Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2015

Bưu cục T104 - Ký ức không của riêng ai


Hẳn các bạn còn nhớ T104 B1a- T104 B1b là địa chỉ bưu điện của lớp mình khi vào năm thứ nhất.  T104 là ký hiệu của Trường ĐHTH kể từ những ngày đầu tiên đi sơ tán – hình như tận Đại Từ, Thái Nguyên. Bởi vậy nên đọc tờ Văn Nghệ số 21 (23/5/2015) thấy bài viết với tiêu đề  “Người ở bưu cục T104.E.BC.13H” mình thoáng ngạc nhiên, ngạc nhiên theo kiểu sao lại có ai đó còn lưu  giữ được  ký ức về cái bưu cục đã xa xưa lắm của Trường mình, đọc kỹ thì mới rõ bác tác giả cũng vốn là sinh viên khoa Văn của Trường ta, nhưng hơn chúng ta đến 4 khóa, nhớ được đến cả cái bưu cục dài dài với toàn chữ cái và các con số thì phải là người  yêu và gắn bó với Trường, Lớp , với bạn bè lắm lắm. Nội dung ra sao mọi người cố tìm đọc sẽ rõ, mình chẳng có ý muốn kể lại (chăc làm thế lại thành hâm hâm), mình chỉ muốn lướt lại ký ức  đã từng song hành với cái bưu cục này trong những năm học đầu tiên mà thôi. 
Thực ra thì  T104 B1b chẳng qua cũng chỉ là một địa chỉ bưu điện , nếu không có chiến tranh nó sẽ được thay bằng một cái tên cụ thể , nhưng tại thời điểm ấy nhập trường với đ/c T104 B1b mình cảm thấy  được lớn hơn một chút, có vẻ như đã được coi là một thành viên độc lập, có vẻ như đã xa dần khỏi cái bóng che chở của gia đình  - mặc dù cuối tuần nào cũng vẫn háo hức về nhà ăn ké cơm  và xin tiền tiêu vặt của bố mẹ- cũng chẳng hiểu tại sao, tâm trạng lúc đó là thế, cũng có thể là do cái tính dở dở của bọn mới lớn. Bây giờ nghĩ lại chắc cũng chỉ là đã cảm thấy được tự do hơn, bạn bè có trao đổi thư từ thì các bậc phụ huynh cũng khó biết để cảnh giác ??? Còn thì có gì đâu nhỉ, các bạn ở xa thì còn mong tin tức gia đình, mình thì chỉ toàn thư của các bạn thời phổ thông, thư qua thư lại chắc chỉ khác nhau ở cái tên, khác nhau về ngày tháng chứ cũng chả có sự kiện gì lớn lao, chả có biến cố gì ghê gớm… hình như là thế thôi, chịu không thể hiểu nổi . Tuy nhiên  có một điều là thi thoảng nhớ tới cái đ/c T104 B là mình nhớ ngay tới  khoảng thời gian ở Dục Tú và Thượng đình, nhớ tới những buổi chiều khi giờ thư đến cả bọn con gái lại ngóng đợi xem có thư mình hay không, mình nhớ vậy chắc là thư từ lúc đó cũng có ảnh hưởng nhiều lắm bởi nếu không sao còn nhớ đến tận bây giờ (!).

Dù  gì chăng nữa cái đ/c T104 B 1 cũng là một phần  nhỏ trong chuỗi những kỷ niệm của ta với Trường cũ.  Mỗi khi thả hồn theo mây gió nghĩ về mọi chuyện đã qua T104 B1 vẫn là một thành phần nằm trong “ngăn kéo”  của kỷ niệm xưa, nói tiếc thì quá lời nhưng quả là cũng thấy nhơ nhớ.

13 nhận xét:

  1. Tớ thì khi chưa vào trường đã biết cái ký hiệu T104 rồi, nhưng là T104 C1/K9, C2/K9, C3/K9 rồi C4/K9 - đấy là lớp của chị gái tớ. Các anh chị ấy sơ tán ở Đại từ Và khi vào trường thì tớ có cái điạ chỉ T104 B1B/K14. Ký ức chẳng của riêng ai, nhưng mỗi người hẳn có những điều rất riêng tư trong ký ức. Hôm rồi tớ cũng đọc bài này trên Vănnghệ Nghệ an - đọc mà nhớ - coi hình ban giám hiệu đi thăm bếp ăn tập thể - chắc là ở rừng Đại từ, cô gái (chị ấy chắc hơn tớ ít nhất vài khóa) áo sơ mi trắng, mái tóc dài cùng với các bạn - thầy giáo ân cần ... - mà thấy cay cay sống mũi.
    Cái thời đó dễ gì ta quên được !

    Trả lờiXóa
  2. Theo tôi trường mình vốn không dùng kí hiệu số cho khóa. Hồi tốt nghiệp rồi tôi chỉ biết mình khóa 69-73. Vì chiến tranh nên kéo dài sang 74 nhưng khóa học vẫn là 4 năm.

    Trả lờiXóa
  3. Ừ, không có cái ký hiệu khoá mà tiếp đó là địa chỉ của xóm làng nơi đạt bếp và lớp học.
    (Bài thì tớ đọc ở VNNA - ảnh thì thấy trong trang của trường ại học nhân văn của Khuất Bình Nguyên anh ấy viết thật hay
    Chỉ biết thung lũng Đại Từ những năm chiến tranh đã là thung lũng của hòa bình. Của tri thức. Của những gì tốt đẹp bắt đầu cho nhiều thân phận con người đã một lần ghi dấu ấn ở đây. Mấy chục năm trời trở lại vẫn như xưa. Vẫn núi ấy. Suối ấy. Con đường ấy. Thậm chí cả những mái nhà ấy nữa. Rất ít đổi thay. Dù ánh điện đã được mang đến thung lũng đèn dầu lúp xúp ngày xưa. Sự không đổi cả trong cảm giác khi chân trần lội qua con suối vẫn mơn man chảy từ độ ấy đến giờ. Những mùa lúa vẫn rơm rớm vàng trong thung lũng như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Đất nước gần một thế kỷ đi qua máu lửa của chiến tranh vẫn giành cho ta một thung lũng yên bình để khi bước vào thử thách ta hiểu được. Tuổi hai mươi làm sao không tiếc. Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc. Cỏ sắc mà ấm quá phải không em? Tôi thử dùng Khối vuông Ru bích của Thanh Thảo. Anh bảo ru-bích không phải là trò chơi lãng quên. Tôi xoay những ô vuông thêm một lần nữa. Lần thứ 58. Ngoài bản trường ca. Đột nhiên dòng suối Đôi hiện ra trong ngăn ngắt. Viên cuội trắng pha xanh vẫn hiền lành nằm dưới đáy. Viên cuội tôi đã dẫm phải năm 18 tuổi. Thời còn tuổi học trò mà tôi đã lãng quên.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng rồi, đây là đoạn cuối của bài viết. Đúng là giọng của nhà văn chính hiệu bồ nhỉ.

      Xóa
  4. Mà Thành Minh cũng tài, nhớ hòm thư. Tôi từ năm 65 đã bắt đầu có hòm thư quân sự, mà giờ chả nhớ. Chắc hồi ấy còn những thứ trẻ con ấn tượng hơn?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. ỒI giời, tài chi mà tài, cả đời tớ có mỗi một hòm thư theo kiểu này sao mà chẳng nhớ, với lại bọn con gái chắc viết và nhận nhiều thư hơn.

      Xóa
  5. Nhắc tới Đại Từ, đó không chỉ trong ký ức của các lứa đàn anh. Đại Từ còn là "xứ thần tiên" của bọn tôi, thần tiên vì tuổi trẻ con từng trôi qua ở đó. Những năm ấy đã nghe nói ĐHTH "ở bên kia". Sau này biết là Văn Yên, Ký Phú,... còn bọn tôi ở An Mỹ, cách một cái khe giữa núi Tam Đảo và một dãy đồi dài.

    Trả lờiXóa
  6. Báo cáo các Bác em đang theo dõi chương trình Giọng hát Việt, thấy các ca sĩ tương lai cứ ra vào thi thố, em chợt nảy tứ thơ con kiến, trộm phép các Bác được xuất bản :
    Hôm qua trời nắng chang chang
    Có ba con gián đi ra đi vào
    Hôm nay trời đổ mưa rào
    Có ba con gián đi vào đi ra.
    (Chú thích : câu đầu là đạo của nhà thơ Phan thị Vàng Anh trong bài Mèo con đi học )

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khiêm tốn quá, nghĩ thơ mình hay, đổ ngay cho... con kiến.
      Có mà thơ con gián í í...

      Xóa
    2. Tài thơ này ...(hic hic)
      Ngày mai một con gián hết ngày nghỉ đi làm rồi

      Xóa
  7. Tôi không biết Đại từ - nhưng được đọc một bài viết của thầy Đinh Văn Đức, có đoạn thế này

    Hòm thư lưu mật danh T104-BC11C,
    Nghe những người đi trước kể lại thì Đại Từ nơi ấy cảnh đẹp nhưng hiu hắt và dân nghèo lắm. Sinh viên các lớp khoá 7, 8, 9 sau nghỉ hè lập các đại đội, đi tàu đến ga Phổ Yên rồi hành quân bộ băng rừng theo lối Quân Chu - Ký Phú
    Các khoa được sắp xếp men theo các sườn núi cách nhau vài ba cây số. Tôi nhớ Khoa Địa ở Lục Ba, Khoa Sử ở xóm Chùa (nay đã là đáy hồ Núi Cốc), Khoa Văn ở xóm Núi và Tràng Dương, Khoa Toán ở xóm Bầu, Khoa Hoá ở xóm Bậu, Khoa Sinh ở Ký Phú. Hiệu bộ và Khoa Lý đóng ở giữa thung lũng, trung độ, gần đường, tiện đến các khoa, cách đó hơn một cây số là thư viện trường trên những quả đồi có tên rất hay là làng Duyên.
    Không biết từ đâu ở Khoa Ngữ văn đã ra đời một tiểu thuyết chương hồi truyền miệng: ”Sơ tán diễn nghĩa”, các nhân vật đều có từ người thật việc thật. Có những chương nhớ mãi tới bây giờ, cứ sau mỗi chương thì hình như sinh viên các lớp lại sáng tác về chuyện lớp mình rồi nối vào, thành ra có nhiều dị bản. Có những chương ngày ấy ai cũng biết, như:
    Ngụy hiệu trưởng dắt xe lên non,
    Hoàng chủ nhiệm cưỡi trâu qua suối.
    Chả là từ ngày lên đây, GS. Ngụy Như Kontum đã để lại Hà Nội chiếc xe hơi “Mốt-cô-vich” đời 1946 cũ kỹ, thay vì nó, ông đạp xe đạp đi hết khoa này khoa khác để kiểm tra, động viên thầy trò. Còn GS. Hoàng Xuân Nhị - Chủ nhiệm khoa tôi, thì một hôm đeo ba lô chở gạo qua suối Đôi, nước lũ to, thầy lúng túng, các trò K8 bèn nghĩ ra kế cho người mượn trâu để thầy ngồi lên, ôm thầy rồi đánh trâu qua suối an toàn. Thầy trò mừng lắm. Lại một chương khác rất hay, ngọn nguồn chắc cũng từ K8:
    “Rừng Tràng Dương, Trương Khuê chạy lợn
    Núi Tương Tư, Cung Việt đề thơ”.
    Xóm Tràng Dương là bản doanh của lớp K8, lớp đông vui nhất, có nhiều giai thoại nhất, hồi trên có nguyên do là trong số sinh viên của lớp này leo núi vào rừng đốn gỗ có anh Trương Khuê, người Nam bộ, sinh viên ngành Ngôn ngữ. Anh mới bên nước Đức về học tiếp, vốn thư sinh, trông như tây, lại chưa quen rừng núi nên khi gặp một chú lợn rừng, sợ quá bèn bỏ chạy đứt hơi. Anh em hỏi ra mới biết, liền đi lùng lợn cỏ để săn thì không được, cứ tiếc mãi. Còn một người bạn khác là nhà thơ Phan Cung Việt, hồi đó đang tập làm thơ, đồn rằng, có lần hứng chí, bắt chước người xưa, anh đã đề thơ lên vách núi. …

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng rồi, lối Quân Chu đi Ký Phú nhũng năm gần đây bọn tôi về Mỹ Yên (An Mỹ xưa), gần hơn lối Thái Nguyên Đại Từ đến 20km. Xa xưa chắc lối ấy xấu lắm nên bọn tôi, cơ giới, không đi. Bây giờ cũng lại không đi, vì đường mới làm HN Thái Nguyên cao tốc.
      Chuyện suối rừng đồng lúa rất thân quen, vào rừng chặt gỗ làm nhà bọn tôi còn mất 1 bạn, năm tôi mới 14 tuổi.

      Xóa
    2. Bên trường Trỗi các bạn về thăm nơi cũ thường xuyên, thật tình nghĩa. Cách đây ít hôm, tự dưng tôi vào trang Tầm nhìn - nên biết được Lâm Duy con TLPB hồi ấy, mất năm 1966, lúc tham gia đốn cây làm lán trại. Còn trẻ qúa ...
      Những năm tháng ấy thật khó quên, đúng không?

      Xóa

huuthanh.ng@gmail.com, binhdannin@gmail.com, xuanvinhbui08@gmail.com, vphuong_h@hotmail.com, ngaugaunguyen@yahoo.com, thanhminhle2002@yahoo.com, ntdan2005@yahoo.com.vn, vutuyen1952@yahoo.com.vn, phongtran.vc5@gmail.com, dungnm20152@gmail.com, pvbenkhtn@gmail.com, pgsts969@gmail.com, thithamvtv2@gmail.com, minhnvhut@gmail.com, vmcthy@yahoo.com, pkchi.ndn@gmail.com, phutho.hoangngocthanh@gmail.com, dshien52@yahoo.com