Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

Kỳ 1 : Vài nét về Dục tú và lớp B1 trong hồi ức của tôi


(Hồi ức - rõ nét có, mờ nhạt có, đan xen vui buồn - và rất không khách quan, bởi nó chỉ là hồi ức cá nhân. Những năm là sinh viên đất nước còn chiến tranh, gian nan, vất vả, nghèo khó, nhưng vui vẻ và vô tư ...
Từ ngày dựng chùa, tôi đã tự nguyện xuống tóc làm chú tiểu coi sóc sân chùa - gom thêm một chiếc lá  rơi ... :-) - cứ cho là cái duyên "đã đến rồi " nên dùng dằng chẳng nở dứt áo ra đi, ..., nói theo kiểu dân gĩa là "cố đấm ăn xôi " thì đúng hơn :-)...)


Cuối tháng chín (?) năm 1969.
Chia lớp, gần một trăm học sinh năm thứ nhất của khoa Lý - lớp B1, xách ba lô từ Ngọc lôi sang Phúc hậu - thường gọi là thôn Hậu - Dục tú.
Làng nhìn từ ngoài rất đẹp trong mắt tôi. Cánh đồng khoai, lúa lúc đó còn đang xanh. Làng được bao bọc bởi đủ loại cây, có một con mương cụt nhỏ chạy dọc từ đầu đến cuối làng – phíá thôn giáp cánh đồng chứ không phải phiá sang thôn Tiền. Bờ mương, cũng là đường đi ra đồng, hai bên là hai vệt cỏ lan xuống tận mép nước. Bờ sát đường đi, trồng xoan, bạch đàn và cây điền thanh (muồng hoa vàng), còn bờ bên kia là rìa làng - chỉ có các cây bụi. Mùa hè thật là mát

Nhận xét đầu tiên của tôi là Dục tú giầu có hơn Ngọc lôi – với các đường làng bằng gạch xếp dọc, và các nhà đều có tường cao, cổng kín, trừ xóm gần sát phía đường tầu.  Về sau này, đọc về Dục tú thì quả đúng là làng có rất nhiêu người giầu có từ xưa – là nơi bà phi họ Đỗ thời Lê được vua phong cắt đất, có ngôi chùa và đình rất hoành tráng.
Nếu tôi nhớ không nhầm, thì cái nhà bếp của B1B nằm sát phía rià bên, lui về phía sau của sân đình (chắc là đình Phúc hậu) . Trước đình là chiếc ao rộng, có bậc gạch xây, hẳn ngày nảo ngày nào – lúc xa xưa nó rất đẹp - đã có lần chị Mùa và tôi đem chiếu ra đấy giặt.

Làng dành khu ruộng ở ngoài một đầu làng cho khoa Lý – ĐHTH. Vì khi chưa có chúng tôi - thì đã có giảng đường và nhà thầy cô cho khoá trước. Giảng đường cuả chúng tôi, gọi thế cho oai – là một căn nhà lớn, lợp lá gồi,  hai đầu là thưng kín, còn hai bên sườn thì chỉ có vách lửng. Bàn ghế còn sơ sài hơn bên lớp ở Ngọc lôi, bàn dài bằng thân cây phi lao (thì phải) cưa dọc, ghế dài cũng là cùng loại cây nhưng nhỏ hơn. Cả bàn và ghế đều lắp mộng với cọc, rối chôn xuống nền đất nên đôi lúc nó cứ lung lay, lớp treo tấm bảng đen ở một đầu Trông cũng thoáng và tràn ánh sáng – nhìn toàn cảnh cũng không tệ tý nào. 
Không xa lớp là một dẫy nhà tập thể của thầy cô,  sân trước có một cái giếng … Nhà tập thể của các thầy cô cũng là nhà tranh, vách đất, tôi không biết là các thầy cô có bếp nữa hay không. Hình như khi còn trẻ - tôi chẳng quan tâm mấy đến sự liên quan “ Thực " và "Đạo “, và chỉ chú trọng tới cái chữ đầu.  Quan hệ với đa phần các thầy cô rất chi là "kính nhi viễn chi " - tôi chưa bao giờ bước chân vào trong dẫy nhà đó, chỉ có một lần duy nhất tôi đến gần - đứng trước cửa liếp phòng thầy Tiêu chủ nhiệm dậy tiếng Nga – vì lý do gì thì không nhớ - chắc có việc gì thưa gửi hay đi cùng với một bạn trong ban lãnh đạo lớp.
Hình như, trước khi vào học, việc đầu tiên là lao động sửa sang dọn dẹp cái giảng đường đã bị mưa nắng làm hư mái và vách. Nghĩa là phải leo lên mái, gỡ những tầu lá gồi bị mục nát vứt xuống và thay bằng lá mới - có một hình ảnh tôi không thể quên, vì luc đó, khi nhìn thấy bên trong tấu lá gồi mục bị vứt xuống, tôi sởn cả gai ốc - một ổ chuột con, lít nhít đỏ hỏn. Còn vách thì đơn giản hơn - cứ bùn, rơm trôn với nhau, dùng chân dẫm rồi dùng hai tay đem cái hỗn hợp đó trát vào lỗ thủng.
Giảng đường ngăn cách với đường đi bằng một bờ tường đất cao gần một mét. Các bạn nam khi đi học muộn còn phi qua đề khỏi phải đi vòng lên rồi quặt lại. Đẹp trời còn đỡ, chứ  trời mưa thì thật khốn khổ. Đất dính dưới dép – dép cao su nào cái lỗ hơi rộng thì – huhu… và khi vào hè, nắng mới với gió đồng nhè nhẹ thì thật mệt, ngồi trong lớp học đầu giờ chiều, cứ phải vật vã chiến đấu với cơn buồn ngủ.
Tôi ngồi bàn cuối cùng phiá bên tay phải bảng đen, sát bức vách nhìn ra ngoài đường đi về làng.
Hình như ngày học đầu tiên bắt đầu với bài giảng của thầy Phương. Tôi cố nhớ lại nhưng quả là không thể, tất cả các điều được học hình như chỉ còn nhớ tên các môn học, vài câu đùa như “ Cái được gọi là …” là cụm từ dịch từ câu tiếng Nga ra - giờ viết thế nào tôi cũng botay.bút, hay đôi ba từ nào là ma trận, tích phân… Tôi vốn ham vui – nên trong ký ức chẳng đọng mấy về kiến thức, mà chỉ toàn cảnh vật, ăn uống, chợ búa ...
(Giờ nhìn bọn trẻ con lều chõng từ lớp 1, tôi mới thấy mình may mắn - vì nếu là thời bây giờ, chắc là tôi toi rồi )

Mổi lần bắt đầu tiết học môn mới, cả lớp đứng dậy nghiêm chỉnh chào thầy cô. Lớp chủ yếu đến từ các tỉnh phía bắc, và một nhóm các bạn đến từ trường văn hóa quân đội. Các bạn bộ đội từ ăn mặc, tác phong và học tập đều nghiêm chỉnh hơn bọn học sinh chúng tôi từ các nơi khác nhau hôi lại, đủ hoàn cảnh khác nhau - và cách sống cũng rất khác nhau. Và hình như ngày đó, vẫn  có những cái nhìn ít thiện cảm đối với bọn con gái thành phố thì phải (?) - Mùa đông năm ấy, rất rét, ngồi trong lớp rét tay cóng đơ, có một hôm trong một giờ học tự dưng thấy có mùi khói  – có bạn nào đó nghịch ngợm đốt giấy - để sưởi(?), may thầy ở trên không phát hiện ra. còn nữa, hình như trời rét thì cái bụng cũng chóng đói ...

Ngày đó sách vở it lắm  – ngoài mấy quyển vở bằng giấy vừa sạn vừa đen – sạn đến mức viết bằng bút bi viên bi bị sạn cào lên dính vào làm nó không lăn được, tắc mực, còn nếu viết bằng bút mực thì có lúc cái ngòi bị choẽ ra. Chúng tôi cũng có giáo trình, đôi quyển giáo trình của nhà trường in trên giấy rất tồi, mờ đến mức có trang phải vừa chăm chú ngắm nghiá vừa đoán…
Trong lớp rất nhiều bạn rất có ý thức với việc học, các bạn ấy thông minh, chăm chỉ, kết quả học rất cao. Đến bây giờ - sau gần nửa thế kỷ, sự khâm phục những tấm gương đó trong tôi vẫn không hề giảm sút.
Tôi còn nhớ rất nhiều lần trên đường làng thấy Đăng Lâm  – tay cầm giáo trình, đi như người mộng du :-); nhớ sự vật lộn khó nhọc của anh Chung âm lịch với các từ tiếng Nga, và chưa quên vào kỳ thi cuối năm, có một sáng tôi nhìn thấy mặt Lê Việt lọ lem – trông rất dị, hỏi thì bảo “ muội đèn bám vào…”  (???)

Chúng tôi học một năm ở đấy - chưa tròn 12 tháng, chưa trọn cả bốn mùa - giữa muà thu vào học, một mùa đông rét buốt, một mùa xuân chẳng thấy xuân mấy, và nửa đầu mùa hè thi xong - ai phải thi lại thì trả vào đầu năm học sau, tháng Bảy là khoác ba lô đi đào mương ở Quế võ – Hà Bắc.

Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Gặp mặt đầu năm vào tháng 2 Âm lịch

Cuộc gặp đầu năm của k14 Lý ĐHTH vốn được định là sau Rằm tháng Giêng. Nhưng mà từ năm ngoái mọi người thấy hóa ra nhiều nơi cũng có quy định như thế, về hưu rồi mới chạy sô, oải hết cả người.
Vậy nên cách đây ít lâu, nhân có cuộc tụ tập cũng tạm coi là kha khá, mọi người đề nghị chuyển cuộc gặp sang tháng 2 Âm cho nó thong thả. Già rồi, không thèm tranh chấp, nhường Rằm cho hội khác.
Anh em đọc tin rồi báo cho các bạn khác yên tâm. Thời gian cụ thể sẽ báo sau, có thể là ngày thường. Chứ ngày nghỉ cuối tuần để ông bà tập trung chơi với cháu con :-)

Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2015

Đầu Xuân xin chữ

Một chữ - đời người.

Đầu xuân khai bút – tiếc rằng tôi ở xa, chứ không thì sẽ kiếm một tờ giấy hồng điều để xin chữ. Gần thì xin ở nhà – còn muốn vừa du xuân nữa thì ra Văn Miếu (là du gần).
“ Nhân “ chỉ một chữ thôi mà theo cả đời có mấy ai theo được và tôi cũng không ngoại lệ - càng sống càng thấy mình kém cỏi .
Nhân xếp đầu tiên trong thuyết Ngũ thường của Khổng tử. Là phận nữ nhi - bị cụ Khổng xếp vào “khó dậy” – cứ cho rằng cách nhìn đó rất Khổng - kiểm chứng của câu này không khó :-) :-) - tiểu nhân thì cũng là nhân bé - còn trong chữ nữ tách ra cũng có chữ nhân. Ở đây không nói đến sự phân biệt nam nữ, tôi quay lại với chữ Nhân.
Khi ngắm chữ Nhân trong chữ Hán Nôm, chỉ có hai nét - ngày bé tôi cứ liên tưởng tới hai chân người bước đi – hai nét sắc như nét mác và vững chãi, dĩ nhiên là tôi chẳng hiểu ý nghĩa gì, chỉ thấy đơn giản và đẹp.
Có bài viết phân tích "hai nét của chữ tượng trưng cho sự biết tiến thoái, biết giữ và biết buông, biết thuận - nghịch, nét này tả bằng hữu –nét kia tả đối thủ, một nét cho quyền lực thì nét còn lại cho trách nhiệm …".
                                                                                           (ảnh trên NET)
Phải chăng từ thủa có chữ, người đời xưa đã gửi gắm rất nhiều trong chữ Nhân không?
Chữ Nhân chỉ hai nét thôi, theo chữ Nhân – nghĩa là làm Người – sao mà khó vậy.

Thứ Năm, 19 tháng 2, 2015

Chúc Mừng Năm Mới Ất Mùi

Xin chúc các bạn một năm mới nhiều Sức Khoẻ, Niềm vui

An khang - Thịnh vượng



*****
Tặng các bạn bó hoa mimosa của Điạ Trung Hải nhé


Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2015

Lời chúc cuối năm

Chúc các bạn những ngày cuối năm sức khoẻ, vui vẻ

mọi sự tốt lành




Nào, ta về với ta thôi
Về nơi sóng biển ru trời xa xăm
Vể ươm mầm nhớ, lặng thầm
Chắt chiu mặn ngọt cho đằm duyên xưa...



Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2015

Lễ hội Nice (Carnaval de Nice)

(Khoảng cách gần 10 ngàn km, thật là xa Hà nội, ngày mai lễ hội của thành phố - nơi tôi đang sống - bắt đầu...).

Carnaval de Nice – là một trong những lễ hội nổi tiếng, thường bắt đầu vào thứ sáu, tuần thứ hai của tháng hai mỗi năm và kéo dài 3 tuần. Chủ đề của mỗi năm khác nhau «Vua quảng cáo» , «Vua nghệ thuật»  «Vua ẩm thực»…– năm nay là «Vua âm nhạc».

Carnaval de Nice đã có từ rất xa xưa, lần đầu tiên được nhắc đến trong một bài viết năm 1297 còn lưu lại được là của Charle 2 d’Anjou - vị  bá tước vùng Provence. Tới năm 1871 – thì Ủy ban lễ hôị (commité de Fete) được thành lập với sự bảo trợ của một nhóm người danh giá và giàu có (ủy ban này đến 1996 được thay bằng Du lịch thành phố ). Lễ hội trở thành cuộc trình diễn có quy mô lớn. Từ năm 1873 – bắt đầu có các chủ đề «Vua», với sự đỡ đầu của 2 cha con nghệ sĩ  Mossa.

Năm 1914 và 1939 – năm trước của hai cuộc đại chiến tranh thế giới, lễ hội vẫn diễn ra bình thường với chủ đề là «Thuần phục ngựa thần – Persée dur Pegase» – và chủ  đề  «Vua của sự xinh đẹp và cười – Roi de la jolie et rire», nhưng năm 1915 và 1940 thì bãi bỏ mặc dù đã chuẩn bị hai chủ đề khá hài hước «Vua Điên – Roi des Fous «  và « Điện hạ của sự điên loạn - Sir de la Folie ».
Và chủ đề kỳ  quặc này đã được thực hiện năm 1991 - « Vua Điên » với lý do trước nguy cơ khủng bố của Chiền tranh vùng vịnh

Ngoài diễu hành của các xe Vua – còn có cuộc diễu hành «mưa hoa» rất ngoạn mục. Hàng nghìn cành hoa tươi : lys, mimosa, cúc được các cô gái xinh đẹp trang điểm lộng lẫy đứng trên các xe chất đầy hoa, tung nhẹ nhàng về phía khán giả.
Vùng duyên hải này có nhiều rừng mimosa, và các cánh đồng trồng hoa. Grasse là nơi sản xuất tinh dầu hoa các loại - mimosa, oải hương, nhài, hoa hồng, hoa cam dại ...   nổi tiếng)

Số tiền đầu tư và thu về của lễ hội không hề nhỏ.
Ví dụ năm 2012, có hơn 400000 người xem, trong đó có hơn 192000 vé bán (2,4 tri ệu Euros) - còn nếu tính cả du lịch, hàng ăn, đi lại, khách sạn, số lượng sản phẩm bán được … thì tổng số tiền số thu vào khoảng từ 30 đến 33 triệu Euros.

Mỗi một lần diễu hành của Đức Vua, thường cần tới 1500 người, rất nhiều diễn viên, bảo vệ, hướng dẫn viên ….,  chi phí cho lễ hội năm 2012 là khoảng 7 triêu Euros

Chủ Nhật, 8 tháng 2, 2015

Chùa Bà Đanh


Nghỉ cuối tuần, nhàn cư thì càng lắm cơ hôi để thỏa mãn cái tính tò mò. (Chia sẻ với các bạn, nếu ai vào đọc nhưng xin đừng nghĩ rằng tôi chiếm đất công thành của riêng tư nhé – nếu bị gán tội danh này là thì dẫu có dùng hết cả nước hồ Tây, cũng rửa chẳng sạch, nhất là nước hồ lại cũng ô nhiễm nặng :-)

Cứ nói chùa bà Đanh, rất rất nhiều lần, thế mà tôi không biết là chùa bà Đanh ở đâu, như thế nào – tự nhận vốn văn hoá dân tộc và lịch sử : kém. Đã thế, lại còn lơ mơ nghĩ rằng chùa bà Đanh ắt phải gần chùa bà Đá (đanh đá mà),  cái ngôi chùa tọa lạc ở phố Nhà Thờ, mà hồi học lớp bốn, lớp năm - bọn tôi đã có đôi ba lần trốn thầy giáo dậy thể dục lẻn vào chơi – nhưng đã bị thời gian làm mất dấu vết – đúng là con ếch to ngồi đáy giếng :-).
Vừa ăn sáng, tay gõ “chùa bà Đanh “ - một vài tấm ảnh đẹp và một danh sách hiện ra trên màn hình. Nhờ NET tôi biết được chùa bà Đanh được xây dựng trên một vùng đất mà 3 mặt được dòng sông Đáy bao quanh, địa phận Kim bảng, Hà nam. Nghe dân gian nói chùa được xây dựng từ lâu lắm rồi, nhưng đã nhiều lần trùng tu lại và lần cuối gần đây nhất là vào thế kỷ 19.

Trong chùa có thờ tượng Phật, Bồ tát - Phật giáo;  tượng Thái thượng lão quân, Nam tào, Bắc đẩu - Đạo giáo; tượng Tam phủ, Tứ phủ  - dân gian; và Tứ Pháp thần – tín ngưỡng vùng - trong đo có bà Pháp Vũ, vị thần phù trợ cho nuôi trồng. (Có lẽ kế thừa thờ đa thần từ ngày khai thiên lập địa chăng???)
Hàng năm vào tháng Hai lịch ta, có lễ hội thường kéo dài 3 ngày để cảm tạ Trời, Đất và các vị Thần.


Có một bức ảnh chụp chùa Bà Đanh - thanh vắng, yên bình (nguồn báo lao động NET) - nếu vẫn giữ được như thế, hẳn sẽ là thắng cảnh thật gần gũi với thiên nhiên – và tôi mong sẽ có một lần được đến.

Thứ Ba, 3 tháng 2, 2015

Đôi lời xa thay nén nhang viếng bạn

Tối gặp mặt chia tay, quây quần giữa bạn bè, chợt nghe có bạn nói “ Dũng – Hoàng Chí Dũng - mất rồi “ tôi lặng buồn. (tôi có hỏi lại Trưởng ban liên lạc Dân)
Vẫn biết cuộc đời thì chẳng ai tránh khỏi “sinh lão bệnh tử “, làm gì có trường sinh bất tử, thế nhưng tôi luôn ước người thân và bạn bè cùng lứa cứ đồng hành với mình mãi.
Dẫu rằng thân sơ, tính cách khác nhau, dẫu gần, dầu xa –  tôi bao giờ cũng mong mỏi người thân và bạn bè mình bình yên, khoẻ mạnh…
Năm trước tôi hứa với bạn 
một ngày nào đó vào Đà nẵng, sẽ đến thăm bạn và gia đình bạn, nhưng cứ việc nọ cuốn việc kia, chưa sắp xếp được.
Hơn bốn mươi năm xa, và sẽ chẳng bao giờ có thể gặp lại được nữa – cũng không biết chính xác ngày bạn từ giã cõi đời - bạn chắc không trách tôi nhưng tôi tự trách mình rất nhiều...

Cầu Mong Bạn Yên Nghỉ

 

Theo dõi qua Email

...là chức năng mới mà những ai quan tâm tới bài vở trên trang nên dùng. Theo giới thiệu thì sau khi đăng ký (gõ địa chỉ email của mình vào khung, bấm Submit, xác nhận yêu cầu theo hướng dẫn) và kích hoạt chức năng (qua mail sẽ nhận được) thì mỗi khi có bài mới trên trang bạn sẽ nhận được một mail thông báo.
Bài này cũng là một phép thử xem sao :-)

Thứ Hai, 2 tháng 2, 2015

Tâm tình bạn Hội

Lợi dụng Blogger có chức năng gửi lời góp qua email, tôi cho hết địa chỉ mail của các bạn k14 mà tôi có vào danh sách gửi. Có lẽ nhờ vậy mà hôm nay tôi nhân được thư của Quốc Hội, như sau:
 > hôm nay đọc thư bạn gửi - thấy vui quá, các bạn có chuyến đi thật tuyệt vời
> Hữu Thành thân mến - Mình thật muốn có lần đi nhiều kỷ niệm như các bạn.
> Cảm ơn bạn và các nhiều nhé. ( Quôc Hội)
Có lẽ Q.Hội muốn nói với các bạn mình, chung cả mọi người, mà chưa có cơ hội. Quá dẽ mà, tham gia Bloger là được ngay :-)

Lan man trên đường (4 - hết) : Lại trở về sân ga - chia tay - rạng sáng 4/01/2015

Đường về, cậu lái xe nhấn ga (chắc sợ không kịp giờ), thả vô lăng nên những lúc vòng tôi có cảm giác mình bị liệng như con vụ. Cảnh rất đẹp, nhưng đường không đẹp lắm, có nhiều đoạn đương làm hoặc sửa. Đi đường tôi hay bị say xe, mà tình cảnh say xe thật đáng sợ. Lúc lên "cơn " thì không còn tán chuyện, cũng chẳng cười đùa. Không còn nhìn trời đất được, mà cúi gục đầu, mắt nhắm tít, tay giữ khư khư chiếc túi nilon - nôn nao – không phải là nhớ ai và dứt khoát là lúc ấy không ai có thể nhớ – và cứ từng đợt từng đợt “ trả lại “ bữa ăn trưa. Cuối cùng khi trả hết, nước mắt dàn dụa – thì người thấy nhẹ nhõm, dễ chịu hẳn đi - giống khi đau buồn luôn được khuyên nhủ “ hãy khóc đi, khóc được sẽ nhẹ lòng hơn …(hic, hic)”, trời cũng gần tối.

Trước khi trở lại ga Đồng hới, chúng tôi ăn tối ở quán ăn cửa biển Nhật lệ.
Xe dừng, mọi người xuống xe hết rồi, tôi nằm co ro trên ghế xe vài phút, thần hồn trở lại với thần xác ngay, nhẩy xuống đất, nhờ cậu lái xe đóng cửa xe. Bên ngoài các bạn đã tản ra, tôi liệng cái túi nilon vào cái thùng rác, nhìn quanh chỉ còn thấy Vân – lúc này trông Vân thật thểu não, phờ phạc - chắc là Vân sẽ cạch đến già - cá rô rán với bưởi chua...
Quán ăn cạnh biển. Trời sập tối, trở gió, biển tối sẫm, chỉ có sóng chồm lên bãi cát, bắn tung ra những hạt nước li ti lạnh giá. Sân của quán ăn sát với bờ cát – giá mà có trăng, thì hẳn là thật nên thơ…
Hiệp đã đặt trước bữa ăn, trong lúc chờ đợi - Trò lục trong đám túi còn một túm bánh mì nhỏ, nguội ngắt, "Không hề gì, tìm cách nướng lại, hẳn là OK ". Thành Minh và tôi lượn vào khu bếp của họ, kiếm được một cái lò than con con, một siêu nước đang ngự trên đó. Không hỏi han chủ bếp, chúng tôi cứ tự nhiên rinh cái siêu ra bên cạnh và sử dụng cái lò như là của mình sau khi kiếm được một cái que - không biết là đũa hay que thông lò để giở bánh mì (cái tính tự nhiên quá đáng này đôi khi cũng được việc và đáng được tha thứ ... hì hì ...)
Ít phút sau, hơn chục chiếc bánh mì lại giòn và  thơm ( cả thơm mùi cháy nữa )...
Bữa ăn toàn các đồ ăn biển - tôm luộc, canh sò, mực hấp hay luộc nhìn rất ngon  nhưng mà tôi không dám ăn, (vẫn còn biết sợ sệt, giữ cho cái dạ dầy ) - nhưng dù sao thì cũng không ngần ngại ăn hẳn cả một bát đầy cơm trắng - cơm tẻ Nhật lệ ngon tuyệt. Nếu lần sau có vào, dứt khoát tôi sẽ lại gọi cơm.
Xe qua bến đò mẹ Suốt – đi vào trong thơ văn và thành một huyền thoại về tấm lòng yêu nước và dũng cảm. Bức tượng mẹ Suốt chèo đò bên bờ sông, ánh đèn, ánh nước lung linh – dòng nước lững lờ, bình lặng – nhưng không ai quên dòng sông hiền hòa đó có  một thời oanh liệt sôi động với bao sự tích anh hùng…
Theo trưởng đoàn Dân, còn có một di tích chiến tranh nữa – đó là nhà thờ còn sót lại sau bao bom đạn, nhưng sợ muộn giờ tầu nên xe đi thẳng ra ga.

Sáng vừa đến, tối trở về mà đã thấy không còn lạ nữa. Lại phòng chờ - trở lại với không khí ồn ào của đám đông, sư náo động đời thường.
Trong phòng ngồi đợi, Hữu Thành vẫn tác nghiệp – nghe đâu có vài ba ảnh “tự sướng “, mà tôi cũng có phần - cảm động, mình chưa bị quên  :-) -  còn dân tình thì vẻ mệt mỏi lộ rõ. Riêng có trưởng đoàn Dân, đi đâu một lúc thấy khuân tới một cái hộp xốp, tôi nghĩ là kem mua cho đoàn, tò mò hỏi thêm “Đựng gì đấy? “ – thì được nghe trả lời “rằng thì là mà đó là của học viên kính biếu thầy cô “( !? ).

Chờ một hồi rồi cũng đến giờ lên tầu, lần này không nằm mà là ngồi – mà vẫn lại “tan đàn xẻ nghé “ –  nghĩa là hơn chục người chia thành 2, 3, 4 cụm – có cụm xuôi theo hướng đi, có cụm ngược, và còn khác cả toa nữa.

Lần này, tôi phải thương lượng với Sơn Xì, vì nếu ngồi quay lưng lại với hướng đi của tầu – tôi chắc sẽ bị “rối loạn tiền đình “ ngay. Đồng chí ấy đổi cho tôi, còn đồng chí ấy ngồi đâu ở đầu toa.
Tôi vẫn còn giữ cái vé của Sơn
Sáng sau xuống ga thấy thần sắc Sơn kém quá - hỏi thì bảo “ không ngủ được …” tôi cứ lăn tăn tới tận giờ.
Với tôi, đêm khi quay ra qua nhanh hơn chuyến vào, các bạn nữ cũng bảo là lúc ra ngồi dễ chịu hơn, nhưng các bạn nam - cụ ông – thì kêu ngồi khó chịu lắm . Thêm một vi dụ biện minh cho luận điểm “ Phụ nữ đến từ sao Kim, đàn ông đến từ sao Hoả “
Ngồi cả đêm, bên cạnh cái cửa có bồn rửa tay và chiếc gương tôi lại phát hiện ra một điều thú vị, không phải chỉ phụ nữ thích soi gương, mà thực sự là con trai và đàn ông rất hay soi gương, mà sau đó thì họ lại quên tắt đèn. (Đêm ấy số đàn ông ra ngắm vuốt trước gương nhiều hơn số phụ nữ)

Tầu chưa vào đến ga Hà nội, trong toa lờ mờ tối, thấy Hữu Thành tới, đưa cho mỗi tên một quả cam ngọt -“ăn cho tỉnh ngủ “, một lúc sau Hiệp cũng lại, tán vài ba câu thì tầu dừng hẳn.
Xuống đến sân ga, Hà nội vẫn còn đang ngủ - cả bọn lại líu tíu chia tài sản  - vội vã chào nhau – hình như không kịp lưu luyến gì (hic) – và lên xe, kẻ nam người bắc …

Kết thúc một chuyến đi thú vị - với lời hẹn gặp lại.



(Chuyến đi thành kỷ niệm khó quên với tôi, tôi háo hức chờ đợi những một năm có lẻ cơ mà - và tôi ghi lại theo cảm xúc của riêng bản thân để chia sẻ với các bạn.
Lần hẹn sau lại cũng sẽ là một năm nữa ...)

Chủ Nhật, 1 tháng 2, 2015

Lan man trên đường (3) : Ngày 3/01/2015- Đồng hới, An xá, Vũng Chùa


Trời sáng dần, các cụ bà, Trò, Hợp, Thành Minh và tôi dựng cái giường ngủ của tôi lên, và ngồi tán linh tinh. Muốn có ít nước nóng, tôi rủ Thành Minh đi sang toa bên cạnh - để tìm nước và tiện thể ngắm dân tình. Cái toa đó cũng có các ngăn riêng, nhưng vắng tanh, chỉ có 2 ông khách (vẫn biết tò mò là không hay, nhưng bản tính tò mò thì ...:-)) – và mỗi ngăn chỉ có 4 giường nằm. Tôi nghĩ thầm “ Biết thế ta làm theo “chuyển động Brown”, đêm trước tự di chuyển sang nơi trống… “, thôi rút kinh nghiệm, để lần sau.
Chúng tôi tìm thấy nơi để cốc, rất sạch và cả nước lạnh, nước nóng đàng hoàng – phòng rửa mặt có bồn rửa mặt, có cả gương – tôi không vào nơi rửa mặt của toa chúng tôi nên không biết nó thế nào. Yên tâm là có nơi đánh răng rửa mặt – chúng tôi lấy về đôi ba chiếc cốc nhựa (hay giấy) và thông tin cho Hợp và Trò.
Vài ba phút tút lại dung nhan, các cụ bà trông đỡ phờ phạc. Hiệp đã ra mồ hôi và hạ sốt - đỡ lo cho bạn.
Các cụ ông lượn đi lượn lại ngoài hành lang, chờ tầu đỗ hẳn, quan sát nhanh -  sau một đêm dài nhìn thấy vẫn phong độ chán (Hì)



Đồng hới
Tầu dừng, vai đeo, tay xách, chẳng nhiều nhặn gì mà sao cũng lỉnh kỉnh - chúng tôi xuống tầu - thở ra một hơi dài,  nhẹ nhõm “tạm biệt chiếc WC, không hẹn gặp lại”, sân ga như mọi sân ga – (tôi nhớ sân ga nhỏ bên bờ ĐTH, nó cũng thế), tay khư khư chiếc vé – không hiểu sao lại nghĩ là nhân viên nhà ga sẽ kiểm tra vé lúc xuống tầu nữa ???
Cậu lái xe đã chờ sẵn, đưa chúng tôi lên xe đi tìm chỗ ăn sáng, dọc hai bên đường cảnh trí giống như các thị xã thành phố mới ngoài bắc, tôi lẩm nhẩm “ sao giống thị xã Sơn tây thế”, nhà nào cũng 2 mét mặt tiền, liền sát, nhấp nhô cao thấp đua nhau …
Hàng phở nơi chúng tôi dừng chân, trương biển “Phở Nam định “ – hay thế, đúng là đi xa ngàn dặm ăn bát phở cổ truyền của quê hương. Phở không tệ chút nào, cho dù nước dùng hơi đậm đà. Uống xong cốc nước ấm ấm của nhà hàng, tôi không nhớ là nước vối hay chè xanh nữa, chúng tôi lên xe về thăm quê của Đại tướng.

Trước đấy tôi cứ hình dung Quảng bình rất hẹp, trước mặt là biển , sau lưng là núi rừng biên giới – hai bên đường sẽ nhìn thấy những cồn cát trắng, với những luống khoai thẳng tắp xanh mướt , sẽ nhìn thấy mây trên đỉnh núi – (híc) - đấy là tôi tưởng tượng, chứ xem vô tuyến thì biết là không phải thế. Đồng ruộng thoáng đãng, có vẻ sự ô nhiễm môi trường chưa thâm nhập đến đây, nhưng hình như đất không phì nhiêu lắm. Gần trưa chúng tôi đến làng quê Đại tướng, làng An xá, Lộc thuỷ, Lệ thuỷ, Quảng bình.


An xá - Nhà lưu niệm Đại tướng

Chúng tôi vào dâng hoa và thắp hương.  Người cháu của Đại tướng kể cho chúng tôi rằng “Ngôi nhà khiêm nhường được dựng lại trên nền nhà và theo trí nhớ của căn nhà ngày trước. Chiến tranh, thiên tai và thời gian đã tàn phá gần hết, sân và vườn cũng không như xưa, vườn chỉ còn lại cây khế được trồng vào thời gian đại tướng sinh ra - vẫn còn chiu chít quả và một cây vú sữa lâu năm không kết trái nữa. Lẽ ra là có 2 cây, nhưng trận bão số 10 năm trước đã làm một cây bị bật gốc rồi…”
Đất quê nghèo, gia đinh với nền nếp gia phong đã sinh ra và nuôi dưỡng Người có  “lối sống giản dị và đức hiếu học, sự kính trọng tổ tiên và ông bà cha mẹ, sự kính trên nhường dưới, đạo hiếu của con cái với cha mẹ, nghĩa vụ của con người với gia đình, xã hội và Trời Đất.” (vi.wikipedia.org/wiki/Vo_Nguyen_Giap).
(Ảnh các bạn đã xem trong bài của Hữu Thành)
Qúa trưa, trước khi tạm biệt nhà lưu niệm Đại tướng, chúng tôi ra chụp ảnh ở bến nước trước nhà – sông Kiến giang mà tôi đã từng được biết qua lời hát, bài học địa lý và văn thơ .

Rồi đi qua nhà Phong Trò, cách đó chừng mươi cây số và sau đó là lên xe đi ngược lên Vũng Chùa.
Dọc đường, để nạp năng lượng, xe đỗ lại ăn trưa ở một quán ven đường – tên là gì quên mất rồi (???):-(, cái vụ ăn trưa này là bằng chứng hùng hồn cho câu “tham thực thì cực thân “)

Bữa trưa đó có hai ba loại bánh của gia đình Phong – bánh ít, bánh bột lọc hay bánh hỏi nhân tôm, nhân chay gì đó – có nước chấm – pha rất tuyệt, khoái khẩu vô cùng.
Sau đó lại còn gọi thêm canh rau, và vài món khác nhưng tôi chỉ nhớ là có món cá rô đồng rán (chưa giòn), với cá bống kho (chưa khô) với cơm. Tôi nhìn thấy cá rô rán, thế là ăn lia lịa, (tới 3 con liền - tham mà) – dù đã được Hợp cảnh báo là “cẩn thận “ – và đúng là trên đường, tôi thấm thiá thế nào là “cái mồm làm vạ cái thân “.



Vũng Chùa
Đường đi về phía bắc tỉnh (hì – đây cách đèo Ngang rất gần), huyện Quảng trạch, đoạn đường dài chắc khoảng trăm cây số(?), đang hoàn thiện. Đoạn cuối đi men theo bờ biển, ngang qua bãi Đá Nhẩy, một bãi biển đẹp có cái tên là lạ, hấp dẫn, tôi được ngắm qua các bức ảnh chụp. Trong xe không thấy ồn ào tán nữa - chắc là mọi người ngủ (?)

Chúng tôi đến Vũng Chùa, một bên là đồi rừng cây xanh, phía bên kia là biển với hòn Yến chắn sóng. Chúng tôi viếng mộ Đại tướng - Người nằm đấy - giữa đất trời quê hương, gió biển và tiếng sóng ngàn năm ru giâc ngủ của Người – bình yên.

Lan man: Tháng giêng xa

Tháng giêng qua, và em cũng đã xa.
Một thoáng buồn, sắt se nỗi nhớ,
Lại vời vợi biển trời cách trở,
Bốn mùa qua...

Hết tháng giêng rồi,
Em nhẩm đếm ngày xa,
Ngắm vầng trăng khuyết, tròn nơi biển biếc.
Lắng tiếng sóng rì rầm,
Hòa tiếng lá cây rừng trùng điệp.
Mặt hồ gương - đỉnh trắng tuyết in,
Núi soi bóng nước - im lìm,
Dòng sông đầy vơi sóng sánh...

Ngày cuối đông se lạnh,
hồ Tây, gió lộng về đêm.
Sương mù tỏa lan, vương vấn, êm đềm
   lung linh đèn sáng.
Bọt tăm cá - mặt nước hồ lấp loáng,
Đung đưa cành, dáng liễu nghiêng nghiêng...

Đêm  
Yên ắng
    Trôi
Tháng giêng
   Đọng
     bao kỷ niệm đầy vơi