Chủ Nhật, 1 tháng 2, 2015

Lan man trên đường (3) : Ngày 3/01/2015- Đồng hới, An xá, Vũng Chùa


Trời sáng dần, các cụ bà, Trò, Hợp, Thành Minh và tôi dựng cái giường ngủ của tôi lên, và ngồi tán linh tinh. Muốn có ít nước nóng, tôi rủ Thành Minh đi sang toa bên cạnh - để tìm nước và tiện thể ngắm dân tình. Cái toa đó cũng có các ngăn riêng, nhưng vắng tanh, chỉ có 2 ông khách (vẫn biết tò mò là không hay, nhưng bản tính tò mò thì ...:-)) – và mỗi ngăn chỉ có 4 giường nằm. Tôi nghĩ thầm “ Biết thế ta làm theo “chuyển động Brown”, đêm trước tự di chuyển sang nơi trống… “, thôi rút kinh nghiệm, để lần sau.
Chúng tôi tìm thấy nơi để cốc, rất sạch và cả nước lạnh, nước nóng đàng hoàng – phòng rửa mặt có bồn rửa mặt, có cả gương – tôi không vào nơi rửa mặt của toa chúng tôi nên không biết nó thế nào. Yên tâm là có nơi đánh răng rửa mặt – chúng tôi lấy về đôi ba chiếc cốc nhựa (hay giấy) và thông tin cho Hợp và Trò.
Vài ba phút tút lại dung nhan, các cụ bà trông đỡ phờ phạc. Hiệp đã ra mồ hôi và hạ sốt - đỡ lo cho bạn.
Các cụ ông lượn đi lượn lại ngoài hành lang, chờ tầu đỗ hẳn, quan sát nhanh -  sau một đêm dài nhìn thấy vẫn phong độ chán (Hì)



Đồng hới
Tầu dừng, vai đeo, tay xách, chẳng nhiều nhặn gì mà sao cũng lỉnh kỉnh - chúng tôi xuống tầu - thở ra một hơi dài,  nhẹ nhõm “tạm biệt chiếc WC, không hẹn gặp lại”, sân ga như mọi sân ga – (tôi nhớ sân ga nhỏ bên bờ ĐTH, nó cũng thế), tay khư khư chiếc vé – không hiểu sao lại nghĩ là nhân viên nhà ga sẽ kiểm tra vé lúc xuống tầu nữa ???
Cậu lái xe đã chờ sẵn, đưa chúng tôi lên xe đi tìm chỗ ăn sáng, dọc hai bên đường cảnh trí giống như các thị xã thành phố mới ngoài bắc, tôi lẩm nhẩm “ sao giống thị xã Sơn tây thế”, nhà nào cũng 2 mét mặt tiền, liền sát, nhấp nhô cao thấp đua nhau …
Hàng phở nơi chúng tôi dừng chân, trương biển “Phở Nam định “ – hay thế, đúng là đi xa ngàn dặm ăn bát phở cổ truyền của quê hương. Phở không tệ chút nào, cho dù nước dùng hơi đậm đà. Uống xong cốc nước ấm ấm của nhà hàng, tôi không nhớ là nước vối hay chè xanh nữa, chúng tôi lên xe về thăm quê của Đại tướng.

Trước đấy tôi cứ hình dung Quảng bình rất hẹp, trước mặt là biển , sau lưng là núi rừng biên giới – hai bên đường sẽ nhìn thấy những cồn cát trắng, với những luống khoai thẳng tắp xanh mướt , sẽ nhìn thấy mây trên đỉnh núi – (híc) - đấy là tôi tưởng tượng, chứ xem vô tuyến thì biết là không phải thế. Đồng ruộng thoáng đãng, có vẻ sự ô nhiễm môi trường chưa thâm nhập đến đây, nhưng hình như đất không phì nhiêu lắm. Gần trưa chúng tôi đến làng quê Đại tướng, làng An xá, Lộc thuỷ, Lệ thuỷ, Quảng bình.


An xá - Nhà lưu niệm Đại tướng

Chúng tôi vào dâng hoa và thắp hương.  Người cháu của Đại tướng kể cho chúng tôi rằng “Ngôi nhà khiêm nhường được dựng lại trên nền nhà và theo trí nhớ của căn nhà ngày trước. Chiến tranh, thiên tai và thời gian đã tàn phá gần hết, sân và vườn cũng không như xưa, vườn chỉ còn lại cây khế được trồng vào thời gian đại tướng sinh ra - vẫn còn chiu chít quả và một cây vú sữa lâu năm không kết trái nữa. Lẽ ra là có 2 cây, nhưng trận bão số 10 năm trước đã làm một cây bị bật gốc rồi…”
Đất quê nghèo, gia đinh với nền nếp gia phong đã sinh ra và nuôi dưỡng Người có  “lối sống giản dị và đức hiếu học, sự kính trọng tổ tiên và ông bà cha mẹ, sự kính trên nhường dưới, đạo hiếu của con cái với cha mẹ, nghĩa vụ của con người với gia đình, xã hội và Trời Đất.” (vi.wikipedia.org/wiki/Vo_Nguyen_Giap).
(Ảnh các bạn đã xem trong bài của Hữu Thành)
Qúa trưa, trước khi tạm biệt nhà lưu niệm Đại tướng, chúng tôi ra chụp ảnh ở bến nước trước nhà – sông Kiến giang mà tôi đã từng được biết qua lời hát, bài học địa lý và văn thơ .

Rồi đi qua nhà Phong Trò, cách đó chừng mươi cây số và sau đó là lên xe đi ngược lên Vũng Chùa.
Dọc đường, để nạp năng lượng, xe đỗ lại ăn trưa ở một quán ven đường – tên là gì quên mất rồi (???):-(, cái vụ ăn trưa này là bằng chứng hùng hồn cho câu “tham thực thì cực thân “)

Bữa trưa đó có hai ba loại bánh của gia đình Phong – bánh ít, bánh bột lọc hay bánh hỏi nhân tôm, nhân chay gì đó – có nước chấm – pha rất tuyệt, khoái khẩu vô cùng.
Sau đó lại còn gọi thêm canh rau, và vài món khác nhưng tôi chỉ nhớ là có món cá rô đồng rán (chưa giòn), với cá bống kho (chưa khô) với cơm. Tôi nhìn thấy cá rô rán, thế là ăn lia lịa, (tới 3 con liền - tham mà) – dù đã được Hợp cảnh báo là “cẩn thận “ – và đúng là trên đường, tôi thấm thiá thế nào là “cái mồm làm vạ cái thân “.



Vũng Chùa
Đường đi về phía bắc tỉnh (hì – đây cách đèo Ngang rất gần), huyện Quảng trạch, đoạn đường dài chắc khoảng trăm cây số(?), đang hoàn thiện. Đoạn cuối đi men theo bờ biển, ngang qua bãi Đá Nhẩy, một bãi biển đẹp có cái tên là lạ, hấp dẫn, tôi được ngắm qua các bức ảnh chụp. Trong xe không thấy ồn ào tán nữa - chắc là mọi người ngủ (?)

Chúng tôi đến Vũng Chùa, một bên là đồi rừng cây xanh, phía bên kia là biển với hòn Yến chắn sóng. Chúng tôi viếng mộ Đại tướng - Người nằm đấy - giữa đất trời quê hương, gió biển và tiếng sóng ngàn năm ru giâc ngủ của Người – bình yên.

2 nhận xét:

  1. Toa mà mỗi khoang có 4 giường gọi là "toa nằm mềm", các giường (nằm) của nó là đệm (mềm) chứ không phải phản (nằm) gỗ (cứng) như khoang 6 giường.

    Trả lờiXóa
  2. Đã có phân biệt rõ mềm - cứng, đệm - phản thì khó "tự chuyển động " rồi nhỉ, bởi nôm na là phân biệt giai cấp rồi :-)

    Trả lờiXóa

huuthanh.ng@gmail.com, binhdannin@gmail.com, xuanvinhbui08@gmail.com, vphuong_h@hotmail.com, ngaugaunguyen@yahoo.com, thanhminhle2002@yahoo.com, ntdan2005@yahoo.com.vn, vutuyen1952@yahoo.com.vn, phongtran.vc5@gmail.com, dungnm20152@gmail.com, pvbenkhtn@gmail.com, pgsts969@gmail.com, thithamvtv2@gmail.com, minhnvhut@gmail.com, vmcthy@yahoo.com, pkchi.ndn@gmail.com, phutho.hoangngocthanh@gmail.com, dshien52@yahoo.com