Thứ Tư, 9 tháng 12, 2015

Nếu bạn là Lính - Thân gửi các bạn Lính trong lớp K14 nhân ngày 22/12

Nếu bạn là lính, đối với tớ, bạn đã nghiễm nhiên sở hữu một “đẳng cấp” tinh thần cao hơn hẳn. Ngày nay người ta thường sử dụng cặp từ “đẳng cấp” bên cạnh  các đồ vật như xe cộ, túi xách, giày dép … hàng hiệu đắt tiền, tuy nhiên với thế hệ chúng mình, với lứa tuổi chúng mình thì những cái đó gần như không quá được quan tâm (nếu không muốn nói là không quá quan trọng), vì thế tớ dùng cặp từ này mỗi khi nghĩ về ý chí, nghị lực của những bạn lính. Tớ cứ nghĩ hồi bọn tớ ở lại trường tiếp tục học, cái việc học không phải lúc nào cũng thuận nhưng so với đời “lính chiến” thì có thấm tháp gì, thi hỏng có thể thi lại nhưng người lính ra trận thì chỉ có tiến mà thôi. Các bạn mình người còn người hy sinh nhưng tất cả đều hoàn thành nhiệm vụ. Với tớ tất cả các bạn lính đã sống có ý nghĩa hơn mình rất nhiều, vậy sao không thể nói là có đẳng cấp cơ chứ (!).
 Nếu bạn là lính, bạn đi đâu trong dải đất chứ S này bạn cũng sẽ chẳng ngại gì vì ở đâu Lính cũng có bạn, nếu chúng tớ có dịp đi đâu đó với các bạn lính chắc bọn tớ cũng được “ăn theo”, bọn tớ cũng sẽ chẳng phải ngại ngần gì. Các Cụ xưa đã có câu : giàu vì bạn,  nếu bạn là lính bạn sẽ là người giàu có hơn tớ rất nhiều. Tớ có cảm giác tất cả Lính đều là bạn của nhau,  bấm điện thoại “khai báo tên tuổi, phiên hiệu đơn vị…” là ra được ngay một bạn lính, còn tớ, ngần này tuổi vẫn cứ ngại cái khoản khai hết cả “lí lịch” mà bạn cũ vẫn chưa nhận ra mình, vì thế thấy cái cách mà bạn lính tìm nhau tớ  ngưỡng mộ qúa.
Nếu bạn là lính, bạn có quyền nói với các con bạn : những năm tháng trong quân đội là những năm ý nghĩa nhất đời Bố (điều này tớ ghi nhận được từ một người bạn lính của lớp mình).  Còn tớ, cuộc sống cứ tuần tự trôi, vui-buồn-được-mất có cả nhưng nghĩ đi nghĩ lại tớ cũng chẳng biết những năm ý nghĩa nhất đời mình là ở giai đoạn nào (!).
Nếu bạn là lính, bạn có quyền kể nhiều về cuộc sống của Lính (cả trong thời chiến lẫn thời bình), cái bọn ngoại đạo như tớ cứ là “mắt chữ o mồm chữ a” ngồi nghe không chán. Còn tớ nghĩ mãi mà chẳng thấy có chuyện gì đáng kể với bạn bè, chẳng thấy cái gì đáng tính là một câu chuyện. Thế mới biết đời lính phong phú, đa màu- cũng sướng có , khổ có, vui có, buồn có nhưng kể ra luôn lôi cuốn người nghe. Thế mới biết chuyện của Lính là đặc biệt (!).
Nếu bạn là lính hình như bạn giỏi đương đầu với cuộc sồng thường nhật hơn chúng tớ, chẳng là tớ thấy tất cả các bạn lính lớp mình sau chiến tranh, dẫu vẫn còn tiếp đời lính hay đã trở lại với đời thường đều tự thu xếp được cho mình và gia đình một cuộc sống ổn thỏa, chuyện này nghe thì đơn giản nhưng – như bạn cũng biết đấy- ổn thỏa được là cả một câu chuyện dài (!).
 Nếu bạn là lính một năm bạn sẽ có được một ngày trọn vẹn , cái ngày này như được chuẩn bị trước cả năm,  cái ngày này được tất cả mọi người trân trọng, biết ơn, cái ngày này các bạn lính có quyền tự hào về mình, về các đồng đội của mình. Thế mới biết được là Lính cũng là một ân huệ.
Nếu bạn là lính nhưng không được may mắn trở về có nghĩa là với chúng tớ bạn mãi mãi đang  ở tuổi thanh xuân, mãi mãi vẫn giọng nói, vẫn nụ cười, vẫn những trò tinh nghịch như hồi tụi mình còn chung lớp, chẳng có nếp nhăn, chẳng có sợi tóc bạc, cũng chẳng có những căn bệnh của người già. Nhưng nếu có một phép màu để có thể nhìn thấy nhau chắc bạn cũng vẫn nhận ra chúng tớ bởi trong câu chuyện hôm nay chẳng lần nào mà  tất cả lũ  chúng tớ không nhắc đến các bạn.
Nếu là lính chắc chắn bạn còn có nhiều điều khác nữa, những người chưa một giờ phút là lính làm sao có thể hiểu hết được, chỉ có điều là với tớ  : Nếu bạn là lính bạn đã là một anh hùng.
Lại sắp đến ngày của những Người lính (22/12) , ngoài những lời chúc thông thường, tớ chỉ mong các bạn lính của lớp mình giữ được sức khỏe để hàng năm tất cả lại được gặp nhau đông đủ, vui vẻ và ồn ào như nó vốn như vậy.


Thứ Hai, 7 tháng 12, 2015

Trang FB K14 Lý HN

Sáng nay đi viếng cụ mẹ vợ anh Mạnh Dũng, mấy bạn thắc mắc sao lập FB rồi mà không tìm ra?
Nhắc lại với các bạn là trang "K14 Lý HN" là bí mật, nghĩa là chỉ thành viên tìm ra và và xem được thôi, các bạn tìm không ra khi chưa là thành viên chính là trải nghiệm cái "bí mật" của nó.
Quy trình tìm vào Trang không phải là tìm theo tên của nó, mà làm trước hết phải kết bạn với 1 người là thành viên, rồi thành viên đó sẽ "kết nạp" bạn vào.

Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2015

Tin buồn: mẹ vợ anh Nguyễn Mạnh Dũng mất

Cụ Lương Thị Thu, mẹ chị Nguyễn Thị Nhâm (vợ anh Nguyễn Mạnh Dũng k14), mất hồi 18h35 ngày 4/12/2015, thọ 95 tuổi.
Lễ viếng từ 9h đến 11h Thứ Hai ngày 7/12/2015 tại Nhà Tang lễ BV Bạch Mai.
Hóa thân hồi 13h tại Đài Hóa thân Hoàn Vũ, HN.
Kính báo,
Nguyễn Mạnh Dũng
---------------------------
Xin báo để các bạn biết, thăm hỏi, phúng viếng, đưa tang.
Dự kiến bạn k14 vào viếng lúc 10h.

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

Thông báo: mở nhóm Facebook "K14 Lý HN"

Hôm nọ tụ tập đi viếng mẹ chị Hợp chúng tôi có nói chuyện về việc mở thêm kênh thông tin tới các bạn k14 mình. Hiện nay thông tin tới các bạn chủ yếu qua nhắn tin SMS điện thoại di động, và blog.
Điện thoại nhắn thì thường phiền hà vì vào nhiều tên/địa chỉ mất công, blog thì không gần gũi lắm và chủ yếu để tải bài vở, ảnh,...
Vậy bây giờ có thêm nhóm FB như một đầu thông tin mà nhiều bạn vẫn đang dùng. Lưu ý nhóm này được đặt là "bí mật", chỉ có thành viên nhóm là nhìn thấy nhóm và đọc viết được nội dung trong nhóm. Vì vậy đề nghị mọi người
1. Thêm các bạn k14 vào nhóm: ai là thành viên trong nhóm đều có thể thêm bạn khác vào. Lưu ý là nhóm "bí mật" nên các bạn chỉ thêm đúng bạn mình vào, đừng đưa người khác vào mà hết kín.
2. Nếu chưa có danh khoản FB thì thử mở lấy một cái và dùng danh khoản này để hoạt động trong nhóm kín, không lộ diện ra bên ngoài. Sau khi mở danh khoản thì kết bạn với một trong các bạn k14 để từ đó được thêm vào nhóm.

Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2015

Ban liên lạc K14 xin thông báo : Tang lễ Mẹ Bạn Hợp tổ chức từ 8.30 đến 10.00 ngày 17/11/2015 (tức ngày 6/10/AL) tại Nhà tang lễ số 1 Bệnh viện Bạch Mai- Hà Nội. Trận trọng mời các bạn đến viếng và chia buồn cùng Bạn Hợp.

Thứ Năm, 5 tháng 11, 2015

Nhớ Hà Nội - Một chút riêng tư muốn chia sẻ cùng bè bạn.

Thường khi nói nhớ một cái gì đó có nghĩa là nó hiện không còn ở cạnh mình, vậy mà lạ lắm, mình cứ hay nhớ Hà nội ngay cả khi đang sống giữa lòng Hà nội.
Chuyện thứ nhất : Mình nhớ cũng vào quãng này năm ngoái, mình theo học một lớp dưỡng sinh gần nhà, cứ tối tối mình đạp xe đến lớp và khoảng 9h30-10h là lại thong thả đạp xe về. Ngay tối hôm đầu tiên mình đã chợt thấy nhớ Hà Nội xưa chỉ bởi vì cái mùi hoa sữa đang tỏa ngào ngạt trên đường, cũng chẳng lạ lắm với cái hương hoa sữa này bởi nay nó chẳng còn là đặc quyền sở hữu của phố Nguyễn Du khi xưa nữa ,nhưng cái để gợi nhớ HN xưa lại chính là vào lúc đó mình đang đạp xe đạp trong không gian đêm  cuối thu ngập tràn hoa sữa trên phố HN, chắc phải đến mấy chục năm rồi mới lại có dịp như vậy, nếu đang ngồi xe máy chắc chắn sẽ không có cảm giác này.
Chuyện thứ hai : Hè năm nay tự thấy nhàn rỗi ghê gớm, mình chợt nghĩ đến việc mua sen về ướp chè, có thêm việc cho hết thời gian. Mua được mấy chục bông về mà trong nhà thấy hương thơm dễ chịu quá, mình chợt nhớ cái cảnh nhà mình hơn 50 năm về trước ở HN. Chả là Bà Nội mình nghiện chè tàu , sáng ra Bà chỉ pha một ấm chè uống chứ không cần ăn gì, mọi tiêu chuẩn chè của Bố mình hồi đó đều giành cho Bà nhưng Bà vẫn thích nhất là tự ướp chè sen để uống. Vào mùa sen Bà mình thường mua vài trăm bông, chị em mình được giao nhiệm vụ là ngồi nhặt nhưng hạt gạo trắng trong bông sen để Bà dùng ướp chè , việc này tuy có hơi tỉ mỉ một chút nhưng bọn trẻ con rất thích thú, lúc đó cánh hoa sen trải đầy nhà, cả phòng ngập trong mùi thơm của hoa sen và màu hồng của cánh sen. Hà nội những năm đó thật ấm áp , an bình. Lại chợt thấy nhớ Bà, nhớ căn buồng nhỏ trong Khu tập thể 3b Ông Ích Khiêm,  nhớ Hà Nội xưa.
Chuyện thứ ba : Dạo này người dân HN cứ sôi sục với hệ thống tàu điện trên cao, nào thi công ì ạch, nào đội vốn, nào xảy ra tai nạn, nào triển lãm tàu mẫu …Chẳng phải mình thờ ơ nhưng quả thật cứ  nhắc tới hai chữ “tàu điện” là lại cứ nhớ ngay tới cái tàu điện leng keng ngày trước, cái tàu điện có lẽ quá cổ lỗ so với công nghệ ngày nay nhưng lại cứ hồn nhiên hiện hữu trong trí nhớ của mình. Mối khoảnh khắc  nghe tiếng leng keng hồi lại là lại nhớ tới cái dáng của Bố mình chiều chủ nhật thường đèo mình ra bến tàu  Cửa Nam để vào trường ở Thượng Đình, có lần hai bố con vừa đến nơi thì tàu chạy Bố lại đạp xe đuổi theo tàu đến tận Giám mới kịp, vừa thở hổn hển vừa nhắc mình : từ từ con kẻo ngã (!). Không nhớ Hà Nội hồi ấy sao được khi mà bây giờ Bố cũng đã ở xa lắc xa lơ mà tàu điện leng keng cũng chẳng còn nữa. Cũng không biết rồi sau này được đi tàu điện trên cao ở HN cảm giác sẽ như thế nào? Thôi đành đợi vậy.
Rồi một vài câu chuyện nữa khiến cho nhiều khi rõ là đang sống giữa Thủ đô Hà Nội mà cứ cảm giác như không phải. Hà Nội đã đổi thay thì chắc chắn rồi nhưng có lẽ mình cũng đừng quá nặng lòng với quá khứ để cuộc sống hiện tại được nhẹ nhàng, thân thiện và vui vẻ hơn.

Bạn ở xa nếu có nhớ về HN thì cứ nhớ tới cái cảnh hội Bạn Già gặp nhau tay bắt mặt mừng, ai ai cũng khỏe mạnh, vui tươi, được thế là tuyệt vời lắm lắm.

Thứ Hai, 19 tháng 10, 2015

Nhan ngay phu nu VN 20/10/2015, chuc cac ban nu K14 Khoa Vat ly tre mai va luon co niem vui


Thứ Năm, 15 tháng 10, 2015

Lan man : Tháng mười ...

Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn thích đoạn thơ trong phim "bao giờ cho đến tháng mười"
...Bao giờ cho đến tháng mười
Lúa chín trên cánh đống giông bão
Ta để lại sau lưng những ngày dài mong đợi
Những mất mát hi sinh, khổ đau, chịu đựng
Khi trời thu vẫn xanh mãi trên đầu...
Chắc hẳn là thơ và phim - nhiều người sẽ cho rằng của một thời. Vâng, đấy là thời của thế hệ chúng tôi và các chị các anh hơn chúng tôi vài khóa học.
Tôi luôn nhớ ngày sơ tán khi học cấp 2, những cánh đồng lúa tháng mười rồi sau đấy là những con đường làng ngập đầy rơm vàng, những nõn rơm óng chuốt được rút ra, bện lại thành những chiếc mũ rơm. Tháng mười tiếp nối, tôi lớn dần lên, các năm học vẫn gắn liền với cảnh đồng quê - bận rộn vụ gặt mùa - để rồi sau đấy trở về thành phố vào đúng cái tuổi tròn trăng. Và giữa những khó khăn gian khổ của thời chiến tranh và sau chiến tranh, tháng mười mùa thu với trăng với gió, với những múi bưởi đào hơi chua chấm muối ớt :-) với tôi vẫn là kỷ niệm ngọt ngào...

Tôi định viết về tháng mười - nhưng dạo này được mùa bí (sắp đến ngày lễ bọn trẻ dùng bí để cắt thành đèn Halloween - ngổn ngang lăn lung tung) 






Thứ Tư, 7 tháng 10, 2015

Nhớ Vũ Mạnh Hùng

Bài nhặt từ trang Bạn Trường Trỗi, cám ơn LTM đã gợi ý:
Sắp 49 ngày anh Vũ Mạnh Hùng về cõi, tôi xin giới thiệu bài viết của anh Nguyễn Thanh Đường là người bạn gần gũi "nhân vật" từ tuổi thơ cho đến tận... về hưu. HT

Tôi với ông Vũ Mạnh Hùng (K4 Trỗi) quen nhau từ nhỏ vì hai gia đình cùng quê Hải Dương, hai ông già  cùng hoạt động và gắn bó với nhau. Chúng tôi chênh nhau một tuổi, thủa nhỏ học cùng trường và đi học cùng nhau trên phố Phan Đình Phùng HN. Đầu những năm 60 nhà ông và nhà tôi đều chuyển đi nơi khác, thỉnh thoảng chỉ còn gặp nhau khi theo bố mẹ nhà này thăm nhà kia.
Chiến tranh phá hoại xảy ra vài năm bất ngờ 1966 tôi gặp ông khi lên học tại trường VHQĐ Nguyễn Văn Trỗi ở Đại từ Thái Nguyên và sống cùng trung đội. Sao chẳng bất ngờ vì đó là trường quân đội, định hướng là nhập ngũ chiến đấu sao lại xuất hiện một ông “què”.  Tuổi trẻ lại hầu hết quen nhau nên chẳng mất nhiều thời gian  Hùng cũng hòa vào với lớp: chơi bóng bàn, qua cầu, qua suối đi ăn, đi học chẳng kém ai, rồi cùng chạy lũ trong đêm Đại Từ khi suối dâng hàng mét trong đêm. Khác biệt với bạn bè chỉ là không phải tập quân sự, không phải vào rừng lấy củi, lấy gạo, gác đêm ở tuổi 14 của học sinh Hà nội. Ông Hùng “què” mặc áo lính suốt thời tuổi trẻ, mang tâm hồn lính,  nghị lực lính “cụ Hồ” từ đó và  nghiễm nhiên rất nhiều bạn lính. Ảnh: năm đầu đại học, sau những năm trường Trỗi(?)
Bất ngờ thứ hai, sau hơn chục năm ông đi làm chúng tôi đi bộ đội mỗi đứa mỗi phương nhưng năm nào cũng gặp nhau ngày phép; bỗng một hôm ông bảo với mấy thằng bạn: chỗ tôi đang cần một ông kỹ thuật ông nào về với tôi cho vui. Năm đó 1991, mấy thằng tụi này đều diện có số có mà quân hàm 2 vạch được 4 năm lận nên ừ hữ cho qua, riêng tôi thấy đó là cơ hội. Đại hội đảng bộ binh chủng chuẩn bị cho ĐH Đảng VII, tôi làm luôn “một cú” phát biểu thẳng thắn về nguy cơ với CNXH và sự cần đổi mới thế là hai ông tướng Tư lệnh, chính uỷ lần lượt “chiến” lại tại hội trường. Không ai bắt tay, đứng cạnh ngoài một ông bạn già (ông Hồ Đắc Thuyên con cụ Hồ Đắc Di) thì thầm ông không định lên quân hàm à. Tôi cười bảo góp ý  hoàn toàn xây dựng mà. nếu tổ chức ngán thì tôi có phương án B rồi. Với không khí và sự đồn thổi sau buổi họp, tôi làm đơn xin chuyển ngành và được ký nhanh nhất (có lẽ toàn quân). Tôi về làm việc cùng ông Hùng. Chín năm ở với ông cơ quan  đầy ắp tiếng cười dù một thời gian khó.
Năm 1999, bất ngờ hai thằng bị dựng chuyện “phá hoại hệ thống tin học”  (để sếp thay đổi nhân sự cơ quan cho dễ làm ăn).  Khi đó cơ quan chuyển sang địa điểm mới, việc mua sắm, lắp đặt hệ thống mới hai thằng đều không tham gia, đột nhiên thấy bảo nó hỏng và được loan báo rằng có phá hoại của những người có nghề. “Tổ chức” phán thì ghê rồi, mời cơ quan an ninh vào, được 2 ngày tôi nhận được cú điện xin gặp của một đồng chí trung tá an ninh thuộc đoàn điều tra. Mình đến thấy bắt tay rất nhiệt tình và giới thiệu cháu là con rể ông Quì, được giao xem xét tìm nguyên nhân hư hỏng hệ thống tin học đơn vị theo yêu cầu của cơ quan. Cháu đọc hồ sơ thấy có tên chú (đối tượng cơ quan nghi ngờ) cháu ngạc nhiên quá, tìm hiểu lại đúng chắc là chú, sau khi nghiên cứu, cháu khẳng định luôn với đoàn không có chuyện phá hoại mà đây là người ta có ý đồ đưa cơ quan điều tra vào thực hiện mục đích riêng. Mình nói gọi anh thôi, cám ơn đã tin cậy và  chia sẻ 4 người người ta dựng chuyện đều là người tử tế, một vợ lính chân chất, một con liệt sỹ- đại úy chuyển ngành, tôi và ông Hùng. Thật may, ông Quì sỹ quan thông tin thế hệ già, cùng đơn vị với mình 4 năm, rất quí và luôn tin mình bởi thấy một thằng con cán bộ hiền lành và cần mẫn. Tôi biết ông quí trọng và hay nói mình như một tấm gương cho lớp trẻ nên con cháu ông biết tôi. Bọn mình được minh oan bằng văn bản và tụi mình cho qua nhưng giải mối oan trong dư luận ngành thâm tâm tôi nghĩ ngay đó là nhờ Hùng già. Thủ trưởng mà có ác ý thì thôi rồi, ít nhất không có lửa sao có khói, vài vạn người cũng dăm bảy ngàn nghi kị. Nhưng gắn việc “phá hoại” cho mấy người trong đó có ông Hùng thì chẳng ai tin. Ông ấy có mười mấy năm công tác tại cơ quan, sống  nhân hậu, chân chất không bao giờ vụ lợi lại con nhà có truyền thống thanh liêm. Tôi sống có 4 năm mà đã được nhiều người tin cậy nữa là. Nhưng sau sự kiện đó mỗi đứa đi mỗi nơi.
Thi thoảng gặp nhau sau thăm hỏi là thấy sự trăn trở của bạn già về việc đi lại (hơn 10 năm ông chuyển một phần lương mình cho cậu xe ôm đưa đón ông hàng ngày). Lúc ấy ông ấy còn sung sức nhưng bạn Trỗi lại gàn: sức khỏe mày như vậy, giao thông, đường xá, luật lệ như vậy ông tự đi xe sao nổi. Nhưng có biết đâu khi đó ông vừa đi làm vừa tìm cách lập hội. Mặc dù có ông chú “ loại to”, bạn bè cũng khá nhưng nhiều năm khát vọng của ông không được thực hiện. Ông cứ hoặc xe ôm hoặc vợ chở chạy chọt sửa nhà, lập hội Người khuyết tật (NKT). Nhiều tổ chức phi chính phủ sẵn sàng giúp NKT nhưng CP chưa sẵn sàng vì phải nhìn trước ngó sau. Xin kinh phí, đầu tư có kèm dòng phục vụ NKT thì dễ duyệt nhưng tiền chảy về NKT thì thật khó, thật từ từ. Việc lập hội cũng vậy thời đó có người nghĩ nhỡ nó bị thương phế binh lợi dụng thi sao.
Nhưng rồi một ngày đẹp trời ông và những người bạn tâm huyết của của ông cũng có giấy phép lập hội NKT. Sức khỏe ông ấy bằng 1 phần 3 mình nhưng ông ấy làm bằng ba người khỏe mạnh. Vừa việc cơ quan, vừa chăm ông già gần trăm tuổi vừa lo cái hội mới ra đời từ địa điểm, kinh phí hoạt động đến con người, bộ máy. Vậy là đùng một cái ông chạy một chiếc xe ba bánh đến với chúng tôi. Vẫn nụ cười đôn hậu nhưng thêm vẻ mãn nguyện: tôi mua xe rồi, tiện lắm. Rồi ông xin thôi làm phó GĐ để tiện hoạt động cho vai chủ tịch hội NKT Hà nội, nhưng sau sự kiện tôi đã nói ở trên họ không chấp nhận. (ảnh Hội NKT HN)
Gần ông Hùng tôi học được ông ấy nhiều điều: yêu thương con người, tận tâm công việc, chân thành trong quan hệ song vẫn bất ngờ khi ông tâm sự: gần NKT mình học được họ nhiều lắm, họ rất khó khăn nhưng nhiều nghị lực, yêu cuộc sống, yêu bạn bè và ông ấy không tiếc sức cho hội của mình dù mấy lần bạn Trỗi chửi mày hãy thương lấy thân mày, yếu lắm lại viêm gan B nặng; nhưng như nước đổ lá khoai ông vẫn lên đường nhiều thứ bảy, chủ nhật đến với những người bạn mới của ông- NKT.
Ơn trời, ông ấy làm cả ba việc đề giỏi: việc cơ quan ổn, đồng nghiệp cơ quan quí trọng (vì cơ quan quí cái tâm cái đức của ông mà Hội NKT cũng nhờ được ít nhiều); chăm cha, ông già ông thọ trên trăm tuổi; Hội NKT từ trứng nước đã thành ”sao” trong các Hội NKT cả nước với đủ các chi hội tại khắp các quận, huyện có cả quan hệ quốc tế...
Rồi ông ấy nghỉ hưu, nghỉ chân chủ tịch Hội vì đã làm 2 khóa, già rồi để anh em trẻ nó làm, nó trưởng thành. Có thời gian hơn ông luôn có mặt những dịp bạn Trỗi gặp mặt. Gặp tại Huế ông cũng vào dù sân bay Huế không có phương tiện phục vụ NKT ông đi lại rất khó, nhưng gặp nhau khuôn mặt ông cười vui rạng rỡ. Những đám hiếu của các bạn bè bao giờ ông cũng đi, khó khăn đưa chân qua chiếc xe ba bánh, hai cái nạng đưa ông chậm rãi tiễn đưa bạn chân thành.
Đùng một cái ông ấy bảo: tôi xuyên Việt đây. Cả bọn trợn mắt: bằng gì? Bằng xe ba bánh. Với ai? Một mình. Nhà mày đồng ý không? Đồng ý. Ông muốn là được, gia đình biết tính ông- ông là người dấn thân và luôn được trời phù hộ. Vài anh bạn thận trọng: tôi đi cùng ông, nhưng ông bảo: xuyên Việt tôi xác định ít nhất 20 ngày vì đến đâu mệt thì nghỉ, sức tôi không đi liên tục được. Bạn bè rụng hết, ông một mình một “ngựa” lên đường. Ông tìm hiểu trên mạng, qua bạn bè để sắp lịch sẽ đi đâu, thăm gì, gặp ai mỗi chốn.
Các bạn cứ hình dung khỏe chân, khỏe tay như mình mà đi xe máy liên tục lại thăm thú...được mấy ngày thì oải. Khởi đầu ông Hùng đi đền Trần rồi chùa Bái Đính, chùa khá cao ông nhờ người cõng vào thăm, vái. Vào quê Bác Hồ nơi hàng triệu người ta, tây thăm viếng ông xúc động nhưng buồn vì một điểm như vậy không có lối đi lại cho NKT.
Ông phi xe qua đèo Hải Vân, ngồi trên đỉnh đèo thư thái hút thuốc đến khách du lịch Tây đi qua cũng phái cúi chào và bấm máy. Một mình nhưng ông thăm đủ “Các cô gái ngã ba Đồng lộc”, Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Thành cổ Quảng Trị ông thắp hương cho các liệt sỹ trong đó có những người bạn của minh. Ông đến nhiều danh lam như Lăng cô, Huế, Đà nẵng, Hội an,Thánh địa Mĩ Sơn, Bình định, Mũi né, Vũng tàu rồi Sài gòn trong vòng tay bè bạn. Nể trọng ông một trong những người bạn ở Đà nẵng đưa xe ông đi duy tu, thay lốp cho cuộc hành trình được an toàn.
Chi tiết thì nhiều và đẹp nhưng có chi tiết bất ngờ khiến những người như tôi day dứt. Khi đến Vũng Tàu ông ghé thăm thày Phạm Hồng Tuyến, giáo viên dạy nhạc của Trường Trỗi, nhạc sỹ đã sáng tác bài Trường ca Nguyễn Văn Trỗi. Ông Hùng trân trọng Người Thày đã để lại dấu ấn quan trọng khiến học sinh trường Trỗi gắn kết với nhau. Trò liệt chân ngồi xe bấm chuông thăm thày mà thày ốm, thày trò tán chuyện qua cửa vì vợ thày vắng nhà chưa về nên không có chìa khóa. Tôi không nghĩ đó là một điểm đến trong lịch trình dài của ông.
Tôi còn ân hận vì khi ông cùng mấy thằng bạn bay vào Côn Đảo- địa ngục trần gian nơi giam giữ nhiều anh hùng, liệt sỹ trong đó không ít phụ huynh bạn hữu của ông. Vì tôi đã đến Côn đảo mấy năm trước, tỏ ra thành thạo tôi bảo các ông nên nghỉ ở khách sạn Công đoàn -  tôi yêu giai cấp mà. Nghỉ được ngày bạn bè tôi bật khỏi Khách sạn đến nghỉ ở ở nhà nghỉ của công an vì không chịu được đời sống cao của giai cấp. Họ đi du lịch bình dân mà quên mất KS Công đoàn còn có tên khác là Resort Condao, thật chết vì tin bạn. (Ảnh: xem thêm bài của anh Tương Lai)
Trong chuyến xuyên Việt của mình, tại mỗi địa phương ông thăm bạn Trỗi, đồng nghiệp và không quên tới thăm các bạn NKT tại các tỉnh thành mà ông có dịp gặp gỡ, làm việc; nơi tiếp nhau thắm đượm tình người. (sơ đồ các chặng đi)
Xuyên Việt của ông thành công, chẳng còn lời ái ngại mà nhiều tuần bạn bè khi nói đến ông đều trầm trồ, thán phục: ôi bác Mai sỹ ( tên lính Trỗi vẫn gọi ông như vậy) tuyệt vời, hội “phượt”  nhà ta xách dép. Nhiều người chờ ký sự xuyên Việt của một NKT với những chia sẻ của ông về tình yêu đất nước, bạn bè. (xem thêm những lời kể của Anh hùng Xuyên Việt)
Bất ngờ cuối ông để lại cho anh em thì buồn, đó là sự ra đi của ông. Có lẽ sức  người có hạn mà những việc chính ông đã hoàn thành. Ông trọn đạo hiếu với người cha trăm tuổi, sửa xong cái nhà khang trang cho vợ con dù nhiều tháng ngày khó khăn, vất vả; cái hội NKT mà ông và bạn hữu tâm huyết dựng xây đã thành thương hiệu, là mái nhà thân yêu cho NKT Hà nội. Trời đưa ông đi. Ông phát bệnh và ra đi rất nhanh. Với các chỉ số bệnh tình, ông không muốn mọi người đến thăm nhìn thấy sự đau yếu của mình, ông lo dặn dò những việc phải làm khi ông đi. Đám tang ông nhiều người rơi nước mắt, không nhiều vòng hoa vì ý nguyện ông là vậy nhưng thấm đẫm tình người. Nhiều người khóc trước sự sẻ chia của những NKT đến với ông chân thành như người ruột thịt. Bài thơ tạm biệt Hội của anh VMH, "hai câu cuối do các cháu ở Hội thêm vào cho đỡ buồn", ảnh do gia đình gửi.
 Tưởng hiểu ông nhưng tôi vẫn bất ngờ khi biết theo ý nguyện của ông, gia đình đã chuyển hơn 200 triệu tiền phúng viếng, 2 chiếc xe ba bánh ông vẫn đi cho Hội NKT Hà nội hy vọng tạo được một quĩ khuyến khích NKT sáng tạo vượt khó, làm giàu.
Tôi nghĩ biết đâu sẽ còn một bất ngờ khác ông đem đến cho bạn bè. Nếu có chắc rằng đó là điều tốt đẹp cho mọi người, cho cuộc sống.

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2015

Lan man : Tầu điện Hà nội ...

Thành phố nơi tôi đang sống, Nice - bắt đầu mở rộng phương tiện giao thông bằng tầu điện - phía trung tâm đã làm cách đây 5 năm, với mục đích giảm bớt lượng xe trên phố. Mà đúng là giảm thật, vì - trong các đường có tầu thì không có hoặc rất ít xe ô tô - phố rất thoáng và rất sạch sẽ. Nhìn các bản đồ quy hoạch và quan sát từng bước họ làm - những gì về dự án, thiết kế và kinh phí tôi không đề cập ở đây - chỉ biết rằng tiền thành phố có là từ thuế ở và thuế đất. Tôi chỉ khâm phục các bước thi công của họ - chuyển cây, phân lại làn đường, ngăn đường - rồi đào đường - ngăn nắp và rất sạch sẽ. Các phố sẽ đặt đường tầu vẫn một nửa là công trường nhưng giao thông vẫn thông - tuy có lúc cũng hơi đi loanh quanh, và chậm hơn bình thường. Trên đường, tôi lại nghĩ về cái sự ùn tắc của khắp các nẻo phố đường Hà nội và tự nhiên nhớ đến tầu điện Hà nội xưa.

Đôi dòng về tầu điện, viết lâu lâu rồi - ai không ngán lan man thì đọc nhé (hic)


Đêm về sáng
     hàng cây mơ màng...
Phố chìm trong giấc ngủ yên.
Lấp loáng ánh đèn
Chuyến tầu điện đầu tiên
       leng keng trên đường vắng.

Những hàng cây ngái ngủ,
Cựa mình đón bình minh
      cùng tiếng còi vào ca,
                            vang xa,
       giữa bầu trời im ắng.
Tiếng chuông rung ...
  chìm vào không gian tĩnh lặng.

Hà nội bắt đầu một ngày bình thường,
     những năm trước chiến tranh.

Những chuyến tầu dừng, rồi lại hối hả chạy nhanh
Nối làng quê, với ba mươi sáu phố
Ô Đống mác tới đường Yên phụ
Hàng Bài, phố Huế chợ Đồng xuân
Năm cửa ô về bờ hồ trung tâm
Qua Văn Miếu rẽ đi Hà Đông, cầu Giấy.

Mang hương sắc quê, mát trong dòng sông chảy
Mùa vàng tháng mười - rơm trải đường thơm
Những gánh rau tươi kĩu kịt vào phố phường
Chen cùng sen hồ Tây, huệ Ngọc hà thơm ngát ...

Người xuống, lên - bao lượt
Những bến đỗ - tiếp nhau
Dòng người giản dị,
   quần áo ít sắc mầu
   còn loang vết mồ hôi, nhưng không lam lũ.

Nhỏ nhẹ câu chào - nếp ngày xưa cũ
Rất quê - trong con mắt người Hà nội nay.
Một Hà nôi khác hẳn Hà nội giờ đây.
Hà nội ấy là của một thời em nhớ.

...
Bao năm rồi,
Không còn tiếng chuông
Len giữa con đường thân quen
Gần gũi...

Mỗi khi em nhớ về Hà nội
Lại nhớ
   chuyến tầu điện ngược xuội.
...

Hoà vào dòng đời
    Chở gió hồ Gươm
                bốn mùa vui .

Một kỷ niệm Hà nội chưa xưa,
                                mất lâu rồi.

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2015

49 ngày mất của anh Vũ Mạnh Hùng

Hôm nay là 1/10, còn một tuần nữa là 9/10 là 49 ngày Vũ Mạnh Hùng về cõi ông bà tổ tiên.
Cô Thùy Hương vợ Vũ Hùng muốn mời các bạn bè thân thiết của Anh dự lễ 49 ngày theo truyền thống, cũng là mong mỏi của gia đình.
Hiềm vì nhà cửa chật chội, điều kiện không thể tổ chức cuộc gặp đồng thời cả bạn bè với cả gia đình và đại diện của hai tổ chức gắn bó với Anh là cơ quan Ngân hàng và Hội Người Khuyết tật HN.

Vậy nên hai mẹ con cô Thùy Hương và cháu Mạnh Kiên mong muốn được gặp các bạn thân thiết của Anh (bạn Trỗi và ĐHTH) vào 18h chiều Thứ Năm tuần sau, ngày 8/10/2015, tại Nhà hàng Vườn Treo Pacific 281 Đội Cấn, Hà Nội; cũng là địa điểm mà Anh đã nhiều lần gặp chúng ta.

Được sự ủy nhiệm của gia đình anh Vũ Mạnh Hùng tôi xin được thông báo để các bạn được biết.
Các bạn đến nhà thắp hương tưởng nhớ Vũ Hùng như bình thường, vào các ngày 8 hoặc 9/10 đều được.

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

Tên các bạn trongt ảnh nhập ngũ 6.9.1971

Ảnh gia đình và bàn thờ Dũng

Đôi điều về bạn Dũng

ĐÔI ĐIỀU VỀ NGỪƠI BẠN ĐỒNG NIÊN K14 KHOA VẬT LÝ ĐẠI HỌC TỔNG HƠP HÀ NỘI VÀ ĐỒNG NGŨ (6.9.1971) ĐÃ MẤT (Bạn Hoàng chí Dũng) Bạn Hoàng chí Dũng quê gốc ở Vĩnh Linh Quảng Trị, học lớp B K14 Khoa Vật lý Đại Học Tổng hợp Hà Nội, học lên đến năm thứ 2, mặc dù bố bạn Dũng lúc đó là Bộ đội đang chiến đấu ở chiến trường, nhưng Bạn Dũng vẫn tình nguyện xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ. Đợt nhập ngũ ngày 6.9.1971 hầu hết sinh viên các trường đại học ở Hà Nội đều về sư đoàn 325 (Lớp B K14 khoa lý chúng tôi có 13 người). Về tuổi đời, số sinh viên nhập ngũ đợt 6.9.1971, đa phần sinh năm 1951, nên chúng tôi hay đùa là thuộc lớp người “mãi mãi tuổi 20”, vì lúc đó nếu chúng tôi có hy sinh trên chiến trường thì hầu hết là 20 tuổi, mà khi người ta đã mất thì sẽ trẻ mãi với tuổi của mình. Sau khi hết 3 tháng huấn luyện tân binh, chúng tôi được điều động về các đơn vị trong toàn quân: phòng không, thiết giáp, thông tin, biên phòng...nhưng hầu hết ở lại bộ binh và vào chiến đấu ở chiến trường Quảng trị (Bạn Dũng là một trong số các bạn ở lại bộ binh). Sau giải phóng miền Nam 1975, đại đa số sinh viên nhập ngũ còn sống trở lại trường tiếp tục học tập (Bạn Dũng là một trong số các bạn SV trở về trường cũ). Tổt nghiệp Tổng hợp Lý, Dũng về dạy ở Đại Học Nông nghiệp Hà Nội, và xây dựng gia đình. Vợ Dũng chính là người ở thôn Dục Tú -Đông Anh Hà Nội (nơi lớp B K14 sơ tán năm 1969 khi mới nhập học), có lẽ đây là mối tình đẹp và thủy chung của anh sinh viên khoa lý chúng tôi với cô thôn nữ nơi sơ tán thời chiến tranh, bởi vì khi chúng tôi nhập ngũ về đa số là: “Gác lại mọi mối tình ở phía sau...” . Sau một thời gian công tác do yêu cầu của gia đình, Dũng chuyển về công tác tại Sở KH-CN-MT Thành phố Đà Nẵng cho đến khi nghỉ hưu. Hiện nay gia đình Dũng ở tại số nhà 36 Phố Huỳnh Mẫn Đạt - TP Đà Nẵng. Dũng có con gái đầu là Hoàng Thị Hải Yến, đã có gia đình và hiện đang sống tại Khu Đô thị Việt Hưng - Gia Lâm Hà Nội (số điện thoại: 0978822203); con trai là Hoàng chí Tâm (số điện thoại: 0995.866388) đã xây dựng gia đình và có một cháu trai, hiện đang sống cùng với mẹ. Sơ qua về gia cảnh bạn Dũng như vậy, để các bạn biết được, điều tôi muốn nói nhiều hơn là những suy nghĩ về tình bạn bè, tình đồng chí. Quả thật, từ cuối năm 1971 sau khi chia tay, chúng tôi rất ít thông tin về nhau, vì ngày xưa làm gì có mạng, có di động như bây giờ đâu, lá thư gửi cho nhau có khi cả năm mới tới nơi, thậm chí khi thư tới nơi thì bạn đã hy sinh rồi, chiến tranh là như vậy mà. Sau chiến tranh, mỗi người mỗi hoàn cảnh; thời bao cấp với bao nỗi lo toan để tồn tại, nên cũng ít thông tin cho nhau. Thật sự bạn bè K14 ở khu vực Hà Nội gặp nhau được nhiều hơn từ những năm đầu 90, còn các bạn ở xa như Dũng rất ít thông tin về nhau. Vì vậy, khi Dũng bị bệnh nặng ra bệnh viện 108 điều trị bạn bè cũng không ai biết. Theo như Hằng (vợ Dũng) kể lại, Dũng bị ung thư phổi, điều trị tại BV108 Hà Nội không có kết quả, gia đình quyết định đưa về Đà Nẵng và mất ở Đà Nẵng vào ngày 20/12/2014 (tức ngày 29/10 / AL), hiện an táng tại nghĩ trang Thành phố Đà Nẵng. Chắc các bạn còn nhớ, hôm gặp mặt lớp đầu năm (4/2015), có người nói bạn Dũng đã mất, nhưng không ai rõ cụ thể thể nào? gia đình ở đâu?. Khi nghe tin đó tôi thực sự buồn, vì tôi và Dũng thời chưa đi bộ đội cũng có nhiều kỷ niệm, và định bụng nếu có dịp vào Đà Nẵng nhất định sẽ tìm đến thắp cho bạn nén hương. Cũng may cho tôi lần này vào Đà Nẵng nhờ bạn Phong (Phong + Trò) tìm được số điện thoại của em ruột Dũng, qua đó tôi mới biết được địa chỉ của nhà Dũng. Tôi đến nhà gặp được vợ Dũng, và nói “Thay mặt các bạn K14 thắp hương cho Dũng và xin chụp ảnh bàn thờ của Dũng” , đồng thời trao cho gia đình bức ảnh 13 anh em chúng tôi mới nhập ngũ 1 tháng tại Sở Thượng -Thanh Trì - Hà Nội trước khi lên Yên Thế để huấn luyện (Ảnh do Vinh tải trên mạng về , tôi bổ sung cho đầy đủ tên các bạn và in tại Đà Nẵng). Thấy bạn cũ đến thắp hương cho chồng, vợ Dũng chỉ khóc và rất buồn vì trước khi mất, Dũng không dặn dò gì? gia đình và cũng không kể nhiều về bạn bè thời đại học và nhập ngũ. Tôi cũng thấy buồn và chẳng biết nói gì hơn là mong gia đình thông cảm cho anh em chúng tôi rất ít thông tin về nhau. Ra về đạt được tâm nguyện thắp cho bạn được nén hương sau hơn 10 tháng đã mất, nhưng trong lòng thực sự buồn phiền và cảm thấy cuộc đời mỗi con người chúng ta thật ngắn ngủi, không ai nói trước được bất cứ điều gì? Đôi điều về người bạn đồng niên, đồng ngũ đã mất như vậy, cầu mong bạn nơi suối vàng thanh thản và cảm thông cho những người còn sống.

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Lan man : Cũ - Mới / Xoá - Giữ


Hôm qua được nửa ngày nghỉ bù – cái tính ham vui bạn bè, lại có điện thoại có thể tám giữa hai nửa bán cầu – thế là tận dụng, Điện thoại đường xa mà chất lượng rất khá, chỉ có một đôi lần tự dưng mất hút - do cái lồng Faraday, rồi có lúc lại thầm thì - không phải do tai điếc - chắc là do "sóng mang bị biến điệu - hì hì " (tôi vốn học truyền sóng, nhưng chữ thầy trả thầy từ rất là lâu rồi - giờ chỉ toàn nói nhăng cho vui). Sau vài lần chuyển đổi mạng rồi thì cũng yên "Ai bảo có nhiều - nhiều khổ thế đấy - hic " - và chủ đề thì cứ thoắt đông thoắt tây, ..

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015

Ảnh các bạn bộ đội trên DopePicz

Lang thang trên NET thấy lại chiếc ảnh của các bạn cùng khóa trên một trang Web lạ hơ lạ hoắc - DopePicz, lại rinh về :-). (Ảnh này Hữu Thành đã đăng trong bài "Những người bạn còn - mất ")

 


Đường dẫn là Đường dẫn
Hay gõ trong tìm kiếm của google " k14dhthhn", kết qủa sẽ chỉ ra đường dẫn này trong danh sách


Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2015

Tin thêm về "sổ hưu"

Là nói đùa vậy, bạn mình bây giờ ai chả có "sổ hưu", nhưng mà là nói tiếp chuyện "sở hữu" đã nói trước.
Ngay bài "nạp sở hữu miễn phí" để kích bạn vào mạng giao lưu, thì LTM đã thông báo có một máy "kỷ niệm về hưu" mua bằng tiền "đời công chức", nay sẵn sàng biếu tặng để thực hiện. Vậy là hiện thực.
Nhưng chờ mãi, máy cho thì có mà người nhận lại... không. Rồi một anh bạn Trỗi của tôi trong SG, người đã từng được nhận "sở hữu", gọi điện nói "kiếm cho một cái máy để thằng Tấn Mỹ nó khỏi phải ra quán net". Tấn Mỹ cũng là một bạn Trỗi mà tôi vừa gặp trong chuyến Quảng Ngãi tháng 6. 
Vậy là "đề xuất" được LTM duyệt, hôm qua tôi đã rinh máy về nhà.
Khám sơ thì "con" máy này hơi cổ một tí, gần 10 năm. Màn hình tỉ lệ 4:3, CPU PentiumM, RAM 512MB, ổ cứng 60GB, hệ điều hành nguyên bản Windows XP, là những thông số xác định cổ thật chứ không giả :-)
Nhưng mà hỏng chính để bị "loại ngũ" là cơ khí, bản lề không giữ màn hình tự đứng, mà cứ ngã ngửa ra sau, hoặc úp lại phía trước. Tôi đã khắc phục bằng cách dán hai băng keo kiểu "dây văng" hai bên để có một vị trí ngửa ra khả dĩ nhất, như trong ảnh.
Máy đã được tôi cài đặt lại hoàn toàn, đảm bảo xóa sạch dấu vết của chủ cũ. Bây giờ nó chạy hệ điều hành Linux Ubuntu 12.04, đủ mới và đủ yếu(?) với máy cũ.
Tóm lại là vẫn cần ấn F2 khi khởi động để cho qua "cái gì bên trong" (có thể là máy không lắp pin vì pin hỏng lâu rồi), thì máy làm việc, phục vụ vào mạng bình thường; với cái bàn phím không tin cậy lắm có thể vì lâu không dùng nên thỉnh thoảng dở chứng mất chữ, có thể khắc phục bằng bàn phím ngoài.
Xin báo với các bạn là như thế để... vui chung :-D

Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

Tản mạn :Nice, đôi điều nơi tôi đang sống



Người cùng thời – cùng khóa, cùng thành phố, cùng quê hương ..., nhưng mỗi chúng ta đều có cuộc đời rất khác nhau, từ những chuyện thường ngày trong nhà, ngoài ngõ, từ nơi ăn chốn ở, việc làm đến những quan hệ khác.
Hà nội là thành phố gắn bó với tuổi thơ của tôi, nhưng quen thuộc với các bạn và gần với các bạn hơn tôi nhiều.
Nice – thành phố nơi tôi đang sống và làm việc, cũng gần gũi nhưng ít gắn bó. Đây là đất nước người.
                                                (Điạ Trung Hải - sớm 06/09 - nhìn từ Nice)

(Thêm một chiếc lá bay sân chùa – chia sẻ với các bạn đôi điều )
                                     (đường bờ biển sớm 06/09)

Nice - theo từ Hy lạp cổ đại " người làm nên chiến thắng " - qui donne la victoire .

Cho dù đời sống đã xuống cấp rất nhiều theo xu hướng chung cuả kinh tế Pháp – thì cũng phải khách quan mà thừa nhận rằng – Nice là một thành phố đẹp, thoáng đãng. Có biển Điạ Trung Hải gần như 300 ngày trong năm phản chiếu mầu xanh tuyệt đẹp của trời xanh, nước mặn, sâu và rất trong, bãi biển thường là đá cuội, muốn có bãi tắm bằng cát thì thành phố phải kè biển rồi mua cát đổ xuống. Thành phố tựa lưng vào Alpes, dẫy núi có những đỉnh tuyết trắng suốt 4 mùa.
Dân Nice rất ít gốc Pháp, người Nice gốc gác chủ yếu chung gốc Địa Trung hải với các nước lân cận, như Ý, Tây ban nha, và rất nhiều từ phía bên kia bờ Bắc phi đến, nên tính cách khá ồn ào – tính cách của dân vùng xứ nóng, xã giao và ít trầm lắng hơn dân vùng khác – (có lẽ là do du lịch nhiều)
Theo thời gian, người Pháp gốc Pháp dần rút về sau núi và vùng đồng quê. Thành phố - khu nhà biệt thư dành cho nhà giàu như St Jean Cap Ferrat thì người giầu mới nổi ở Nga chiếm chổ dần. Thu nhập bình quân của người Pháp theo thống kê của INSEE là khoảng 1800 Euros/tháng. Từ sau khi đổi tiền thành Euros - mức sống cứ dần dần tự nhiên giảm đi, do giá cả cứ lặng lẽ âm thầm tăng và thuế tăng rất nhanh…Và thất nghiệp cũng mỗi năm một tăng, người vô gia cư tăng cùng với người “lưu động“ (Digan - Rom) - từ ngày biên giới mở thì họ cứ tự nhiên vào. Cái nạn người “lưu động” này làm các thành phố như Nice, St Laurent du Var, Menton … tốn rất nhiều tiền.  Vì để trục xuất mỗi người, thành phố trả cho họ khoảng 750 Euros, nhưng chỉ 6 tháng sau họ lại trở lại – qủa là một NẠN.

Một ví dụ khác về chi tiêu khá mạnh tay để đảm bảo vệ sinh môi trường -  Nice có 4,5 km đường bờ biển, vào mùa du lịch - để giữ sạch cho bãi biển, mỗi sáng có ít nhất 15 nhân viên của Cty vệ sinh môi trường bắt đâu làm từ rất sớm; trên bãi biển có rất nhiều thùng đựng rác - và trong ngày họ đến thay vài ba lần. Cần mẫn, tôi không hiểu mức lương là bao - chắc hơn lương thất nghiệp - lương thất nghiệp của Pháp là 9,50 Euros/giờ .
Hàng tuần, xe rửa đường phố vỉa hè đi phun nước rửa từ vỉa hè xuống lòng đường, Hàng sáng công nhân vệ sinh đi hốt rác, lá lảu, chai bia, vỏ hộp, đầu thuốc lá ... Họ hốt vào xe chứ không tấp xuống cống, hay vào các góc đường khuất ... Thế mà dù ở cạnh biển, cạnh sông, hệ thống cống ngầm được quy hoạch tốt, nhưng tháng 11/2014 - rất nhiều phố của Nice cũng bị ngập úng trong vòng 2 giờ, nước bắt đầu dâng sau khi mưa 20 phút và tới khi tạnh (có khi đây là hiện tượng trong vấn đề thay đổi khí hậu toàn cầu -:))
Tôi không biết cụ thể nhiều về chính sách, nhưng chỉ biết rằng mỗi năm - thuế thu nhập tăng. Theo đó thuế ở, thuế nhà tăng, tỷ lệ tuỳ theo từng khu vực - nhưng dường như không ai có thể trốn được và thành phố sử dụng khá khá vào việc đảm bảo vệ sinh và an toàn
Và dịp Noel - những năm gần đây, thành phố giảm rất nhiều những đèn hoa công cộng, chỉ còn các cửa hàng tư nhân thì đấy là tiền của tư nhân, còn quốc khánh thì gần như không có trang hoàng gì cả....Nghĩa là họ rất tính toán và khá tằn tiện

Bên cạnh đó còn vấn đề tôn giáo – Pháp vốn theo đạo Thiên chúa, nhưng bởi “Tự do, Bình đẳng, Bác ái “ nên càng ngày càng có nhiều vấn đề nan giải. ...

Giờ thì chuyển chủ đề chút  - cái ảnh sau đây là tôi đứng từ cửa sổ phòng làm việc chụp xuống sân bên trái toà nhà của công ty.

                                                        ( từ cửa sổ phòng làm việc)
Ở đây, nơi tôi làm gần như không có người nước ngoài.
Phong cách sống – nhìn thoáng đôi khi cũng nhận ra xuất xứ của họ (hic) Đôi lúc nhớ đến những truyện ngắn của các nhà văn viết về những người lính lê dương sang xâm chiếm Việt nam ngày xưa – thì thấy đó cũng như là điều tự nhiên. Cũng có những người đi lính vì lý tưởng, cũng có những bác sĩ, nhà văn, nhà kỹ thuật  - có không ít người rất nhân văn. Nhưng lính đánh nhau hồi ấy chủ yếu người thất nghiệp hay đầu trộm đuội cướp đi lính hay bị đi lính – để có tiền nuôi gia đình. Trong số họ - có những người tốt, cũng hiền lương nhưng hoàn cảnh xô đầy, và cũng có không ít lưu manh. Mà lưu manh thì ở đâu, mầu da gì, chủng loại nào cũng là lưu manh …

Thế hệ già, có thể có những bảo thủ nhưng hình như họ vẫn còn giữ được nếp văn minh – có vẻ càng ngày thì sự văn minh ấy nó cũng giảm đi ở thế hệ trẻ. Chúng ích kỷ hơn, cực đoan hơn – và đôi khi tự tin thái quá thành ra thiếu lễ độ và trở nên ngạo mạn, Khá nhiều lần ở sân bay hay hiệu ăn - tôi lại nhận thấy nhiều người Pháp hay khoa trương, “nổ “ như pháo , già cũng như trẻ -:)
Trong đời sống và trong việc làm câu "thùng rỗng kêu to" ở đâu cũng đúng - nhiều khi mệt đầu về sự ồn ào đó quá :-( ,  rồi lại thấy "...không được việc, lại hay nỏ mồm " nữa (nửa câu này là lấy từ câu các cụ ta ngày xưa khinh phái nữ, nhưng thời hiện đại này tôi ghép vào cho cả 3 giới :-) :-)
Nhưng họ là họ, mình là mình – tôn trọng nhau - cuộc sống bình bình an an – đơn giản vậy thôi


Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

Vì sức khỏe là số 1

      Đọc mấy dòng chia sẻ cảm xúc sau khi gặp lại bạn cũ nhân dịp ra HN dự lễ tang anh Vũ Mạnh Hùng  của bạn Đinh Sĩ Hiền mình thực sự ấn tượng và  tán đồng  với mấy chữ cuối “Vì sức khỏe là số 1”.
     Cái điều luôn được nhắc nhở có vẻ như một khẩu hiệu đối với những người cao tuổi  nhưng dường như hay bị “quên” nhất trong nhiều thứ hay bị quên khác xảy ra hàng ngày.
    Cứ thử ngẫm một chút, giờ đây mỗi khi anh chị em. bạn bè  thân thiết gặp nhau , đồng hành cùng nụ cười và cái bắt tay ban đầu bao giờ cũng là câu “có khỏe không” - mặc dù biết rằng gặp lại được nhau cũng đã là một phần của câu trả lời rồi. Câu chuyện của chúng ta mỗi lúc tiếp sau sẽ mở ra : có thể lại là những ký ức xưa được nhắc đi nhắc lại, những hoàn cảnh hiện tại của từng người : chuyện công việc, chuyện cha mẹ già, chuyện vợ chồng, con cháu….nhưng rồi loanh quanh lại quay lại với chuyện sức khỏe của mỗi người, ai cũng luôn nhắc nhở ai phải giữ gìn sức khỏe vì “sức khỏe là số 1”, rồi chia tay nhau cũng vẫn là câu “giữ gìn sức khỏe nhé”…, có vẻ như “sức khỏe” mới chính là người bạn thân thiết nhất của ta.

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

GẶP LẠI BẠN CŨ NHÂN VIẾNG VŨ MẠNH HÙNG

(Bài anh Đinh Sĩ Hiền nhờ tôi đăng; Hữu Thành)

Sau khi nhận được tin anh Vũ Mạnh Hùng mất qua Hương vợ anh, tôi lấy vé máy bay đi Hà nội để cho kịp viếng anh. Vào blog của Hữu Thành bạn cũ Vật lý K14 thì nhận được thông tin đầy đủ hơn về lễ viếng. Bạn bè cứ khen blog của Hữu Thành, ở xa như mình mới thấy giá trị kết nối bạn bè, sự quý giá về mặt thông tin của blog bạn cũ Vật lý K14.
Người đầu tiên đón tôi tại sân bay Nội bài là Suy, bạn ở Vĩnh yên nên đem xe ra đón tôi, bốn mốt năm rồi từ khi tốt nghiệp Khoa Vật lý ĐHTH Hà nội, chúng tôi vẫn nhận ra nhau dễ dàng. Trên đường về Hà nội, qua câu chuyện mới biết Suy có ba người con: hai gái một trai, các cháu đều có công ăn việc làm tốt và thành đạt, Suy được xếp vào số các bạn học cũ khổ trước sướng sau.
Người thứ 2 tôi gặp là Bích Ngọc, chúng tôi vẫn gọi là chị Ngọc, vì chị trông già dặn hơn các bạn cùng trang lứa, chị hiện ở khu tập thể của ĐH Giao thông vận tải. Sau đó, chúng tôi gặp Liễu, Huê Trò, Hợp. Trên đường đến nhà riêng viếng anh Vũ Mạnh Hùng tại 14 Lê Phụng Hiểu, Chị Ngọc có đưa ảnh bạn cũ K14 Vật lý cho tôi xem, tôi rất tự hào nhận ra khoảng 90% các bạn cũ, chỉ riêng Lợi thì bó tay vì cách đây 41 năm Lợi dong dỏng cao chứ không như bây giờ. Sau đó, tại cổng nhà anh Hùng, chúng tôi gặp lại Nguyễn Quốc Hội, đi xe máy đến, Hữu Thành, Hiệp, Trọng Trang, Hiển tạo thành đoàn K14 Vật lý đến chia buồn tại nhà riêng anh Vũ Mạnh Hùng. Tôi vẫn có thói quen chụp ảnh các sự kiện, song lúc đó không biết thế nào mà quên kh6ng chụp được bức ảnh nào trong lúc chia buồn tại nhà riêng Vũ Mạnh Hùng.

Ảnh 1: Gặp mặt tại quán Hải Xồm (Tăng Bạt Hổ) sau 41 năm: (từ phải sang trái) Hữu Thành, Hiệp, Hiền, Liễu, Hợp, Suy, Trò, Bích Ngọc, Quốc Hội, Trọng Trang, Hiển.

Sau khi chia buồn với gia đình anh Vũ Mạnh Hùng xong, tôi và các bạn gặp nhau ở quán Hải Xồm (ảnh 1), với lý do là nhận chức danh GS để các bạn dễ chấp nhận, chứ thực ra tôi nhận chức danh vào năm 2013, cũng đã lâu rồi. Trong buổi họp mặt đó, Hữu Thành có phát hiện quan trọng về “Chị Hiệp”, về tuổi tác thì chúng tôi ngang tuổi nhau cùng sinh năm 1952, nhưng Hiệp hồi đó trông phương phi hơn chúng tôi và nghiễm nhiên được tôn là “Chị” mà sau này không có một lời đính chính nào! Cuộc gặp mặt theo tôi là khá ân tượng. Chúng tôi có khá nhiều thời gian để chuyện trò, vì 41 năm rồi còn gì sau khi tốt nghiệp năm 1974 nhiều bạn trong chúng tôi không gặp nhau. Như tôi chẳng hạn, sau khi tốt nghiệp, tôi về Bộ Nôi vụ làm việc 4 năm, về Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà lạt làm việc, sau đó đến năm 2001 chuyển về làm việc tại Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM (DHQG HCM) cho đến nay.

Ãnh 2: Buổi họp mặt sau 41 năm tại Hà nội.

Kết thúc cuộc gặp mặt, nhóm chúng chúng tôi chia tay nhau, một số trong chúng tôi đi xe của Suy đến thăm Trâm ở Âu cơ (Ảnh 2). Các bạn cũ K14 Vật lý thử đoán xem thời gian đã “làm tàn phai nhan sắc” chúng tôi mức nào nhé!

Ảnh 3: Tại nhà Trâm, ở Âu Cơ, từ trái sang phải: Trâm, Bích Ngọc, Trò, Huê, Liễu, Suy, Hợp, Hiền.

Tôi viết mây lời tản mạn để ghi lại chuyến đi rất ấn tượng này gửi các bạn cũ K14 Vật lý, chúc các bạn mạnh khỏe, “Vì sức khỏe là số 1”.