Thứ Năm, 5 tháng 3, 2015

Lần đầu đến sông Cầu - hè 1970



Đợt lao đông đào mương đắp đê hè 1970

Lệnh của khoa, trước khi nghỉ hè tất cả học sinh đi đào mương, đắp đê.

Thế là chúng tôi – năm thứ nhất khoa Lý, khoa SInh, khoa Địa kéo nhau lên Quế võ. Các khoá khác của trường cũng đến, nhưng không cùng thời gian với chúng tôi. Hình như có xe tải chở đến nơi tập kết, sau đó thì đi về các làng mà ban liên lạc đã liên hệ trước. Tôi không nhớ tên làng xã, bởi lúc đó trong đầu chỉ còn mỗi dòng sông Cầu với các câu ca thật mượt mà ngự trị…

Tôi chỉ còn nhớ loáng thoáng - lớp tổ chức như bộ đội,  tôi ở tiểu đội nào, với ai cũng quên biến rồi, chỉ nhớ là có chị Mùa. Lớp tôi thành một đại đội, không nhớ đại đội trưởng và chính trị viên là ai ? Chắc là lớp trưởng và bí thư chi đoàn? Và cả mấy khoa thành một tiểu đòan, tiểu đoàn trưởng là một thầy giáo bên khoa Sinh vật. Thử nhớ xem tên thầy là gì nhưng chịu. Kệ đó đã, tên thầy là thuộc về thầy, nhưng với các bạn của tôi và tôi thì cái việc đắp đê, hoàn thành khối lượng được giao mới quan trọng.
Quả là đợt rèn luyện cho xứng với các thế hệ cha anh. Những điều tôi cảm nhận trong thời gian đó – không nhiều - ngoài cái nắng cháy da, cái nóng như trong chảo rang, những cơn khát dai dẳng, ... và sự chăm chỉ miệt mài của kiến :-)
 Khi học phổ thông đi sơ tán, cũng tập gánh gồng, cuốc đất, đánh luống khoai, làm bèo hoa dâu, đi gặt, đập lúa nhưng chỉ là đôi lần cả năm học, chứ không thế này. Thế này – có nghĩa là, cả ngày gánh, trừ hai lần nghỉ giải lao giữa giờ chừng 15 phút, lúc nghỉ ăn trưa và tối đi ngủ, hôm trước gánh, hôm sau gánh, tuần này gánh, tuần sau gánh, 4 tuần liền. Cả ngày cái đòn gánh dính trên vai, trừ lúc đứng chờ xúc đất vào xảo, mà có lần xuống đến nơi đã có các xảo đất đầy sẵn ở đấy rồi ...
Ngày đầu tiên còn hăng  hái, tối về ăn tối xong, tắm rửa - phải nói là nước giếng ở đây rất trong và mát - chỉ tội là hơi sâu, nên riêng cái vụ kéo nước tôi cũng phải tập, rồi leo lên giường, ngủ vùi. Sáng sáng, đang ngủ say, 5 giờ sáng đã bị còi goi dậy, rối rít đánh răng rửa mặt, chạy vôi ra nơi tập trung lấy khẩu phần bánh mì ăn sáng, rồi bước thấp bước cao, vừa gặm bánh vừa đi ra công trường. Con đường đi qua một làng khác, quen dần đi, nhưng cảm giác dài ngắn từng ngày khác nhau, tuỳ theo ngọc thể hôm đó ra sao. Cái làng dọc đường đi có một dãy ao sen – đi qua không khí rất mát lành.

Mỗi sáng, khi chúng tôi ra đến nơi thì mặt trời cũng đã mọc, cả bọn xúm xít chọn đồ nghề của mình – ai gánh thì chọn gánh, nghĩa là đòn gánh và 2 hoặc 4 cái xảo ( Qua đợt lao động tôi có thêm một kinh nghiêm là muốn gánh êm hơn, đỡ đau vai thì phải chọn đòn gánh to bản hơn, mảnh, dẻo; độ dài của dây quang phải tương ứng với độ cao của người...), ai đào thì chọn mai, xẻng, không có ai không chọn gì (hic). Ngày thứ hai của đợt lao động, khi đặt đòn gánh lên vai – lúc ấy tôi chỉ còn biết thầm kêu Trời – và nước mắt ứa ra. Chị Mùa bảo “Em đừng có sờ tay lên vai, sẽ bỏng rát hơn, lấy cái khăn lót vào …”- các bạn nhiều người dùng khăn che mặt tiện lau mồ hôi, còn tôi thì đã có nón lá che đầu, nhưng lau mồ hôi thì dùng tay áo gạt…  Hai cái vai sưng phồng, đỏ lựng…, dằn chiếc đòn gánh xuống, nghiến răng lại và bước đi, chắc là vài bước đầu hơi loạng choạng…Chúng tôi làm dưới nắng như đổ lửa, và cả dưới mưa – khi mưa to quá thì mới dừng . Ban đầu còn đi dép, sau đi chân trần - những vết rỗ ở gan bàn chân phải mấy tháng sau mới hết. Ai đã quen gánh gồng trên đường đất trơn khi trời mưa - hẳn sẽ biết rằng khi nền trơn thì phải bấm ngón chân xuống - còn tôi, ban đầu thì ngược lại, nên nhiều lần cứ trượt ngã ... Nhớ lại – cái bệnh thành tích thế mà tệ, cố gắng - cố gắng nữa, nhưng dù cố thế nào - lớp tôi vẫn đứng sau lớp B1A, khoa địa và sau cả khoa sinh vật nữa (híc híc)…

 Nắng, nắng tháng Bảy thật đáng sợ - bầu trời xanh cao thẳm, không một gợn mây, dòng sông Cầu vẫn lặng lờ, những khóm tre cũng đứng lặng – im ắng  trong không khí oi nồng …
Giữa sáng và chiều có cấp dưỡng mang nước ra, nóng ra mồ hôi nhiều nên khát nước lắm – có một lần tôi đã phải dùng nón múc nước ruộng gặt sau mùa, trong vắt  nhìn thấy cả những cây cỏ, chân rạ, và uống .. (Thế mà đến giờ chẳng sao ) . Nắng, nóng đến mức mặt mũi ửng đỏ, tóc cháy nắng hoe vàng - mồ hội ra khô đi đọng lại thành từng viền muối trắng bạt lưng áo…Những ngày lao động đó, tôi nhớ mãi hình ảnh Hồng Nga, vóc dáng mảnh mai, bé nhỏ với nụ cười dịu dàng 
sự chịu đựng vượt gian khổ của Nga thật đáng khâm phục…
Đau cứ đau, vẫn cứ cười đùa - vẫn ngóng sang nhóm hay tổ bên cạnh coi cái hố đất bên đó sâu hơn bên mình không – thi đua mà,
Nhiều lúc mệt lắm, nhưng chỉ cần nghe anh Ân nâng cái gánh với 4 xảo đất rồi hô “Đả đảo Lon non, Sirik Matắc …” là
tiếng cười lại rộ lên đây đó
, bởi điệu bộ của ông ấy - người gầy nhẳng, cao lêu đêu, xạm đen – hai cánh tay nâng cái đòn gánh lên như cử tạ, chứ chính trị thì tôi ít am hiểu, chỉ là đầu năm 1970 – báo chi đưa rất nhiều tin về cuộc đảo chính bên Campuchia, nên cũng nhớ vài cái tên…

Nắng và nóng, đôi ngày kèm theo mưa dông chiều tối. Một hôm trên đường về thì cơn  dông đùng đùng kéo đến, qua ao sen của làng bên, nhóm các bạn  Cử, Nhã .. lội xuống hái trộm, vì trong cơn dông, không có người canh - và cũng dễ  tránh cán bộ lớp, biết như thế là ăn trộm, vi phạm tài sản của dân - các vị cán bộ lớp mà biết thì lại kiểm điểm có khi hết đêm cho mà xem.  Nhìn trước sau, rồi cũng trót lọt cả và tôi vui lắm vì có phần là một bông sen chưa nở hẳn, nhưng rất không may là dù chỉ đứng trên bờ ao tôi ngấm mưa lạnh . Đêm đó tôi lăn đùng ra sốt - nóng hầm hập ...
Khi chuẩn bị cho chuyến đi, mẹ và chị gái cũng gói cho vài viên thuốc cảm và đôi viên kháng sinh với vitamin C. Nước thì nhà chủ có sẵn, chị Mùa đi làm cả ngày, lúc trưa về qua, đặt tay lên trán tôi xem đỡ sốt chưa, ngồi một lúc rồi lại đi làm tiếp. Một mình chập chờn nửa thức nửa ngủ trong cơn sốt, may có chị chủ nhà - nửa buổi sáng đã nấu cháo cho ăn. (
Suốt nửa thế kỷ tôi không quên cử chỉ nhân nghĩa này, từ nơi xa xôi tôi muốn gửi lời cảm ơn cất giữ trong lòng từ bấy nay tới chị chủ nhà trẻ ấy ). Ăn cháo xong, uống thuốc rồi lại trằn trọc vì cơn sốt chưa hạ. … Bất chợt một giọng ru con từ nhà bên cạnh vọng lại – chắc là đứa bé trưa hè nóng không ngủ được, quấy và có lẽ mẹ nó đã ru nó.  Tôi cũng bồng bềnh theo điệu ru của người mẹ trẻ, giấc ngủ đến lúc nào - một giấc ngủ êm như ngày còn bé ở nhà với mẹ… Thế mà cũng phải vài ngày mới qua cơn sốt và lại tiếp tục đòn gánh trên vai …

Tuần cuối cùng của đợt lao động qua đi – cái lòng mương chúng tôi tham gia đào trông rất nham nhở, nơi phình ra, nơi thắt vào - đã căng dây đo đạc thế mà nó vẫn không thẳng, chỗ nông chỗ sâu, có chỗ còn cả một cột đất trơ trọi xung quanh toàn là hố - và cái con đê chúng tôi đổ đất tạo nên cũng khá cao và to.
(Con mương đó nằm sát trong đê sông Cầu - liệu nó có tác dung gì trong chống hạn và chống lũ không – tôi không có dịp quay lại đấy nên cũng không biết nữa).
Cuối cùng thì đợt lao động đã chấm dứt. Về sau, mỗi khi nghe câu hát  "- " con kênh ta đào chưa có nước chảy qua, chỉ có nắng mùa hè nóng bỏng, mồ hôi muối lưng áo em bạc trắng ..." tôi lại nhớ vô cùng những ngày hè năm ấy ...
Thở phào nhẹ nhõm - tôi háo hức trở về Hà nội không chút vương vấn - để lại đằng sau lưng dòng sông Cầu lần đầu tôi đến - hững hờ chảy - với những khóm tre xanh cong cong in bóng...Vả đề rồi vài năm sau gặp lại cũng dòng sông đó vào một mùa đông rét buốt...

11 nhận xét:

  1. Có thể là tôi nói không rõ, chứ việc có hay không tác dụng thì chưa tính. Chỉ riêng việc có một con mương lớn và sâu song song với con sông ở ngoài đê là làm tăng khả năng vỡ đê do các mạch ngầm thông nhau, mà khi xáy chuyện thì rất khó huy động lực lượng vượt qua mương để cứu đê.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì, tôi sửa lại cái câu đó rồi (đấy gõ bàn phím có lợi thế đó) - thực ra, lúc đó thì tôi chưa nghĩ gì, nhưng mỗi lần sau nhớ lại tôi cũng có ý nghĩ như HT - việc đó chắc chỉ xuất phát từ ý tưởng " rèn luyện thanh niên trí thức thế hệ mới " -

      Xóa
  2. Có lẽ thi đua gánh nặng chập 2 đòn gánh dịp ấy làm đốt sống của tôi bị thương tổn gây gai mọc thành cầu; cái hiện tượng mà ông thầy thuốc chuyên nắn cột sống hỏi tôi thế.
    20 năm sau được ông ta nắn, chữa trị thuần túy cơ khí, sau đó tự giữ gìn cho tới giờ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thế nghĩa là vụ này, rồi sau nữa là vụ cứu lũ, HT đếu bị đau cả. Hy vọng sự tự giữ sẽ đỡ đi những phiền hà với tuổi tác.
      Hồi đó, có ai nói cho bọn nhóc chúng mình biết điều gì là hay, là dở đối với sức khoẻ dài lâu con người đâu. Hồi đó chỉ chú trọng giáo dục tinh thần cứ như theo kiểu " duy lý " thì phải? Tôi có cảm giác ngày đó bọn mình rất vô thức - mặc dù luôn tự cho là có ý thức :-( .
      ... Chừ ngó lại thấy ...
      Nhưng mà thôi - dù sao cũng vẫn là đệ tử của chủ nghĩa lạc quan CM. Dù gì cũng sẽ qua. Giữ gìn - đề lần sau làm ít cuộc dạo quanh nữa (hic). Bạn cứ thi thoảng làm vài vòng xa - gần quay hay chụp ít hình đăng lên - với tôi đấy là sự chia sẻ rất qúy giá, (nhưng nhớ tránh các đoạn có các hung thần... )

      Xóa
  3. Trí nhớ của XV siêu thật. Mình không thể nhớ tỉ mỉ đến từng chi tiết như vậy nhưng mỗi một năm học, mỗi một hoạt động ngoại khóa mình đều có một vài ấn tượng, một vài câu chuyện không thể nào quên.
    Năm đầu vào học cái điều nhớ nhất là điểm 2 bài kiểm tra Triết học cuối học kì I, mình buồn ghê lắm mặc dù bề ngoài không dám thể hiện gì nhưng bên trong buồn thúi ruột thúi gan, sau này nghe đâu đó có câu "chưa phải thi lại chưa là sinh viên " vậy là bám vào đó để "bình thường hóa quan hệ", tiếp theo là cái ấn tượng về nồi nước canh rau muống đen sì của nhà bếp, rồi cái dây thừng dùng phơi quần áo có ngày đứt đến 4 lần - báo hại phải múc nước rũ lại rã rời cả hai tay.
    Đợt đi đào mương ở Quế Võ ấn tượng để lại là cái nắng chói chang, là lần duy nhất trong đời bị mất tiếng (tầm hai, ba ngày gì đó), là cái đầm sen ngày 4 lần qua lại - muốn lắm lắm một bông hoa sen mà không thể hái được ( xa quá mà lại không dám lội xuống hái), là giọng gọi thằng con trai ngủ nướng của bà chủ nhà "Năm, trỗi , trỗi" (đã bao giờ nghe thấy ai gọi dậy là trỗi đâu _ vậy là thêm vào được kho vốn từ tiếng Việt),
    Những tháng ở KTX Thượng đình thì ấn tượng nhất là ..cái nhà tắm nữ với cái bể nước rõ dài nằm giữa nhà tắm - bây giờ luôn nghĩ trong đầu là sao lúc đó lại "hồn nhiên " đến như thế, rồi đến cái ồn ào rất đặc trưng của KTX sinh viên- nhiều khi chẳng có gì xảy ra nhưng ai đó "vui tính" hét lên một tiếng hoặc đốt vài tờ giấy thả từ tầng 4 xuống vậy là những cài đầu thò ra từ cửa sổ các phòng ở - cảm giác như cả tòa nhà 4 tầng nghiêng đến nơi- không gian yên tĩnh bị phá vỡ chừng vài phút rồi lại đâu vào đấy, là mỗi buổi sáng đèo nhau đi mua bánh mì ngọt ở Ngã Tư Sở về phủ lót cho cái "dạ dày sinh viên" rỗng tuếch từ đêm hôm trước...
    Rồi những ngày tập quân sự, lần đầu tiên được bắn đạn thật, lớ ngớ thế nào cũng đạt loại giỏi - đến bây giờ cũng không biết có phải điểm thật không hay các bạn động viên vì sau nay cũng đôi ba lần tập tành ở cơ quan nhưng chẳng lần nào bắn tốt thế.
    Đợt tham gia chống lụt ở ga Yên Viên , sao quên cảnh ngâm mình dưới nước bẩn để đẩy bao gạo trên một cái xăm ô tô cũ , cảnh ngồi ăn cơm giữa ca đêm dưới gầm xe tải vì trời vẫn đang đổ mưa- canh măng lẫn cát mà chẳng thấy ai than vãn gì.
    Cảnh sơ tán gấp về Thạch Bích trong đêm cùng với bà con Hà nội, cảnh ngồi học về Cơ lượng tử mà chân thì đung đưa vì phía dưới là đường hào, cảnh 4 đứa con gái tụi mình (Thủy , Chiến, Vũ Minh, Thành Minh) những ngày học ôn thi cũng chỉ được phép luộc 8 củ khoai để ăn chống đói về đêm và sáng sớm...
    Đến năm lớp mình phân nhỏ về các tổ chuyên đề, không thể quên những ngày thực tế ở Bộ Giao thông, ở đây Kim Thành đã bị tai nạn khi đang làm việc - nhìn mặt bạn bị bỏng nặng, mặt đỏ rực vì bôi thuốc (nghe đâu bôi thuốc đỏ theo cách điều trị của Cu ba) mà tất cả lo lắng, xót xa- nghĩ lại mới thấy Kim Thành quá dũng cảm, bạn không hề kêu ca gì, vẫn bông đùa như không có gì xảy ra, nào mấy ai sẽ được như vậy (!!!), rồi làm luận án tốt nghiệp - thí nghiệm đi thí nghiệm lại, viết đi viết lại, thầy lại sửa lại viết...rồi bảo vệ luận án...vui, nhẹ người.
    Còn nhiều nhiều lắm những câu chuyện nhỏ nhỏ như vậy, góp lại thì đó là hơn 4 năm đại học , đó là một phần đời quan trọng của bọn mình, từ lúc vào trường chỉ hơn trẻ con một tí sau hơn 4 năm đã khác đi nhiều chí ít thì cũng đã có cái bằng mà bây giờ gọi là "cử nhân"

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dứt khoát là còn nhiều chuyện nho nhỏ nữa, nhưng bộ nhớ chưa kích hoạt đấy.
      Rất thú vị được TM góp một cái ý rất dài - ai cũng nhớ về mình và kể cho nhau nghe, có thể sẽ tái hiện lại được lớp B1b ngày đó đấy. Tớ rất vui - Thanks một cái :-)

      Thực ra những năm sau tớ nhớ không nhiều TM à. Trong mớ hồi ức lộn xộn tớ gần như chẳng nhớ gì về học hành cả (hic hic). Nếu có thì tớ nhớ rằng, học triết mà tớ cứ lù mù, những gì là quy luật biện chứng gì gì đó, với tớ là cả một mớ rối bù cao siêu như mây trên trời. Hay cái môn cơ lượng tử riêng chỉ nghe “muy“ hay “nuy “đã rối beng lên rồi …Suốt mấy năm ấy, tớ làm ra vẻ học thôi – nghĩa là cũng đến lớp, làm bài tập, trả thi nhưng - thực ra tớ đã học được gì nhỉ?

      Xóa
    2. Học gì không biết nhưng hiện cũng đang quản một bộ phận (tuy nhỏ) bọn thực dân. Nể nể

      Xóa
    3. Cuộc vớt gạo, thiết bị điện(?) ga Yên Viên vụ vỡ đê 1971 không phải ăn cơm dưới gầm xe tải đâu TM.
      Có nhớ những cái phao cầu dùng để vận chuyển không? Mỗi cái có một cái lỗ người chui lọt, mà nó cũng khá cao đủ ngồi lom khom trong ấy.
      Bọn mình ăn cơm ở trong cái phao cầu ấy, vì bên ngoài mưa. Nếu tôi không nhầm mỗi phao ngồi được đến 2 mâm ấy, tất nhiên là hơi bị tối.

      Xóa
    4. Ờ ờ, thế là bộ nhớ của tớ có vấn đề rõ rồi HT nhỉ, cho tớ đính chính lại nhé, cũng may là vẫn ở dưới một cái gầm chứ không phải là trên bàn (hi hi). Thanks

      Xóa
    5. Cái vụ này - tớ chỉ nhớ lúc đi cứu đê vỡ - tối xe tải chở đi, sáng chở về, ăn ca đêm trên các bao cát được ném xuống nơi đê vỡ - nước cứ mấp mé chực trào lên thôi. Ít bát, nên chuyền nhau ăn xung quanh nước mênh mông mé không thể rửa. Cảnh đêm, toàn nước là nước, ánh đèn bão hắt xuống nước - cứ có tín hiệu báo động gì là tắt ngấm cả.
      Còn khi kéo gạo, tớ kéo được vài ngày thì đau mắt đỏ. Và vẫn nhớ cái cảm giác bước vào kho gạo, bùn và bột gạo mủn thoát ra khỏi bao thành một lớp hơi quánh chân...

      Xóa
  4. Hì, ai mà nghe 2 đứa mình tán chuyện về mấy năm học đại học, chẳng biết học gì - chắc sẽ lắc đầu đến sái cổ mất cho mà xem.

    Thôi, bạn cũng như tớ, gì cũng đã đến cái tuổi này - được thế này - là OK rồi , nhẩy?

    Trả lờiXóa

huuthanh.ng@gmail.com, binhdannin@gmail.com, xuanvinhbui08@gmail.com, vphuong_h@hotmail.com, ngaugaunguyen@yahoo.com, thanhminhle2002@yahoo.com, ntdan2005@yahoo.com.vn, vutuyen1952@yahoo.com.vn, phongtran.vc5@gmail.com, dungnm20152@gmail.com, pvbenkhtn@gmail.com, pgsts969@gmail.com, thithamvtv2@gmail.com, minhnvhut@gmail.com, vmcthy@yahoo.com, pkchi.ndn@gmail.com, phutho.hoangngocthanh@gmail.com, dshien52@yahoo.com