Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015

Kỳ 2 : Nơi ăn, chốn ở của tôi ở Dục tú - năm học đầu tiên (hồi ức )

Ăn thì rõ là không phải cơm nhà nữa rồi – mà là cơm chị Tủ - cấp dưỡng nấu. Chị chắc hơn chúng tôi nhiều tuổi, vì lúc ấy chỉ đã có con đàn (2 hay 3) rồi – tôi không nhớ chồng chị thế nào, có ở đấy hay không – và Tủ là tên vợ hay chồng cũng không để ý nữa. Còn mấy đứa con, đứa nào cũng mập mạp, béo tròn giống mẹ. Chị là người lực lưỡng, và hẳn là sức khoẻ có thừa - cứ nhìn hai tay chị khoắng chảo rau, hay đảo cơm thì biết. Ngày ấy, bọn con trai lớp tôi đa phần dáng rất thư sinh :-) – tôi cứ nhớ mãi câu chị cấp dưỡng đùa bạn Thế Hùng, vì việc gì đó là “ chị chỉ cần ấn mày một phát vào tường, thì có kéo 7 ngày cũng chưa ra được …” - chị hay nói bô lô ba la, vui tính. Chúng tôi cũng chỉ gặp chị ngày 2 lần khi ra bếp lấy cơm. Năm sau về Thượng đinh thi thoảng cũng nhác thấy chị, rồi sau thì đúng là chẳng biết tin gì nữa.

Chị nấu cơm trong tuần, còn chủ nhật thì các tổ học sinh thay nhau nấu. Có lần tổ tôi nấu, cái lò ủ bị tắt ngấm - nhóm lò mãi chẳng được phải cầu cưú chị - tôi nhớ loáng thoáng chị bảo “bỏ bớt than ra, xếp củi gác lên nhau, đốt lửa lên, quạt mạnh và đều tay vào, rồi rắc thêm nắm muối nữa …”, cả nhóm thay nhau quạt, toát mồ hôi, như đánh vật với cái lò và hai cái chảo… rồi cuối cùng thì cũng có thành phẩm để đánh chén – đó là món mì độn cơm – không thể nào đảo đều được nên có chổ là một nắm mì nâu nâu, chỉ cõng vài hạt cơm, còn có chỗ là cả một muổng toàn cơm. Thức ăn chủ nhật cũng như trong tuần thường nhất món, canh rau muống, hay rau cải – đã hơi bị héo úa, hay canh su hào muối hoặc thái chỉ, hoặc thái miếng. Nói vậy, chứ thi thoảng cũng có món thịt kho với đậu, vài miếng đậu còn trắng nhợt, đôi ba miếng thịt và một vài lá hành xanh cắt nhỏ. Chỉ thế thôi mà ăn ngon vô cùng. :-). Chúng tôi thường gom lại từng nhóm ăn củng với nhau. Hồi còn ở trên xóm Đông, chị Mùa và tôi lấy cơm chung với Tản, Tiến và Bá Hùng - được cái hồi đó các cụ ông trẻ cũng chịu khó đi lấy cơm - nhất là những khi mưa. Có một hay hai lần, chúng tôi gom tiền mua được ít cá con, kho lên để ăn, và hẳn là cả nhóm biết ăn ớt từ đó – vì tôi sợ tanh, nên cho rất cay. Sau này, khi được thanh toán những ngày không ăn, có chút tiền và tem gạo, tem gạo thì dùng để đổi bánh mì khi có dịp, còn vài hào thì đôi khi mua lạc về rang, 1 hào một bơ hộp sữa bò hay 5 xu - tôi cũng không nhớ rõ, chỉ nhớ thường khi trời mưa, ngắm mưa rơi rả rích buồn, chị Mùa và tôi ngồi trong bếp nhà bác Hoè, ủ lạc dưới rơm cho dòn … Những năm tháng vô tư, thi thoảng cũng có chuyện nhỏ nhặt phiền toái trong dân vận,  nhưng với cái tuổi 16, 17 – thì đã lớn đâu nên có điều gì là quan trọng. Nhưng tôi vẫn còn nhớ chuyện bác Quế, chủ nhà đầu tiên – căn nhà ngói khang trang tường xây cao, cổng đóng kín, có chiếc bể nước thật to – và có nơi kín đáo để tắm rửa -  mà chị Mùa và tôi ở - hay nói về lập trường, quan điểm. Tôi vốn ham chơi (không biết chơi tú lơ khơ, không biết đánh tiến lên, nhưng luôn chầu rìa cái nhóm chơi tú lơ khơ bôi râu của Thêm, anh Hách và anh Đức), bác dậy dỗ gì cũng "vâng" rất ngoan, nhưng cứ như nước đổ lá khoai.  Bác ấy không chấp trẻ con, cũng không tỏ thái độ khó chịu nhưng rất chi là khách sáo đối với tôi - chứ không theo quan điểm đồng chí - giai cấp với nhau với chị Mùa. Bác Quế - không hiểu gọi tên con hay tên bác ý, lúc đó là hiệu trưởng kiêm bí thư chi bộ của trường cấp 1 Dục tú, là người tốt nhưng có lẽ hơi cứng nhắc trong suy nghĩ của tôi. Và lần trở về thăm Dục tú sau hơn 20 năm thì tôi nhận ra câu các cụ nói “núi sông còn dể đổi, bản tính khó dời “ cấm có sai...Nhưng dù sao tôi vẫn rất cảm ơn gia đình bác đã có những tháng chia cho chúng tôi một tấm phản, một góc nhà nương thân, tôi nhớ mãi tấm lòng nhân hậu của bác gái, và sự qúy mến, thân thiết của các con bác ấy dành cho tôi, trong hơn tháng sống ở nhà bác.
Khi xuống tổ 7, đầu tiên chị Mùa và tôi ở nhà bà Hai Giai – nhà bà ở tách riêng ra một khoảnh, vắng lặng, có vườn, có ao, nên có thể quây nilon để có chổ tắm ( các bạn trai không bao giờ cần có cái cảm giác là đến đâu cũng phải nhìn ngó xem - tắm ở chổ nào) Bà ít làm ruộng mà chủ yếu buôn bán gì đó, tôi thấy bà cứ đi chợ suốt. "Bà ấy rất khó tính", nhiều người làng bảo thế, nhưng tôi cũng chẳng thấy có vấn đề gì - thậm chí bà còn có vẻ qúy chúng tôi nữa, vì đôi lần đi chợ về bà còn cho qùa cơ mà, theo quan niệm của trẻ con, có qúy mới được qùa. Mãi sau nghe chị Mùa nói, không phải có phải thế không –  có lẽ không phải như tôi suy đoán mà bà ấy tốt bụng thật. Nhưng hồi đó tôi nhất quyết chuyển nhà, mặc dù kỳ thì đã tới nơi Nghĩ lại thấy buồn cười – (từ hồi quen chị Mùa đến sau này, chị ấy hai lần làm bà mối cho tôi mà không thành - đây là lần thứ nhất, còn lần thừ hai là sau khi tốt nghiệp) – chuyện thế này thôi – bà Hai Giai có một anh con trai, lúc đó đang học năm thứ ba Đại học NN. Tệ quá cố nhớ tên anh ấy mà không nhớ ra – anh ấy cứ chủ nhật là về nhà, bọn tôi thì thi thoảng chủ nhật cũng ở lại nên chạm mặt nhau, chẳng biết anh ấy nghĩ gì, nhưng tiếp xúc thì thấy cũng sáng láng và tốt bụng.  Không biết hai mẹ con anh ấy nói gì với chị Mùa rồi sau đó chị Mùa bảo tôi “V à, bà Hai Giai muốn đặt vấn đề với em cho con trai bà ấy …” Hì hì - quả này thì đúng là ngoài sức tưởng tượng của tôi và tôi nói với chị Mùa –"đi tìm nhà khác chị ạ ", và sau đó lai còn phải báo với cán bộ lớp là xin chuyển chỗ ở. Thực ra phải đi khỏi nhà bà, tôi cũng tiếc tiếc, yên tĩnh này, rộng rãi này, bà chủ tốt bụng này...

Thế rồi chúng tôi chuyển ra nhà bác Hoè, người em vợ của bác Quế - Nhà bác Hoè đông con, bừa bộn, ngay sát đường đi, không có tường bao – nhà chẳng mấy khi đóng cửa, và cái bếp + chuồng lợn, là nhà ngang – thành hình thước thợ với nhà trên. Kinh tế hơi chật vật, nhà ba gian, có cái sân gạch nhỏ, hiên nhà còn cao, nhưng hè bếp thì thấp và có một lọ tương rất to - nơi đó nắng rọi, và cả mưa cũng hắt vào được. Hai bác hơi nóng tính, bác gái thỉnh thoảng la lối mắng bọn trẻ con nhưng cực kỳ tốt bụng.
Cái phản chúng tôi nằm kê ngay sát cửa ra vào và có một chiếc cửa sổ - hai chiếc chiếu chồng lên nhau. Chị Mùa có một chiếc hòm gỗ ; tôi có một chiếc balo, chứa một bộ quần áo để thay đổi, chiếc màn cá nhân, chiếc chăn cá nhân của anh trai bộ đội cho, gia tài của năm đầu đại học có vậy thôi.
Ở nhà dân – Ăn tập thể!
Vĩ thanh : Cuộc sống của tôi ngày đó đơn giản vô cùng, bây giờ quan sát các cháu gái cùng tuổi tôi khi ấy, cố tìm một điều quen thuộc ngày xưa ... nhưng vẫn chỉ có ký ức thấp thoáng xa. Đã từng ấy năm qua rồi - mà tiếng còi của đoàn tầu chạy qua những thửa ruộng dưa chuột phía sang Cổ loa vẩn còn như đâu đây, những bông hoa sứ trắng muốt rơi vương vương trên sân chùa mãi vẫn giữ nguyên vẻ thanh khiết, mong manh ...Cái tuổi mười bảy, điều chung, tư, lớn, nhỏ cũng đơn giản như gói đồ mang gọn trong chiếc ba lô - hành trang cho đến bây giờ

19 nhận xét:

  1. Hồi ở Dục Tú cũng có Chủ Nhật tôi nấu cơm tập thể cho lớp. Bếp ở một góc sân đình nhìn từ ao làng vào thì nó bên phải nhỉ? Bây giờ nhìn từ Google Maps vẫn thấy cái ao ấy.
    Tôi nhớ có viên ma-gi ngoại vuông cỡ cm, hình như còn có cả rau khô TQ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ừ, chủ nhật thì các tổ thay nhau nấu cơm mà, à mà còn phải nắm than nữa.
      Đúng như Hữu Thành nhớ đó, cái bếp sát với cái nhà cho cấp dưỡng và quản lý ở. Cái ao làng ấy to nhỉ? (Tý tôi vào coi MAP)
      Bạn nhớ ra được 2 món nữa - tôi quên béng mất rồi đấy - giờ được nhắc mới nhớ ra cái món rau khô đó khó ăn lắm, khô xác như lá khô, chẳng nhớ vị gì, nhưng mùi cũng chẳng thơm ngpn chút nào, nhưng mà có má ăn lúc đó là tốt rồi, nhỉ? :-)

      Xóa
  2. Bạn Vinh nhớ giỏi quá.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn ND khen thế này thì chắc để cỗ vũ cho tôi, cố gắng nhớ thật nhiều nữa chứ gì?
      Giá mà ai cũng nhớ một ít, góp chung lại sẽ có một hồi ức thật phong phú đấy

      Xóa
  3. Bái phục trí nhớ của XV, kéo theo được một vài trí nhớ nữa. Tớ thì chỉ nhớ được mỗi cái nồi canh rau muống nước đen sì của bếp ăn, nhưng mà hình như khi vào bữa vẫn thấy ngon lành.
    Cơm canh vậy mà lớp ta có vẫn có được khối người tài -
    Bây giờ mỗi khi nhắc lại cái thời "khó khăn " ấy hầu hết mọi người vẫn thấy vui vui, nhớ nhớ. Hay thật.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Còn nhiều chuyện vặt nữa Vẫn nhớ TM à, nhưng chnẳg có gì dính dáng đến các kiến thức cả. Thế có tệ không cơ chứ?

      Xóa
  4. Tôi đã mấy lần đi loanh quanh qua đấy mà không sao nhận ra được nơi mình đã ở những ngày xưa ấy.Chỉ nhớ anh chủ nhà mình ở nhờ ( cùng với Xuân Miên ) tên là Khiết, đi bộ đội về. Giá mà có dịp nào về lại đấy chơi thì hay quá. Việt Thắng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không nhận được đâu VT à, à, có - tôi chỉ nhận ra mỗi cái giếng ở xóm Đông thôi - là các đây gần mười năm rồi. Giờ chắc gì đã còn cái giếng đó nữa.
      Định quay lại không? Lần tới tôi về, đi nhé

      Xóa
  5. Khi nào lớp tổ chức quay lại thăm nơi cũ thì ới mình nhé, từ hồi đó mình cũng chưa được quay lại lần nào.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Gần lắm mà, thế này nhé, chờ lúc nào tớ nghỉ phép sẽ đi, tớ rủ VT rồi, HT coi như đã rủ (hic) - vì tớ đã có lần nói với bạn ý rằng là lần sau sẽ kiếm một cái xe đạp - rồi theo đường cũ xem sao ...
      Xem trên MAP , TM thử tìm cái ảnh của đình làng Phúc hậu ý, rồi lục trong mớ xưa - coi có nhớ ra cái sân sau cổng để lấy cơm ko?

      Xóa
  6. @Việt Thắng: Bấm vào đây để xem bản đồ. Góc trái dưới là thôn Hậu (Dục Tú), chếch trên phải là Thạc Quả, cứ hướng ấy mà lên nữa là Ngọc Lôi.
    https://www.google.com/maps/@21.1228912,105.9026215,1710m/data=!3m1!1e3

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. HT ơi. Tớ chịu không nhận ra đâu với đâu. Hu hu

      Xóa
  7. @ HT, tôi vào Map xoay ngang ngửa mãi mới nhớ ra được cái hướng .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi, do hứng thú, và VT, do nhiệm vụ, đều rất quen với bản đồ. Nên có thể nhanh chóng nhận ra, nếu còn nhớ một vài điểm chuẩn. Mà dễ nhớ nhất là lần theo đường đi từ chỗ nhớ đến hết nhớ thì thôi :-)

      Xóa
    2. Buồn cười lắm - trong đầu nhớ là một chuyện, lúc coi Map, tôi cứ loay hoay mãi. Cảm ơn sư phụ, chừ thi đơn giản rồi. Hôm trước lấy điểm chuẩn là Cổ loa - cái điểm to bằng cả cái hòn núi :-), leo vào đình Dục tú, thấy lạ hơ lạ hoắc, giơ lấy điểm chuẩn là cái đường rià làng đi học, tìm ra cái vị trí của đình Phúc hậu.

      Xóa
    3. Xóm nhỏ, ngõ nhỏ, nhà trọ tôi ở đó - mà ... tìm mãi chẳng thấy đâu !!!
      Đãng êu làm sao cái tuổi rà.

      Xóa
    4. @ TM : đừng hòng tìm thấy cái xóm nhỏ, ngõ nhỏ và căn nhà nho nhỏ ... Xóm giờ phình ra theo kiểu điều kiện biên không xác định, ngõ chắc là vẫn theo hàm tuyến tính có delta x tăng đên số 8 ngang, còn nhà thì delta Y ...
      Không còn trẻ nữa thì vẫn cứ là lão đại mỹ nhân - híc .
      (Tớ chuẩn bị đi làm - chúc TM một ngày vui)

      Xóa
  8. Các bạn thật thi vị quá. Mình thì chỉ suốt ngày lo mớ rau, hòn than (có những hôm phải bới trong đống xỉ than ra hòn xỉ còn hơi đen đen để nhào lại cho đủ định mức của tháng), cơm khê, cơm nhão, lại phải lo học cho bằng mọi người trong lớp...
    Hồi mới vào học, sau khi tập quân sự (lại phải được cử lên lớp nữa chứ) được vinh dự đưa nàng BXV về Trần Phú bằng cái xe lọc cọc (mà sau này thường xuyên chở 3 chở 4 sáng sáng tờ mờ đất đi ăn mỳ không người lái ở Khu tập thể CAO-XÀ-LÁ ở Thượng đình) . Lần đầu được đến nhà nàng, ngồi nói chuyện huyên thuyên ở cạnh cái cửa sổ nhìn xuống cạnh đường tàu....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1. Ờ, qủa có thì vị và lãng mạn thực nhưng đó không phải là lãng mạn đơn thuần, mà đó chính là chủ nghĩa lạc quan, lãng mạn CM mà tôi được giáo dục đấy.
      2. là cán bộ và Đảng viên thì phải vậy là đúng rồi. Ngày đó jnhìn MD rất chi là "chú bộ đội " - chững chạc vô cùng. Và nhớ nhất là hai ống quần lúc nào cũng vo ngang bắp chân.
      3. Còn "Nàng " gì đó - lúc đó ý mà - mới chỉ vửa qua tuổi tròn trăng,Coi thì ngoan hiền, nhưng thực ra rất lém và nghịch ngầm. Khởi đầu vui thế, thế mà rồi lại đường ai nấy đi -(hic)

      Xóa

huuthanh.ng@gmail.com, binhdannin@gmail.com, xuanvinhbui08@gmail.com, vphuong_h@hotmail.com, ngaugaunguyen@yahoo.com, thanhminhle2002@yahoo.com, ntdan2005@yahoo.com.vn, vutuyen1952@yahoo.com.vn, phongtran.vc5@gmail.com, dungnm20152@gmail.com, pvbenkhtn@gmail.com, pgsts969@gmail.com, thithamvtv2@gmail.com, minhnvhut@gmail.com, vmcthy@yahoo.com, pkchi.ndn@gmail.com, phutho.hoangngocthanh@gmail.com, dshien52@yahoo.com