Thứ Hai, 2 tháng 2, 2015

Lan man trên đường (4 - hết) : Lại trở về sân ga - chia tay - rạng sáng 4/01/2015

Đường về, cậu lái xe nhấn ga (chắc sợ không kịp giờ), thả vô lăng nên những lúc vòng tôi có cảm giác mình bị liệng như con vụ. Cảnh rất đẹp, nhưng đường không đẹp lắm, có nhiều đoạn đương làm hoặc sửa. Đi đường tôi hay bị say xe, mà tình cảnh say xe thật đáng sợ. Lúc lên "cơn " thì không còn tán chuyện, cũng chẳng cười đùa. Không còn nhìn trời đất được, mà cúi gục đầu, mắt nhắm tít, tay giữ khư khư chiếc túi nilon - nôn nao – không phải là nhớ ai và dứt khoát là lúc ấy không ai có thể nhớ – và cứ từng đợt từng đợt “ trả lại “ bữa ăn trưa. Cuối cùng khi trả hết, nước mắt dàn dụa – thì người thấy nhẹ nhõm, dễ chịu hẳn đi - giống khi đau buồn luôn được khuyên nhủ “ hãy khóc đi, khóc được sẽ nhẹ lòng hơn …(hic, hic)”, trời cũng gần tối.

Trước khi trở lại ga Đồng hới, chúng tôi ăn tối ở quán ăn cửa biển Nhật lệ.
Xe dừng, mọi người xuống xe hết rồi, tôi nằm co ro trên ghế xe vài phút, thần hồn trở lại với thần xác ngay, nhẩy xuống đất, nhờ cậu lái xe đóng cửa xe. Bên ngoài các bạn đã tản ra, tôi liệng cái túi nilon vào cái thùng rác, nhìn quanh chỉ còn thấy Vân – lúc này trông Vân thật thểu não, phờ phạc - chắc là Vân sẽ cạch đến già - cá rô rán với bưởi chua...
Quán ăn cạnh biển. Trời sập tối, trở gió, biển tối sẫm, chỉ có sóng chồm lên bãi cát, bắn tung ra những hạt nước li ti lạnh giá. Sân của quán ăn sát với bờ cát – giá mà có trăng, thì hẳn là thật nên thơ…
Hiệp đã đặt trước bữa ăn, trong lúc chờ đợi - Trò lục trong đám túi còn một túm bánh mì nhỏ, nguội ngắt, "Không hề gì, tìm cách nướng lại, hẳn là OK ". Thành Minh và tôi lượn vào khu bếp của họ, kiếm được một cái lò than con con, một siêu nước đang ngự trên đó. Không hỏi han chủ bếp, chúng tôi cứ tự nhiên rinh cái siêu ra bên cạnh và sử dụng cái lò như là của mình sau khi kiếm được một cái que - không biết là đũa hay que thông lò để giở bánh mì (cái tính tự nhiên quá đáng này đôi khi cũng được việc và đáng được tha thứ ... hì hì ...)
Ít phút sau, hơn chục chiếc bánh mì lại giòn và  thơm ( cả thơm mùi cháy nữa )...
Bữa ăn toàn các đồ ăn biển - tôm luộc, canh sò, mực hấp hay luộc nhìn rất ngon  nhưng mà tôi không dám ăn, (vẫn còn biết sợ sệt, giữ cho cái dạ dầy ) - nhưng dù sao thì cũng không ngần ngại ăn hẳn cả một bát đầy cơm trắng - cơm tẻ Nhật lệ ngon tuyệt. Nếu lần sau có vào, dứt khoát tôi sẽ lại gọi cơm.
Xe qua bến đò mẹ Suốt – đi vào trong thơ văn và thành một huyền thoại về tấm lòng yêu nước và dũng cảm. Bức tượng mẹ Suốt chèo đò bên bờ sông, ánh đèn, ánh nước lung linh – dòng nước lững lờ, bình lặng – nhưng không ai quên dòng sông hiền hòa đó có  một thời oanh liệt sôi động với bao sự tích anh hùng…
Theo trưởng đoàn Dân, còn có một di tích chiến tranh nữa – đó là nhà thờ còn sót lại sau bao bom đạn, nhưng sợ muộn giờ tầu nên xe đi thẳng ra ga.

Sáng vừa đến, tối trở về mà đã thấy không còn lạ nữa. Lại phòng chờ - trở lại với không khí ồn ào của đám đông, sư náo động đời thường.
Trong phòng ngồi đợi, Hữu Thành vẫn tác nghiệp – nghe đâu có vài ba ảnh “tự sướng “, mà tôi cũng có phần - cảm động, mình chưa bị quên  :-) -  còn dân tình thì vẻ mệt mỏi lộ rõ. Riêng có trưởng đoàn Dân, đi đâu một lúc thấy khuân tới một cái hộp xốp, tôi nghĩ là kem mua cho đoàn, tò mò hỏi thêm “Đựng gì đấy? “ – thì được nghe trả lời “rằng thì là mà đó là của học viên kính biếu thầy cô “( !? ).

Chờ một hồi rồi cũng đến giờ lên tầu, lần này không nằm mà là ngồi – mà vẫn lại “tan đàn xẻ nghé “ –  nghĩa là hơn chục người chia thành 2, 3, 4 cụm – có cụm xuôi theo hướng đi, có cụm ngược, và còn khác cả toa nữa.

Lần này, tôi phải thương lượng với Sơn Xì, vì nếu ngồi quay lưng lại với hướng đi của tầu – tôi chắc sẽ bị “rối loạn tiền đình “ ngay. Đồng chí ấy đổi cho tôi, còn đồng chí ấy ngồi đâu ở đầu toa.
Tôi vẫn còn giữ cái vé của Sơn
Sáng sau xuống ga thấy thần sắc Sơn kém quá - hỏi thì bảo “ không ngủ được …” tôi cứ lăn tăn tới tận giờ.
Với tôi, đêm khi quay ra qua nhanh hơn chuyến vào, các bạn nữ cũng bảo là lúc ra ngồi dễ chịu hơn, nhưng các bạn nam - cụ ông – thì kêu ngồi khó chịu lắm . Thêm một vi dụ biện minh cho luận điểm “ Phụ nữ đến từ sao Kim, đàn ông đến từ sao Hoả “
Ngồi cả đêm, bên cạnh cái cửa có bồn rửa tay và chiếc gương tôi lại phát hiện ra một điều thú vị, không phải chỉ phụ nữ thích soi gương, mà thực sự là con trai và đàn ông rất hay soi gương, mà sau đó thì họ lại quên tắt đèn. (Đêm ấy số đàn ông ra ngắm vuốt trước gương nhiều hơn số phụ nữ)

Tầu chưa vào đến ga Hà nội, trong toa lờ mờ tối, thấy Hữu Thành tới, đưa cho mỗi tên một quả cam ngọt -“ăn cho tỉnh ngủ “, một lúc sau Hiệp cũng lại, tán vài ba câu thì tầu dừng hẳn.
Xuống đến sân ga, Hà nội vẫn còn đang ngủ - cả bọn lại líu tíu chia tài sản  - vội vã chào nhau – hình như không kịp lưu luyến gì (hic) – và lên xe, kẻ nam người bắc …

Kết thúc một chuyến đi thú vị - với lời hẹn gặp lại.



(Chuyến đi thành kỷ niệm khó quên với tôi, tôi háo hức chờ đợi những một năm có lẻ cơ mà - và tôi ghi lại theo cảm xúc của riêng bản thân để chia sẻ với các bạn.
Lần hẹn sau lại cũng sẽ là một năm nữa ...)

2 nhận xét:

  1. Đã định không vào chùa BĐ nữa sợ lại bị lừa nhưng rõi nốt cái "Lan man 4" mới thấy XV quả có tài quan sát và mô tả thực tế , thế nên không thể không tặng vài lời khen (chân thành 100%). Chỉ lo Trọng Dân không biết bằng cách nào để làm rõ cái vụ thùng xốp với Vinh - ác ghê .
    Mà mấy cái dòng áp cuối cũng không chính xác lắm đâu, bằng chứng là tiếp sau đó là có đến mấy vụ gặp gỡ dui dẻ, thế mà biểu là không lưu luyến (!!!)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì, chùa bà Đanh nhưng có chú tiểu mặt xinh như trăng rằm (híc hic) - lại là quả lừa đấy - (hic hic).
      Cái vụ hộp xốp ấy - rõ như 1+ 1 = 1 của tin học - là học viên cũ hối lộ thấy giáo già và cô là vợ của thầy, nghe đồn là cua bể hay cá bể gì đó - ức cái làm tớ mừng hụt , tưởng cả đoàn được chiêu đãi kem :-(
      Cái vụ ở trên sân ga ấy, phải xét lại mới được, nhưng mà lúc ấy ước mơ lớn nhất của tớ là ... đố Thành Minh đoán được.
      Đa ta lời khen dân quản lý dữ liệu nên hay lượm lặt mà.

      Xóa

huuthanh.ng@gmail.com, binhdannin@gmail.com, xuanvinhbui08@gmail.com, vphuong_h@hotmail.com, ngaugaunguyen@yahoo.com, thanhminhle2002@yahoo.com, ntdan2005@yahoo.com.vn, vutuyen1952@yahoo.com.vn, phongtran.vc5@gmail.com, dungnm20152@gmail.com, pvbenkhtn@gmail.com, pgsts969@gmail.com, thithamvtv2@gmail.com, minhnvhut@gmail.com, vmcthy@yahoo.com, pkchi.ndn@gmail.com, phutho.hoangngocthanh@gmail.com, dshien52@yahoo.com