ngủ đến lúc nào - một giấc ngủ êm như ngày còn bé ở nhà với mẹ… Thế mà cũng phải vài ngày mới qua cơn sốt và lại tiếp tục đòn gánh trên vai …

Tuần cuối cùng của đợt lao động qua đi – cái lòng mương chúng tôi tham gia đào trông rất nham nhở, nơi phình ra, nơi thắt vào - đã căng dây đo đạc thế mà nó vẫn không thẳng, chỗ nông chỗ sâu, có chỗ còn cả một cột đất trơ trọi xung quanh toàn là hố - và cái con đê chúng tôi đổ đất tạo nên cũng khá cao và to.
(Con mương đó nằm sát trong đê sông Cầu - liệu nó có tác dung gì trong chống hạn và chống lũ không – tôi không có dịp quay lại đấy nên cũng không biết nữa).
Cuối cùng thì đợt lao động đã chấm dứt. Về sau, mỗi khi nghe câu hát  "- " con kênh ta đào chưa có nước chảy qua, chỉ có nắng mùa hè nóng bỏng, mồ hôi muối lưng áo em bạc trắng ..." tôi lại nhớ vô cùng những ngày hè năm ấy ...
Thở phào nhẹ nhõm - tôi háo hức trở về Hà nội không chút vương vấn - để lại đằng sau lưng dòng sông Cầu lần đầu tôi đến - hững hờ chảy - với những khóm tre xanh cong cong in bóng...Vả đề rồi vài năm sau gặp lại cũng dòng sông đó vào một mùa đông rét buốt...

Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015

Lá rơi


Lá rơi, về côị
Theo gió bay bay
Gió không hẹn, nên không bao giờ lỡ
Đời vô thường, không - sắc chuyển xoay


Kỳ 2 : Nơi ăn, chốn ở của tôi ở Dục tú - năm học đầu tiên (hồi ức )

Ăn thì rõ là không phải cơm nhà nữa rồi – mà là cơm chị Tủ - cấp dưỡng nấu. Chị chắc hơn chúng tôi nhiều tuổi, vì lúc ấy chỉ đã có con đàn (2 hay 3) rồi – tôi không nhớ chồng chị thế nào, có ở đấy hay không – và Tủ là tên vợ hay chồng cũng không để ý nữa. Còn mấy đứa con, đứa nào cũng mập mạp, béo tròn giống mẹ. Chị là người lực lưỡng, và hẳn là sức khoẻ có thừa - cứ nhìn hai tay chị khoắng chảo rau, hay đảo cơm thì biết. Ngày ấy, bọn con trai lớp tôi đa phần dáng rất thư sinh :-) – tôi cứ nhớ mãi câu chị cấp dưỡng đùa bạn Thế Hùng, vì việc gì đó là “ chị chỉ cần ấn mày một phát vào tường, thì có kéo 7 ngày cũng chưa ra được …” - chị hay nói bô lô ba la, vui tính. Chúng tôi cũng chỉ gặp chị ngày 2 lần khi ra bếp lấy cơm. Năm sau về Thượng đinh thi thoảng cũng nhác thấy chị, rồi sau thì đúng là chẳng biết tin gì nữa.

Chị nấu cơm trong tuần, còn chủ nhật thì các tổ học sinh thay nhau nấu. Có lần tổ tôi nấu, cái lò ủ bị tắt ngấm - nhóm lò mãi chẳng được phải cầu cưú chị - tôi nhớ loáng thoáng chị bảo “bỏ bớt than ra, xếp củi gác lên nhau, đốt lửa lên, quạt mạnh và đều tay vào, rồi rắc thêm nắm muối nữa …”, cả nhóm thay nhau quạt, toát mồ hôi, như đánh vật với cái lò và hai cái chảo… rồi cuối cùng thì cũng có thành phẩm để đánh chén – đó là món mì độn cơm – không thể nào đảo đều được nên có chổ là một nắm mì nâu nâu, chỉ cõng vài hạt cơm, còn có chỗ là cả một muổng toàn cơm. Thức ăn chủ nhật cũng như trong tuần thường nhất món, canh rau muống, hay rau cải – đã hơi bị héo úa, hay canh su hào muối hoặc thái chỉ, hoặc thái miếng. Nói vậy, chứ thi thoảng cũng có món thịt kho với đậu, vài miếng đậu còn trắng nhợt, đôi ba miếng thịt và một vài lá hành xanh cắt nhỏ. Chỉ thế thôi mà ăn ngon vô cùng. :-). Chúng tôi thường gom lại từng nhóm ăn củng với nhau. Hồi còn ở trên xóm Đông, chị Mùa và tôi lấy cơm chung với Tản, Tiến và Bá Hùng - được cái hồi đó các cụ ông trẻ cũng chịu khó đi lấy cơm - nhất là những khi mưa. Có một hay hai lần, chúng tôi gom tiền mua được ít cá con, kho lên để ăn, và hẳn là cả nhóm biết ăn ớt từ đó – vì tôi sợ tanh, nên cho rất cay. Sau này, khi được thanh toán những ngày không ăn, có chút tiền và tem gạo, tem gạo thì dùng để đổi bánh mì khi có dịp, còn vài hào thì đôi khi mua lạc về rang, 1 hào một bơ hộp sữa bò hay 5 xu - tôi cũng không nhớ rõ, chỉ nhớ thường khi trời mưa, ngắm mưa rơi rả rích buồn, chị Mùa và tôi ngồi trong bếp nhà bác Hoè, ủ lạc dưới rơm cho dòn … Những năm tháng vô tư, thi thoảng cũng có chuyện nhỏ nhặt phiền toái trong dân vận,  nhưng với cái tuổi 16, 17 – thì đã lớn đâu nên có điều gì là quan trọng. Nhưng tôi vẫn còn nhớ chuyện bác Quế, chủ nhà đầu tiên – căn nhà ngói khang trang tường xây cao, cổng đóng kín, có chiếc bể nước thật to – và có nơi kín đáo để tắm rửa -  mà chị Mùa và tôi ở - hay nói về lập trường, quan điểm. Tôi vốn ham chơi (không biết chơi tú lơ khơ, không biết đánh tiến lên, nhưng luôn chầu rìa cái nhóm chơi tú lơ khơ bôi râu của Thêm, anh Hách và anh Đức), bác dậy dỗ gì cũng "vâng" rất ngoan, nhưng cứ như nước đổ lá khoai.  Bác ấy không chấp trẻ con, cũng không tỏ thái độ khó chịu nhưng rất chi là khách sáo đối với tôi - chứ không theo quan điểm đồng chí - giai cấp với nhau với chị Mùa. Bác Quế - không hiểu gọi tên con hay tên bác ý, lúc đó là hiệu trưởng kiêm bí thư chi bộ của trường cấp 1 Dục tú, là người tốt nhưng có lẽ hơi cứng nhắc trong suy nghĩ của tôi. Và lần trở về thăm Dục tú sau hơn 20 năm thì tôi nhận ra câu các cụ nói “núi sông còn dể đổi, bản tính khó dời “ cấm có sai...Nhưng dù sao tôi vẫn rất cảm ơn gia đình bác đã có những tháng chia cho chúng tôi một tấm phản, một góc nhà nương thân, tôi nhớ mãi tấm lòng nhân hậu của bác gái, và sự qúy mến, thân thiết của các con bác ấy dành cho tôi, trong hơn tháng sống ở nhà bác.
Khi xuống tổ 7, đầu tiên chị Mùa và tôi ở nhà bà Hai Giai – nhà bà ở tách riêng ra một khoảnh, vắng lặng, có vườn, có ao, nên có thể quây nilon để có chổ tắm ( các bạn trai không bao giờ cần có cái cảm giác là đến đâu cũng phải nhìn ngó xem - tắm ở chổ nào) Bà ít làm ruộng mà chủ yếu buôn bán gì đó, tôi thấy bà cứ đi chợ suốt. "Bà ấy rất khó tính", nhiều người làng bảo thế, nhưng tôi cũng chẳng thấy có vấn đề gì - thậm chí bà còn có vẻ qúy chúng tôi nữa, vì đôi lần đi chợ về bà còn cho qùa cơ mà, theo quan niệm của trẻ con, có qúy mới được qùa. Mãi sau nghe chị Mùa nói, không phải có phải thế không –  có lẽ không phải như tôi suy đoán mà bà ấy tốt bụng thật. Nhưng hồi đó tôi nhất quyết chuyển nhà, mặc dù kỳ thì đã tới nơi Nghĩ lại thấy buồn cười – (từ hồi quen chị Mùa đến sau này, chị ấy hai lần làm bà mối cho tôi mà không thành - đây là lần thứ nhất, còn lần thừ hai là sau khi tốt nghiệp) – chuyện thế này thôi – bà Hai Giai có một anh con trai, lúc đó đang học năm thứ ba Đại học NN. Tệ quá cố nhớ tên anh ấy mà không nhớ ra – anh ấy cứ chủ nhật là về nhà, bọn tôi thì thi thoảng chủ nhật cũng ở lại nên chạm mặt nhau, chẳng biết anh ấy nghĩ gì, nhưng tiếp xúc thì thấy cũng sáng láng và tốt bụng.  Không biết hai mẹ con anh ấy nói gì với chị Mùa rồi sau đó chị Mùa bảo tôi “V à, bà Hai Giai muốn đặt vấn đề với em cho con trai bà ấy …” Hì hì - quả này thì đúng là ngoài sức tưởng tượng của tôi và tôi nói với chị Mùa –"đi tìm nhà khác chị ạ ", và sau đó lai còn phải báo với cán bộ lớp là xin chuyển chỗ ở. Thực ra phải đi khỏi nhà bà, tôi cũng tiếc tiếc, yên tĩnh này, rộng rãi này, bà chủ tốt bụng này...

Thế rồi chúng tôi chuyển ra nhà bác Hoè, người em vợ của bác Quế - Nhà bác Hoè đông con, bừa bộn, ngay sát đường đi, không có tường bao – nhà chẳng mấy khi đóng cửa, và cái bếp + chuồng lợn, là nhà ngang – thành hình thước thợ với nhà trên. Kinh tế hơi chật vật, nhà ba gian, có cái sân gạch nhỏ, hiên nhà còn cao, nhưng hè bếp thì thấp và có một lọ tương rất to - nơi đó nắng rọi, và cả mưa cũng hắt vào được. Hai bác hơi nóng tính, bác gái thỉnh thoảng la lối mắng bọn trẻ con nhưng cực kỳ tốt bụng.
Cái phản chúng tôi nằm kê ngay sát cửa ra vào và có một chiếc cửa sổ - hai chiếc chiếu chồng lên nhau. Chị Mùa có một chiếc hòm gỗ ; tôi có một chiếc balo, chứa một bộ quần áo để thay đổi, chiếc màn cá nhân, chiếc chăn cá nhân của anh trai bộ đội cho, gia tài của năm đầu đại học có vậy thôi.
Ở nhà dân – Ăn tập thể!
Vĩ thanh : Cuộc sống của tôi ngày đó đơn giản vô cùng, bây giờ quan sát các cháu gái cùng tuổi tôi khi ấy, cố tìm một điều quen thuộc ngày xưa ... nhưng vẫn chỉ có ký ức thấp thoáng xa. Đã từng ấy năm qua rồi - mà tiếng còi của đoàn tầu chạy qua những thửa ruộng dưa chuột phía sang Cổ loa vẩn còn như đâu đây, những bông hoa sứ trắng muốt rơi vương vương trên sân chùa mãi vẫn giữ nguyên vẻ thanh khiết, mong manh ...Cái tuổi mười bảy, điều chung, tư, lớn, nhỏ cũng đơn giản như gói đồ mang gọn trong chiếc ba lô - hành trang cho đến bây giờ