Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

Ảnh họp lớp cách đây 3 năm

Có vài bức hình chụp họp lớp ở bánh Tôm hồ Tây cách đây vài năm (vào Tết đầu năm 2007)



Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2010

Năm thứ 2 -1970-1971: Phòng nữ ở ký túc xá Thượng đình

Hết năm thứ nhất, cả k14 chuyển về Hà nội, ở Thượng đình
Nhà ở trong khu ký túc, các phòng khá giống nhau cửa sổ nhìn xuống khoảng đất trống giữa hai nhà ở của sinh viên, giường sắt hai tầng, và chỉ có thế.


Bọn nữ K14 được bốn phòng ở tầng hai - lớp B có hai phòng - một ở đầu nhà và một ở phía rẽ bên kia cầu thang gần cái nhà tắm bỏ trống (vì nước không lên nổi ).
Phòng đầu nhà, (tớ kể về phòng này - vì thời gian đó tớ sống ở đấy) có bốn cái giường tầng, kê sát hai bên tường - cửa sổ nhìn sang bên hành lang khoa Địa (hình như cũng có nhiều chuyện hay hay giữa những cái hành lang thì phải, nhưng để dành lúc khác).
Bốn giường dành cho tám người, nhưng thực ra chỉ có sáu - từ cửa vào lần lượt là Chiến - Thuỷ, chị Muà - tớ, phía bên kia là Minh - Hồng. Góc đối diện với cửa vào lỉnh kỉnh bát đũa, dụng cụ lấy cơm là cái chậu men mầu hơi nâu, cái âu hoa để đựng canh, rồi ít nhất là chục cái chậu - để tắm giặt, đựng xà phòng, ngâm quần áo ...Hừm , gìờ nghĩ mãi, không biết cái dây phơi quần áo chăng theo chiều nào ...
Nói túm lại, là khá gọn và sạch, nên cái phòng chưa đầy 24 mét vuông vẫn còn khoảng trống ở giữa khá rộng rãi.


Ngày hai buổi đi học trên lớp, cơm hai bữa theo hiệu kẻng xuống lấy ở nhà ăn. Mà chẳng cần nghe kẻng, vì cứ đến gần giờ ăn, cái đồng hồ bụng của bọn con trai nó réo, chúng khua bát đũa roeng roeng ngoài hành lang rồi. Cơm ăn gần như không đổi bữa – nhưng dù thế thì vẫn thấy ngon miệng và đời vẫn tươi. Những hôm không có giờ, mấy đứa con gái góp tiền đi ra chơ Xanh ( gọi là chợ Xanh vì nó có cái nhà sơn xanh) – hay Ngã tư khổ để mua bánh sừng bò, bánh mì - thế đã là sang rồi, sinh viên nghèo mà. Rồi ngồi tán gẫu, đọc truyện hay ngủ, ai chăm thì cứ tự nhiên học.

Những lúc ôn thi, cả phòng gần như im ắng - gần như thôi, bởi thi thoảng ai đó lại thở dài đánh sượt một cái vì đủ thứ lý do, ca thán chung chung (chung chung thôi, vì còn gái hay giữ ý và kín đáo) về điều gì đó không hài lòng hay chị Muà lại ngâm vài câu thơ tuỳ theo tâm trạng. Thôi thì từ thơ cách mạng

" Gần nhau đây mà xa biết bao nhiêu
Giữa hai đứa mênh mông là biển rộng ..."- ngụ ý trách ai đó,
rồi
"Tóc em như suối chảy ngang lưng
Suối chảy quanh co suối ngập ngừng..." - chắc đang mơ mộng,
và cả câu này nữa
"Mực Cửu long xuôi dòng chảy xiết
Bút Trường sơn anh viết cho em " (hôm nhận được phong thư ai đó viết trên phong bì )
..v..v..
(Hehe - không hiểu lúc ý lớn hay nhóc nhỉ, mà hoạt hoạt là ?)

Nói thế thôi, nhưng nói chung là học, đọc cái gì đó hay ngồi im "tư duy "- ngắm .... Im lặng đến mức nghe rõ cả tiếng đi lại ngoài cửa (Chẳng hiểu là do tập trung hay do đầu óc để bên ngoài?).

Tớ còn nhớ, Thuỷ (lúc trêu nhau còn gọi là Thuỷ Sơn) ngườì Thái bình chăm học lắm. Hắn có mái tóc đẹp, người bé nhỏ, nhưng tóc đen và dài rất mượt. Chúng tớ ở tầng trên. Bàn học - hoặc bằng cái hòm bằng gỗ hoặc valise cá nhân kê ở đầu giường. Cùng tầng nên mỗi lần tớ xoay người lại là đối diện – cách nhau chiều dài cái giường - với Thuỷ. Có hôm, ngổi học một lúc vừa chán vừa mỏi, tớ quay lại thấy tay Thuỷ vẫn đưa bút đều đều, và cái đầu thì gật gù, hỏi « Thuỷ , "tư duy" đấy à ? » - một lần, hai lần, ba lần - Hắn choàng dậy, cười và bảo « Ừ, tao đang mơ mơ rồi, mày ạ »...

Hìhì - chẳng hiểu hắn còn nhớ không ?

Thứ Năm, 15 tháng 4, 2010

Quan họ k14 - những ai nhỉ ?

Hôm họp lớp vừa rồi, ai nói nhỉ, rằng « khoá mình có ba cô gái quan họ ». Tớ chỉ nhớ mỗi chị Muà, còn hai bạn nữa, ai làm ơn nhắc cho tớ với.
Tớ có tấm hình chụp liền chị quan họ Bắc ninh - chị Mùa với một "liền" anh Nam định (*), tớ gửi lên nhé



Tớ vốn mê dân ca, nên khi nghe nhắc đến các bạn quê vùng quan họ, thì ước ngay là « giá một lần nào đó được nghe những người bạn gái vùng Nội duệ cầu Lim ấy hát một trong những làn điệu quan họ thắm thiết...nhỉ ? ».
Từ bé đến giờ tớ đã đi hôi Lim nhiều lần, nhưng có mỗi một lần cách đây gần 30 chục năm là vào đến trong hội, còn những năm gần đây, cũng đến hẹn, rục rịch, đi, nhưng không lên đến hôi. Lần nào cũng thế, lúc về đến nhà, lại tự nhủ « năm sau đến hẹn lại lên », nhưng chẳng biết là bao giờ mới lên đến nơi .
Cái sự lỡ chừng hội mấy lần chẳng qua là cứ loanh quanh từ Từ sơn vào Phù chẩn - làng chị Mùa, thăm anh chị ấy. Đi lạc, lần nào cũng nhầm đường, vòng đi quàng lại, đường mới đường cũ loạn xạ, rồi từ nhà ra đến bếp là hết cả chiều...
Năm trước nữa lên thăm anh chồng chị ấy ốm, ốm thập tử nhất sinh, nhưng ơn Trời - cũng qua khỏi. Còn năm rồi, tớ không đi được, chẳng hiểu hai ông bà ra sao, chắc lên chức «hầu tước» (mượn bản quyền của Bình Dân nhé – hìhì) rồi, cả Hầu ngoại lẫn Hầu nội, nên bận rộn chẳng nhớ gì đến bạn bè cũ nữa cả.
Tớ thì đành chờ « Đến hẹn lại lên » vậy


(*) - thêm cái chú thích rằng thì là mà "liền" anh Nam định không phải liền anh Quan họ nhà chị Mùa

Thứ Hai, 12 tháng 4, 2010

Tự nấu ăn

Năm thứ nhất ở Dục tú, lớp tôi có bếp nấu ăn tập thể - gọi thế vì đó chỉ là nơi ở của cấp dưỡng và thủ kho, công với cái lán bếp bên dưới có cái bệ xây, khoét hai cái lò than đặt hai cái chảo gang to.
Một chảo là để nấu cơm, còn chảo kia, dùng để nấu canh là chủ yếu. Rau lấy trên khoa, ở Đình tràng - chổ ông Thuộc
Rau muống, rau cải, bó to tướng , cột bằng rơm, khi về đến bếp sinh viên thường đã bị dập và úa vàng. Mùa đông có su hào – hết su hào tươi, đến su hào muối. Mà su hào tươi cũng chẳng mấy khi thấy cái lá xanh nữa.
Bữa ăn thường có hai món ăn, canh và một món ăn mặn - đôi khi là đậu phụ kho với vài miếng thịt mỏng tang, gió thổi bay, trắng nhợt thêm chút lá hành .
Tôi nhớ ngày đó, canh rau nấu với ít bột nấu ( nghe đồn là của Balan( ?) viện trợ ), thêm một chút thức ăn mặn, với cơm độn mì nâu nâu – ăn ngon ra phết..
Trong tuần thì bác Tủ, bác cấp dưỡng nấu ăn, còn chủ nhật thì các tổ sinh viên thay nhau xuống nắm than và tự nấu ăn lấy.

Xuống bếp,
Cái khoản nắm than , bẩn chút nhưng dễ.
Sợ nhất là hôm nào lò tắt, phải nhóm cho cái lò cháy đượm lại, Đầu tiên là chẻ củi, gầy các thanh củi xuống đáy lò. Đông tác này cần sự khéo léo vô cùng, vì nếu sơ ý, các thanh củi sụp thì lại lọ mọ xếp lại .. , đặt các viên than quả cam quả hồng lên ( lẽ ra là than quả bàng, nhưng do tay người nắm to nhỏ khác nhau), rồi nổi lửa . Khói um , khói mù mịt, mắt cay xè – may là có cái quạt của Bờm - nên ra sức mà quạt, cho đến khi than đỏ .. Ui Zời ơi, giờ nhớ lại vẫn còn thấy toát mồ hôi, tóc thì bết xuống trán, tay áo vặn soắn , quần vo ống thấp ống cao ...những hôm nắng ráo còn đỡ, chứ mưa thì đúng là nhớp nháp đến khổ.

Trong lúc đó thì một nhóm nhặt rau. A không phải nhặt mà là chuẩn bị rau và gạo.
Rau - (trừ su hào) dùng dao cắt chỗ cuống gần dây rơm buộc rồi xổ cả mớ ra, giũ một phát cho lá vàng rơi xuống, sau đó tung vào rổ, nhặt lại coi có cỏ hay lá lẫn vào ...Su hào thì đơn giản hơn, gọt vỏ, sau đó cắt vát, dầy mỏng tuỳ tay, tuỳ hứng, đừng có cắt đôi , ba là được
Còn vo gạo thế nào nhỉ ? Quên mất rồi ( Ai nhớ không ?)
Hai cái chảo to đùng, lúc khuấy rau, đảo cơm phải dùng cái xẻng cán dài gần mét, và đứng lên cái bậc...
Cả bọn túm tụm, lau nhau ...
Thế mà sau vài tiếng, cũng có được cái chảo cơm chín nồng nồng mùi mì với chảo canh rau đỏ quạch sôi lăn tăn .


Hehe, giờ nghĩ lại, tự khen « giỏi », đúng là « không có việc gì khó » thật
!

Thứ Bảy, 10 tháng 4, 2010

Những người bạn - còn, mất...

Việt Thắng đưa tôi mấy tấm ảnh chụp khi đến thăm các bạn đi bộ đội năm 1972. Những tấm ảnh thật quý. Có những bạn đã hi sinh.
Ai có thể kể hết tên các bạn này? Và nói về họ?








Anh Trọng Dân "điểm danh": (phải sang)
Hàng ngồi: Nguyễn Tiến Thuần, Nguyễn Minh Cương, Chí Dũng, Đinh Quang Việt, Nguyễn Trọng Dân, Doãn Thế Sận, Nghiêm Viết Nhã
Hàng đứng: Lâm, Bá Hùng, Thẩm Mạnh Tiến, Hà Minh, Nguyễn Văn Thống, Lê Minh Thái.




Còn đây là các bạn chụp chung với các bạn còn ở lại học.

Có ai quen ai không ?

Tớ tìm được một chiếc ảnh chụp một nhóm nữ cùng phòng tầng hai ở Thượợng đình. Tớ đưa lên.
Có ai quen ai không ?


Thứ Tư, 7 tháng 4, 2010

Nguyễn Hữu Thỏa, Thanh Hóa

Mạnh Dũng vừa gọi điện, nói là đang ngồi với anh Thỏa (Thanh Hóa) là bạn học ĐHTH. Tôi nhớ là Nguyễn Hữu Thỏa, mắt hơi... bé (không mở to, nhấp nháy). M.Dũng định rủ tôi trưa nay ngồi ăn ở đâu đó với a. Thỏa. Nếu không bận vụ khác tôi sẽ tham gia.
Trong danh sách k14 ĐHTH chưa có a. Thỏa. Tôi đưa điện thoại của a. Thỏa lên để anh em biết mà liên hệ: 037-360-5146 (Hàng GPhone xách theo người).

Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2010

Có ai còn nhớ không ?

Năm 1969 - 1970,

Năm thứ nhất, ngồi học trong cái gọi là giảng đường lợp bằng lá, vách trát bằng bùn rơm, mà chỉ trát có một nửa độ cao. Cho đến giờ tớ mới có thời gian ngẫm nghĩ – sao lại trát một nửa vách, chứ ngày đó chẳng nghĩ gì, cứ vào là ngồi - ngồi trên cái băng giảng đường đại học – bàn là các tấm xẻ ra từ thân cây xà cừ thì phải, rộng chừng 30 cm, đặt trên hai cái cột cao chừng 90 cm trên nền đất - đôi khi chung chiêng. Và ghế là một nữa cây phi lao xẻ ra theo chiều dọc, bào sơ qua, cũng gắn trên hai cái chân là hai cái cọc thấp hơn, rất là dã chiến. Mà có sao đâu, miễn là ngồi được, nghe được thầy giảng và ghi ghi chép chép vào cuốn vở giấy đen sạn – đen và sạn đến mức khi viết ngòi bút cào vào nghe sàn sạt ...
Cái giảng đường đã được các anh chị khoá trên dựng từ trước và chúng tôi sung sướng tiếp quản nó - sửa sang, quét dọn chút bên trong, tươm tất gọi là để mưa không đến đầu, và nắng cũng không đến đầu (Nói rứa bởi chưng khi nắng, mưa tạt ngang thì hắt vào cả mặt và cả cuốn vở trước mặt).
Khi nắng ráo thì còn đỡ, đường vào lớp toàn đường đất khô, nhưng lúc trời mưa thì đúng là «lên bờ xuống ruộng» - mà ruộng đây là ruộng thật, bờ thật – vì cái giảng đường nằm ngoài rìa làng, trên một khoảng đất trồng khoai lang mà xã cho trường mượn. ( cũng chính vì gần ruộng, nên có vụ, các bác con trai trêu một cụ bà nông dân bị cụ ý hát về " phó tiến sĩ ..." gì gì đó rất dân gian, khá bài bản ...)
Cực nhất là khi vừa mưa vừa rét. Gió rét luà thẳng vào lớp, trời mùa đông đầy mây, mưa lây rây suốt ngày – sau 5 tiết sáng với cái dạ dầy lép kẹp, bụng sôi lục bục, nhìn nhau , mặt mũi bọn con trai xám ngoét, con gái còn đỡ ( là do trời cho cái tuổi đó má cứ hây hây hồng thôi ). Trời rét lắm, mà nhiều tên con trai vẫn chỉ phong phanh có hai chiếc áo mỏng ...
Có một hôm vào mùa đông, trong lớp tự dưng thấy có mùi khói cay cay ...

Giờ nhớ lại, tớ vẫn còn thấy sống mũi cay cay...